Giật mình thói quen gãi ngứa tưởng vô hại nhưng chuyên gia tiết lộ là “mầm hoạ” nguy hiểm

Gãi khi ngứa ngáy là một hành động phần lớn chúng ta đang thực hiện và cho rằng vô hại. Ít ai biết gãi khi ngứa không giúp hết ngứa mà có thể có thêm những biến chứng.

Khi ngứa càng gãi sẽ càng ngứa

Mọi người thường có thói quen khi ngứa sẽ gãi thật mạnh để nhanh hết ngứa. Tuy nhiên, theo chuyên gia da liễu thì hành động này lại không nên một chút nào.

Tại bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do gãi ngứa.

Theo Ths. Bs Quách Thị Hà Giang, số lượng bệnh nhân gặp biến chứng do gãi ngứa sai cách tới bệnh viện khám chiếm một tỷ lệ tương đối. Trong đó, có những bệnh nhân gặp biến chứng nặng tăng sắc tố và viêm.

Trường hợp bệnh nhân N.P.L (37 tuổi tại Hà Nội) bệnh nhân bị ngứa trên da đã tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Để giải tỏa cơn ngứa bệnh nhân thường lấy lược cào trên da.

Sau khi chà xát mạnh trên da bệnh nhân bớt ngứa hơn nhưng sau đó cảm giác ngứa khó chịu lại quay trở lại. Do chà xát da quá mức khiến cho bệnh nhân L bị tổn thương bội nhiễm. Ngoài ra, khi tới khám tâm trạng của bệnh nhân khá lo lắng về tình trạng ngứa của mình.

Giật mình thói quen gãi ngứa tưởng vô hại nhưng chuyên gia tiết lộ là mầm hoạ nguy hiểm - Ảnh 1.

Bệnh nhân gãi ngứa gặp biến chứng.

Do hành động gãi sẽ phải tác động lên da và sẽ có cảm giác đau. Trong quá trình đau cơ thể sẽ sinh ra chất Serotonin chất này sẽ có tác dụng giảm đau, cắt cơn ngứa tức thì nhưng sau đó nó sẽ gây ngứa thêm.

“Gãi khi ngứa sẽ tạo ra một vòng xoắn, càng gãi sẽ càng ngứa. Động tác gãi là một động tác không nên, làm nặng thêm tình trạng ngứa. Ngoài làm nặng thêm tình trạng ngứa sẽ gây tổn thương da thêm”, bác sĩ Hà Giang cho hay.

Tổn thương da không đáng có

Giật mình thói quen gãi ngứa tưởng vô hại nhưng chuyên gia tiết lộ là mầm hoạ nguy hiểm - Ảnh 2.

Bác sĩ Giang khuyến cáo hành động gãi ngứa là không nên, ảnh BSCC.

Theo bác sĩ Hà Giang, đối với triệu chứng ngứa có dấu hiệu da động tác ngứa làm nặng thêm tình trạng da. Có thể người bệnh có thể bị xước da kéo dài có thể thành mạn tính. Vùng da đó sẽ trở thành sẩn, cục, dày, tăng sắc tố sau viêm hoặc nặng có thể gây nhiễm trùng bội nhiễm.

Khi gãi ngứa trên tay có chứa rất nhiều vi khuẩn có thể đưa thêm vi khuẩn vào các tổn thương làm cho các tổn thương từ vô khuẩn thành nhiễm trùng. Một trong những biến chứng ít gặp nếu lạm dụng gãi đó là có thể thành sẹo xấu.

Bác sĩ Hà Giang cho biết: “Một nhóm lớn bệnh nhân mắc bệnh lý da liễu đơn thuần cũng có triệu chứng ngứa như: viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, khô da, vẩy nến, nấm da…”

Nguyên nhân gây ngứa thường rất đa dạng chia làm 2 loại chính: ngứa tại chỗ và toàn thân.

Ngứa tại chỗ, ví dụ vùng đầu có thể do gàu, chấy rận; ngứa tại bàn tay – chân có thể do viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, tổ đỉa, ghẻ…

Ngoài ra, ngứa khu trú tại vùng sinh dục có thể là do nguyên nhân nấm, ghẻ, chàm sinh dục.

Loại thứ 2, là ngứa lan tỏa toàn thân không khu trú ở bất cứ vị trí nào do rất nhiều nguyên nhân như: viêm da tiếp xúc lan toả, bệnh liên quan nội tạng (gan, thận), bệnh lý thần kinh không có tổn thương da nhưng rất ngứa.

Ngoài ra, nguyên nhân ngứa còn có thể liên quan tới nội tiết và vấn đề của tuyến giáp. Một số người có u lympho, thiếu máu, thiếu sắt cũng có triệu chứng ngứa toàn thân.

Bác sĩ Hà Giang lưu ý mọi người, khi có triệu chứng ngứa nên tới bệnh viện chuyên khoa da liễu khám để tìm nguyên nhân gây ngứa và điều trị.

Một số biện pháp giảm ngứa có thể áp dụng đúng cách như sau:

– Không cào, gãi, chà xát mạnh gây tổn thương trên da sẽ làm tổn thương da. Thay vào đó là dùng xoa và mát xa nhẹ nhàng vùng ngứa.

– Nên cắt móng tay thường xuyên và giũa để tránh tác động gây tổn thương da. Móng tay có chứa nhiều vi khuẩn có thể làm da nhiễm trùng dễ thành sẹo.

– Người có tổn thương da ngứa nên mặc đồ vải mền, vải cotton không mặc đồ len, dạ sẽ gây kích thích da và ngứa thêm.

– Khi tắm người bị ngứa nên tắm bằng sản phẩm dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Khi tắm không nên tắm quá nóng và chà xát da.

Cách điều trị ngứa tại chỗ dễ thực hiện được chuyên gia khuyến cáo nên dùng đó là dùng sữa tắm dưỡng ẩm, sản phẩm dưỡng ẩm bôi và tùy theo mức độ nặng của thương tổn có thể  dùng thuốc bôi chứa corticoid, ức chế calcineurin, kháng histamin…

 

Ngọc Minh, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/doi-song/giat-minh-thoi-quen-gai-ngua-tuong-vo-hai-nhung-chuyen-gia-tiet-lo-la-mam-hoa-nguy-hiem-820192511203710528.htm