Đái tháo đường một căn bệnh đang gia tăng với cấp số nhân. Trong khi đó, bệnh nhân đa số đều bị các biến chứng như suy thận, đột quy, mù mắt…
Căn bệnh gia tăng nhanh
Theo thống kê của đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Trên toàn thế giới có 415 triệu người lớn (độ tuổi 20-79) tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2015.
Dự đoán vào năm 2040, con số này sẽ tăng tới khoảng 642 triệu người, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường .
Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%. Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh.
Thật lạc quan, thực hiện lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa được 70% đái tháo đường type 2 và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ của đái tháo đường.
Đái tháo đường căn bệnh gia tăng chóng mặt
Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế .
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường – nguyên bác sĩ khoa Nội tiết tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết bệnh đái tháo đường âm thầm phát triển vì người bệnh không có biểu hiện mắc bệnh.
Ở đái tháo đường type 1, biểu hiện lâm sàng xuất hiện rầm rộ hơn. Bệnh nhân thường đột ngột có các biểu hiện đái nhiều, khát nước, uống nhiều và gầy sút rất nhanh và có thể hôn mê.
Người đáo tháo đường tuýp 2 chủ yếu được phát hiện ngẫu nhiên khi đi khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi đi khám mắt, hoặc chuẩn bị mổ nên làm xét nghiệm thấy đường máu tăng cao, các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ thiếu insulin, giai đoạn đầu thường không rõ ràng.
Người bệnh thường có triệu chứng như giảm thể lực chung, đái nhiều, uống nhiều, giảm cân, ăn kém ngon, đói nhanh, da bị nhiễm khuẩn lâu lành, ngứa vùng sinh dục, nhìn mơ, hay bị chuột rút, giảm khả năng tình dục… Nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh trong tình trạng hôn mê tăng.
Làm gì khi bị đái tháo đường
Theo bác sĩ Đinh Thi Kim Liên – nguyên Giám đốc trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chế độ dinh dưỡng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường.
Chế độ ăn đúng sẽ đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể vừa điều chỉnh được đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, vừa đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường là đủ nhu cầu năng lượng, đủ hàm lượng đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng với tỷ lệ hợp lý, không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
Chế độ ăn đặc biệt quan trọng với người bị đái tháo đường
Duy trì cân nặng ở mức hợp lý và các hoạt động thể lực hàng ngày, phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương.
Theo bác sĩ Liên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng năng lượng: 25 – 35kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày. Người bệnh đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, thể trạng béo hay gầy, mức độ hoạt động nhiều hay ít, bệnh lý kèm theo…
Chế độ ăn phải hạn chế glucid (bột, đường), tuy nhiên không được giảm quá nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường. Tỉ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 – 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần.
Nên sử dụng các glucid phức hợp gồm gạo, khoai củ. Hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt).
Về lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường và nên đạt được 15% – 20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12% – 14 %). Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vì các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn.
Giảm mỡ động vật vì dễ gây xơ vữa động mạch. Nên ăn các loại chất béo có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…). Năng lượng do chất béo nên đạt 20-30% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18-25%) và không nên vượt quá 30%.
Cần đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.
Nên tăng cường chất xơ 30 – 40g/ngày (trung bình 100g rau có khoảng 3g chất xơ). Người bệnh nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenluloza), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo giã chưa kỹ; rau; củ, quả (làm rau); khoai củ. Chất xơ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.
Khi chế biến thực phẩm nên ăn món luộc, hấp, hạn chế các món chiên rán. Các loại củ không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao. Nên ăn quả chín cả múi, miếng để có chất xơ, hạn chế dùng các sản phẩm ép hoặc xay sinh tố.
Tăng cường hoạt động thể lực đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày, hầu hết các ngày trong tuần như đi bộ, đạp xe, bơi lội…
Lựa chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe, nếu đã có biến chứng của ĐTĐ như biến chứng mắt, não, thận, tim mạch, cần hạn chế các động tác thể dục cường độ cao như tennis, thể hình…