Giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lễ hội vùng Đất Tổ

Sau những gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các lễ hội Xuân Quý Mão đã được tổ chức trở lại với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, du lịch… được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách. Công tác quản lý, tổ chức được các cấp, các ngành quan tâm nhằm hướng tới sự văn minh, mẫu mực, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống trong không gian lễ hội vùng Đất Tổ.

Trình diễn Tứ dân chi nghiệp tại Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Phát huy các giá trị truyền thống

Toàn tỉnh hiện có hơn 310 lễ hội truyền thống, phần lớn các lễ hội diễn ra trong ba tháng mùa Xuân. Các hoạt động lễ hội được gắn với không gian tâm linh và thực hiện các nghi lễ mang đặc trưng riêng. Từ đầu năm tới nay, công tác quản lý, tổ chức các lễ hội đã được ngành văn hóa và các địa phương tập trung triển khai tốt, phần lễ đảm bảo trang trọng, phần hội phong phú, an toàn, tiết kiệm.

Là một trong những lễ hội khởi đầu cho chuỗi các lễ hội đầu Xuân vùng Đất Tổ, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc, thu hút hàng chục nghìn du khách thập phương về trẩy hội. Anh Phan Lê Hoài Nam, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì cho biết: Đầu năm, tôi đưa cả gia đình về Đền Mẫu Âu Cơ để dâng hương, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Thánh Mẫu và cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn. Tôi thấy lễ hội năm nay được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm, thành kính theo nghi thức truyền thống.

Theo Ban Tổ chức lễ hội, việc tổ chức lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con cháu Lạc Hồng đối với tiên tổ đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các hoạt động tại lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ năm nay diễn ra trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống; bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông và theo đúng các quy định.

Lễ hội Phết tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông tổ chức trong hai ngày 12-13 tháng Giêng đã thu hút hàng nghìn người dân, du khách thập phương về tham gia các hoạt động tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Nữ tướng Thiều Hoa cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân của Bà- người có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Dù phần đông vui nhất hội là đánh phết trước đó đã được thông báo không được tổ chức nhằm đảm bảo an toàn nhưng lễ hội vẫn diễn ra với không khí sôi nổi, tưng bừng, đậm giá trị văn hoá truyền thống. Phần lễ rước kiệu với các sắc phong, bài vị, quả Phết, quả Chúi được khiêng từ Đình ra Đền do các “binh sĩ” hộ tống. Tiếp đó, các bậc lão trong làng thực hiện phần tế lễ, cầu mong cuộc sống an bình cho mọi người. Sau ba tuần rượu tế là đến lễ kéo quân, đoàn binh sĩ cùng chầu trước cửa Đền để nghe chỉ dụ, sau đó chia hai ngả miệng hô vang cả một góc trời.

Em Trần Thuỳ Linh, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông cho biết: Là năm thứ hai tham gia đoàn rước kiệu, cảm xúc của em rất vui và tự hào. Đây là sinh hoạt văn hoá truyền thống của quê hương, tưởng nhớ và tri ân công lao của nữ tướng. Qua lễ hội, chúng em cảm nhận sâu sắc được những bài học có ý nghĩa giáo dục lịch sử, gắn với quê hương của mình nói riêng và truyền thống đấu tranh giữ nước, dựng nước của dân tộc Việt Nam nói chung.

Trước đó, UBND huyện Tam Nông đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin làm việc với UBND xã Hiền Quan, đồng thời kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội Phết Hiền Quan năm 2023. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, nội dung đánh phết chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và an toàn, an ninh trật tự. Đồng chí Lưu Văn Hiệu- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Địa điểm nơi thường tổ chức đánh phết nằm trên khu ruộng rộng khoảng 3.000m2 của người dân khu 2, khu vực này đang tích nước cấy nên nếu tổ chức đánh phết sẽ gây lầy thụt, phương án đánh phết chưa cụ thể, lực lượng tham gia bảo vệ sân đánh phết chưa đảm bảo, vì vậy Ban Tổ chức lễ hội của xã Hiền Quan quyết định chỉ tập trung thực hiện phần lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, không tổ chức đánh phết. Thời gian tới, xã sẽ tiến hành chỉnh trang lại đường dẫn nước ở khu ruộng làm sân phết, chỉ khi đảm bảo an toàn mới xem xét tới lễ đánh phết theo nguyện vọng của người dân.

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Chú trọng công tác quản lý, tổ chức lễ hội

Tuy các ngành, các cấp và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, nhưng một số lễ hội, vẫn nhận thấy còn tồn tại cần khắc phục như: Ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội, gìn giữ vệ sinh môi trường của một số người tham gia lễ hội chưa cao; có lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít, thay vào đó là các môn thể thao hiện đại, có nơi còn để diễn ra các trò chơi mang tính thương mại. Tại lễ hội Trò Trám tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vừa qua, theo nghi thức truyền thống, “lễ mật” là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội, thực hiện vào giờ khắc thiêng liêng, giao hòa của đất trời, được tổ chức trong không khí trang trọng và thâm nghiêm. Khi thực hiện nghi lễ này, cửa miếu được đóng kín lại, bên trong miếu chỉ có ông từ và một đôi nam nữ thực hiện nghi lễ. Tuy nhiên, Ban Tổ chức lễ hội đã để cho rất nhiều người dân tràn vào không gian bên trong miếu Trám, sử dụng điện thoại, máy quay phim, đèn flash, gây nên tình trạng chen lấn, ồn ào, mất trật tự trong miếu Trám. Việc mở cửa miếu để đông đảo người dân vào xem đã làm mất đi giá trị chân thực vốn có, mất đi tính trang trọng, thâm nghiêm của nghi lễ và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của lễ hội. Bên cạnh đó, nhiều trang mạng xã hội, báo điện tử đã đăng tải các hình ảnh được quay phim, chụp ảnh cận cảnh “lễ mật” và có chú thích không đúng gây bức xúc, ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng về các giá trị cốt lõi của di sản.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Ngay sau khi xuất hiện các hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội, đặc biệt là lễ hội Trò Trám, Sở đã đề nghị UBND huyện Lâm Thao tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra tình trạng tượng tự tái diễn; chỉ đạo UBND xã Tứ Xã nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm; chấn chỉnh việc tổ chức các nghi lễ của lễ hội, phải trang nghiêm, đảm bảo thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo, quản lý các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải, đưa tin có thời lượng hợp lý, tập trung phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong các hoạt động lễ hội nói chung trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi cố tình đăng tải, tuyên tuyền không đúng giá trị tốt đẹp vốn có của các di sản văn hóa.

Thời gian tới, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đề nghị UBND các huyện, thành, thị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, của tỉnh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Tú Anh

Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/giu-net-dep-van-hoa-truyen-thong-le-hoi-vung-dat-to/191156.htm