Những năm qua, huyện Quản Bạ luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch. Qua đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Gìn giữ nghề dệt vải góp phần thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu. |
Quản Bạ, huyện cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, đa dạng và phân bố trên toàn địa bàn huyện. Không chỉ có núi đá điệp trùng, có màu trắng tinh khôi hoa mận, màu vàng hoa cải, màu hồng phai của sắc đào khi mùa Xuân đến, mà nơi đây còn thơ mộng với Cổng trời Quản Bạ, núi Cô Tiên, hồ Nặm Đăm, hùng vĩ với hang Khố Mỷ, Lùng Khúy, Cây cô đơn… Quản Bạ có 16 dân tộc cùng sinh sống gồm: Mông, Dao,Tày, Bố Y… mỗi dân tộc có một nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống… Nhân dân các dân tộc còn giữ được nét văn hóa truyền thống từ nhà ở, trang phục đến đời sống sinh hoạt thường ngày. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng các làng du lịch cộng đồng, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng Nông thôn mới, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong những năm qua huyện luôn chú trọng bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch, như: Lễ hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc; lễ hội dệt lanh Cán Tỷ – Lùng Tám; lễ Cấp sắc của người Dao; lễ hội Gầu Tào của người Mông… thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến trải nghiệm. Xây dựng các đội văn nghệ quần chúng gắn với các làng du lịch cộng đồng phục vụ nhân dân và du khách. Hiện, 100% các xã trên địa bàn có đội văn nghệ quần chúng tập luyện, giao lưu thường xuyên, góp phần lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật.
Quản Bạ là một trong những huyện đang dần thu hút được các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng phục vụ du lịch bước đầu đem lại hiệu quả tại Khu nghỉ dưỡng H’mông Vilage, xã Đông Hà; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ… Khi đến đây, du khách được tham gia sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm làm nông, dệt vải thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Dao và được thưởng thức những bữa ăn mang đậm hương vị núi rừng, như: Thịt nướng, lợn treo gác bếp, lợn bản, gà đen, cá suối, rau rừng, được hòa mình vào không khí rộn ràng tiếng khèn, chiêng, tiếng trống vang dội nơi cửa ngõ Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn hay say đắm trước những điệu dân ca, dân vũ của các nghệ nhân dân tộc thiểu số.
Anh Lý Tà Dồn, chủ homestay tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm cho biết: “Du khách đến làng chủ yếu mong được trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc như ẩm thực, văn nghệ, phong tục, tập quán… vì vậy, là người làm du lịch, chúng tôi luôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là kiến trúc nhà ở, trang phục dân tộc, quảng bá về nét đẹp văn hóa dân tộc sẽ là điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan”.
Hiện nay, huyện Quản Bạ đang tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Bên cạnh đó, các xã còn duy trì các ngày hội, trò chơi dân gian vào dịp lễ, Tết phù hợp với đặc thù địa phương. Khôi phục các nghề thủ công truyền thống như: Rèn, đan lát, thêu, dệt trang phục dân tộc. Duy trì các lớp dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số…
Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thì nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cũng cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm, nhân lên niềm tự hào và chú trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Quản Bạ ngày càng phát triển và du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu
Nguồn Báo Hà Giang: http://www.baohagiang.vn/van-hoa/202303/gin-giu-net-dep-van-hoa-o-khu-du-lich-sinh-thai-du-lich-cong-dong-8f324e5/