Đạo hiếu là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp, là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, qua nhiều thế hệ. Trong suốt chiều dài lịch sử, đạo hiếu đóng vai trò nền tảng của đời sống tinh thần, giữ vị trí quan trọng và quyết định quan hệ gia đình và xã hội. Theo dòng chảy của thời gian, những giá trị truyền thống của người việt, trong đó có đạo hiếu đang có những thay đổi. Để gia đình bình yên và hạnh phúc, mỗi người cần nâng cao vai trò của minh trọng việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn của đạo hiếu.
Đã nhiều năm nay, do tuổi cao sức yếu, cụ Đinh Thị Bang, xã Yên Phong (huyện Yên Mô) phải nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt cá nhân của cụ Bang đều cần sự giúp đỡ của con, cháu. Dù điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả, mưu sinh bằng bán hàng tại chợ, nhưng bà Lê Hải Chiến, con gái cụ Bang luôn cố gắng thu xếp thời gian ở bên cạnh mẹ lúc tuổi xế chiều, dành cho mẹ sự chăm sóc tốt nhất mà bản thân có thể làm được. Bà Chiến chia sẻ: Mẹ tôi năm nay đã hơn 90 tuổi, nhiều năm nay ốm đau hầu hết sống thực vật trên giường. Người ta vẫn thường nói “một già một trẻ như nhau” quả đúng không sai. Chăm sóc cho người già cũng khó khăn, vất vả như chăm sóc cho một đứa trẻ, rất cần có sự kiên nhẫn, chu đáo và đầy tình yêu thương. Tôi hiểu được nỗi vất vả khi xưa của mẹ đã nuôi nấng mình từ tấm bé, nên nay mẹ già yếu, tôi muốn hết lòng tận tụy, nâng niu, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, để mẹ còn sống được ngày nào là hạnh phúc ngày đó.
Để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững, trong mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương sáng để các con, các cháu noi theo, đặc biệt là trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên, là tiền đề góp phần gìn giữ gia đình hạnh phúc, văn hóa, mẫu mực. Anh Vũ Văn Việt, phố Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Cha anh qua đời đã hơn 20 năm, hiện chỉ còn mẹ đang sống cùng gia đình anh với 3 thế hệ. Theo anh Việt, không có một gia đình nào hạnh phúc, ấm êm mà quên đi việc thực hiện đạo hiếu, bởi đó là gốc rễ cho mọi lẽ sống tốt đẹp. Đối với anh, lòng hiếu thảo với cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu, noi gương cho các con, cháu nhìn vào để học tập, noi theo… Nhờ sự gương mẫu, hòa thuận ấy mà gia đình anh lúc nào cũng luôn vui vẻ, mọi người yêu thương nhau, cảm thấy cuộc sống rất thoải mái, đầm ấm.
Theo cô giáo Nguyễn Lệ Thủy, Trưởng phòng Giáo dục kỹ năng sống, Trung tâm phát triển kỹ năng Thanh-Thiếu nhi, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, đối với mỗi người Việt Nam, lòng hiếu thảo là một trong những giá trị đạo đức cao đẹp, nhân văn được lưu giữ và truyền lại từ đời ông cha, thể hiện tấm lòng tri ân, báo đáp đối với những bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo của con người không những được thể hiện trong thái độ, tình cảm mà còn được biểu hiện qua hành động cụ thể. Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, không phải người con nào cũng có điều kiện sống gần cha mẹ để chăm sóc, phụng dưỡng lúc tuổi già. Trước hoàn cảnh đó thì sự quan tâm, thăm hỏi, của các con từ nơi xa cũng là niềm động viên, an ủi cho những người làm cha làm mẹ. Gia đình là bến đỗ bình yên nhất để mỗi người chia sẻ niềm vui, hạnh phúc, đồng thời cũng là nơi nương tựa, cậy nhờ những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn…
Cuộc sống hiện đại dù có phát triển đến đâu, mức sống được thay đổi thế nào thì tình yêu thương, và sự hiếu kính vẫn luôn là những giá trị bất biến, cốt lõi để xây dựng hạnh phúc gia đình. Yêu kính và chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vừa là đạo đức vừa là nghĩa vụ, là trách nhiệm xuất phát từ tấm lòng của phận làm con. Trong bối cảnh xã hội đang vận động rất nhanh, liên tục có sự biến chuyển, trẻ em có rất nhiều điều hay để học theo thì cũng có không ít điều không tốt tác động, tiêm nhiễm vào trẻ. Việc giáo dục đạo hiếu giúp các em thấy được bổn phận làm con, giữ đúng vị trí của mình trong gia đình là vấn đề hết sức quan trọng, là trách nhiệm của các nhà trường và mỗi gia đình.
Trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo Quyết định 224/ QĐ-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 28/01/2022 (thay thế Quyết định 484, ngày 08/12/2017) nêu rõ tiêu chí ứng xử chung trong gia đình theo các nguyên tắc: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Theo đó, tiêu chí ứng xử của vợ, chồng là chung thủy, nghĩa tình; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép và tiêu chí ứng xử đối với anh, chị, em cần hòa thuận, chia sẻ.
Đối với người Á Đông, trong đó có người Việt Nam, đạo hiếu là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng gắn kết các thành viên trong gia đình. Dù thời đại nào, giá trị đó cần được lưu giữ và phát triển. Để gia đình luôn là tế bào lành mạnh của xã hội, là bến đỗ bình yên của mỗi người, là nơi con người được yêu thương và thể hiện tình yêu thương; mỗi chúng ta cần nâng cao vai trò của gia đình trong việc giữ gìn, phát huy đạo hiếu, có phương pháp giáo dục đạo hiếu cho thế hệ trẻ, phù hợp với những thay đổi của xã hội hiện nay.
Khi thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam từ ngàn xưa. Đồng thời, từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội…
Huy Hoàng – Minh Quang
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giu-gin-phat-huy-gia-tri-tot-dep-nhan-van-cua-dao-hieu-trong/d20230316161417810.htm