Giáo trình tiếng Trung có “đường lưỡi bò”, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói “không biết nguồn gốc ở đâu”

Sinh viên phát hiện cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 in hình bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” phi pháp.

Lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, đã yêu cầu dừng việc học, thu hồi cuốn giáo trình tiếng Trung có “đường lưỡi bò” phi pháp, đồng thời báo cáo Bộ GD&ĐT.

Tại bài 7 trang 36 cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật làm tài liệu học tập, giảng dạy in hình bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” phi pháp.

Liên quan đến sự việc trên, trưa 3/11, trao đổi với PV, GS.TS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết, trong quá trình nghiên cứu sinh viên đã phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese”.

Sau khi nhận thông tin từ sinh viên, Ban giám hiệu nhà trường đã họp và ngay lập tức thông báo thu cuốn giáo trình này.

“Cuốn giáo trình này được chúng tôi mua để phục vụ cho việc giảng dạy năm học mới 2019 bắt đầu từ 15/8 nhưng chưa đưa vào sử dụng ngay.

Đến vừa qua, khi đưa vào giảng dạy thì trong giáo trình môn tiếng Trung này, có một mảnh in hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.

Ngay sau khi nắm thông tin, Ban giám hiệu trong tuần trước đã họp yêu cầu dừng ngay, không cho học tiếp tục môn này, thu hồi sách, đồng thời, đã báo cáo toàn bộ sự việc lên Bộ GD&ĐT để có hướng chỉ đạo xử lý”, GS Hóa nói.

Theo Hiệu phó trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, hiện nay, do có một số sinh viên mua nhưng đang về nghỉ ở các địa phương nơi xa nên trường chưa thể thu hồi hết giáo trình này.

“Chúng tôi đã có thông báo yêu cầu các em sinh viên, khi nào về trường phải nộp lại ngay cuốn giáo trình để hoàn lại cho đơn vị cung cấp sách xử lý”, GS Hóa thông tin.

Lãnh đạo nhà trường cho rằng, đơn vị không biết phía nhà cung cấp đã mua cuốn giáo trình có “đường lưỡi bò” phi pháp này ở đâu.

“Chúng tôi mua cuốn giáo trình này ở một đơn vị của trường đại học bán cho nên không biết nguồn gốc ở đâu, họ lấy như thế nào nhưng tôi nghĩ nó có thể được in ở Trung Quốc.

Nhà trường đã yêu cầu lấy lại toàn bộ số hóa đơn, chứng từ mua sách từ đơn vị cung cấp để có căn cứ xử lý tiếp theo”, GS Hóa nêu thêm.

Đại diện trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, chưa thống kê được số lượng giáo trình này được bán ra, thu hồi lại là số lượng bao nhiêu cuốn nhưng quan điểm sẽ thu hồi hết và làm biên bản tiêu hủy luôn hoặc Bộ GD-ĐT yêu cầu nộp lại thì nộp lại ngay.

Thông tư 04/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định cụ thể về việc lựa chọn và duyệt nội dung giáo trình giáo dục đại học cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo đó, giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng của giảng viên và học tập của sinh viên đối với các môn học có trong chương trình đào tạo phải được Hội đồng Khoa học và Đào tạo khoa trình Hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo.