Dù ông Trump có phải là tổng thống Mỹ hay không, theo nhiều cách, chúng ta sẽ phải đối mặt với những căng thẳng như vậy”, Dani Rodrik – một giáo sư tại Đại học Harvard cho hay
Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hiển hiện dù có hay không có Donald Trump, các chuyên gia nhận định tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore do CNBC tổ chức cuối tuần trước.
Trong khi các biện pháp ngoại giao cứng rắn của tổng thống Mỹ đẩy tình hình lên cao trào, ông chỉ là một hình ảnh phản ánh những diễn biến mới của thế giới – những điều đã đẩy nhanh căng thẳng, chứ không phải là căn nguyên, Dani Rodrik – một giáo sư tại Đại học Harvard cho hay.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên phóng đại tầm quan trọng của ông Trump”, Rodrik, một giáo sư kinh tế chính trị quốc tế của Harvard, cho biết.
“Tôi nghĩ Trump là một triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân … Dù Trump có phải là tổng thống Mỹ hay không, theo nhiều cách, chúng ta sẽ phải đối mặt với những căng thẳng như vậy”, ông nói, chỉ ra các vấn đề trong cấu trúc kinh tế thế giới và sự cạnh tranh giữa các cường quốc kinh tế và chính trị đang nổi lên. “Đây là những phản ứng sâu rộng đối với các loại chính sách kinh tế mà chúng ta đã theo đuổi trong thế kỷ qua.”
“Thật không may, Tổng thống Trump không làm cho nó trở nên dễ dàng cho chúng ta với cách quản lý mà ông đang thực thi”, Rodrik nói thêm. “Mặt khác, ông ấy không phải là loại người kiên định với mục tiêu, ông ấy có thể dễ dàng thay đổi”.
Trong khi đó George Yeo, cựu ngoại trưởng Singapore, phát biểu tại hội nghị rằng “câu chuyện lớn” ở đây là sự nổi lên của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại là một biểu hiện trong những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều khả năng xung đột sẽ kéo dài trong nhiều năm, ông nói thêm.
Yeo, hiện đang là chủ tịch của công ty hậu cần Kerry Logistics Network, cho biết có một sự lo lắng ngày càng tăng ở Mỹ về sự bành trướng của Trung Quốc. Ông chỉ ra cách cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon nói đó là một “cuộc chiến kinh tế” và không phải là một cuộc chiến thương mại.
“Đối với Peter Navarro, đó là sự chết chóc đến từ Trung Quốc”, Yeo nói thêm, đề cập đến cố vấn thương mại của Trump cũng là một nhà phê bình Trung Quốc mạnh mẽ, người đã viết một cuốn sách với tiêu đề “Chết bởi Trung Quốc”.
“Không quá khó khăn để một cuộc chiến kinh tế trở thành một cuộc chiến chính trị và vươn xa hơn trở thành một cuộc chiến thực sự,” ông nói.
Cả hai siêu cường đều cần tìm một loại “chỗ trú ẩn an toàn” trong thế giới đa cực này, Rodrik nhấn mạnh. Trung Quốc có thể nói rằng họ biết cách quản lý nền kinh tế của mình, và phương Tây cần công nhận nền kinh tế lớn nhất châu Á có mô hình riêng của nó.
“Mặt khác, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ cần phải hiểu rằng họ đã là một tay đua tự do trên hệ thống do Mỹ tạo ra. Hệ thống đó yêu cầu sự cởi mở, và Trung Quốc cũng sẽ phải cung cấp một không gian nhất định … về chính sách cho người châu Âu và người Mỹ, “ông nói thêm rằng đây sẽ là một ví dụ về” sự cùng tồn tại trong hòa bình “.
“Trung Quốc đang chơi một chiến thuật lâu dài”, Rodrick nói, và câu hỏi đặt ra là thế giới có thể chứa đựng một sức mạnh mới như thế hay không.
theo CNBC