Giáo sư Hàn Quốc từng gây sốt với chia sẻ “nếu học sinh ngủ gật, đó là lỗi của giáo viên” tiếp tục chỉ ra những điểm hạn chế ở trường học hiện nay

Người có tác động sâu sắc nhất đến với hệ thống giáo dục cả trường học chính là người hiệu trưởng. Sự thay đổi của vị trí lãnh đạo đó sẽ đem lại trường học hạnh phúc, nơi học sinh và cán bộ giáo viên được quyền nói lên ý kiến và phát triển những giá trị mình mong muốn.

Tiếp nối thành công của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án mới nhằm thay đổi cách nhìn của một người có quyền lực hơn cả trong giáo dục – là các bậc hiệu trưởng. Chính sự thay đổi của hiệu trưởng sẽ mang lại một trường học hạnh phúc, là nơi học sinh, thầy cô, cán bộ của nhà trường cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn và được học các bài học có giá trị.

Tại buổi tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi” vừa được diễn ra ở trường THPT Hà Nội Amsterdam, người nghe có dịp lắng mình trước câu chuyện 10 năm biến ngôi trường khóa đầu chỉ vọn vẹn trăm học sinh thành trường tư có tiếng đất Hà thành hay trăn trở về nền giáo dục hạnh phúc của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và chuyên gia người Hàn Quốc – Giáo sư Peck Cho.

Giáo sư Hàn Quốc từng gây sốt với chia sẻ nếu học sinh ngủ gật, đó là lỗi của giáo viên tiếp tục chỉ ra những điểm hạn chế ở trường học hiện nay - Ảnh 1.

Tiếp nối thành công của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm: Hiệu trưởng thay đổi.

Buổi tọa đàm với nội dung chính là câu chuyện xây dựng trường tư hơn mười năm của thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa cùng trăn trở về nền giáo dục hạnh phúc của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và giáo sư người Hàn Peck Cho.

Giáo sư Hàn Quốc từng gây sốt với chia sẻ nếu học sinh ngủ gật, đó là lỗi của giáo viên tiếp tục chỉ ra những điểm hạn chế ở trường học hiện nay - Ảnh 3.

Hàng trăm vị hiệu trưởng cũng đến tham dự.

Khi bắt đầu xây dựng trường tư, người sáng lập Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa từng có suy nghĩ sai lầm khi luôn chạy theo thành tích trường công. “10 năm đầu sau khi xây trường, tầm nhìn của tôi chỉ đến trường công là hết. Tôi luôn đặt mục tiêu cố gắng được như học, muốn tỷ lệ học sinh khá giỏi cũng đạt 60 – 70%, đến màu cửa số tôi cũng cho sơn giống trường công“. Nhưng cứ càng mải miết chạy theo, mô hình trường học càng thất bại khi giáo viên luôn cảm thấy mệt mỏi trong khi tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ chiếm 30 – 40%.

Từ đó thầy Hòa dần nhận ra, sự phát triển của trường tư nếu chỉ cứ mãi chạy theo trường công thì cha mẹ đóng tiền học phí đắt cho con học trường tư để làm gì. Thầy nhận ra học sinh trong trường thường là học sinh cá biệt, nhiều em còn không nhận đủ tình yêu thương của gia đình vì cha mẹ quá mải chạy theo những giá trị vật chất và công việc bên ngoài. Đứng giữa những thách thức đau đầu: “Vượt qua nguy cơ tan vỡ những năm đầu?”, “Phát triển trường khi chất lượng đầu vào của học sinh thấp?”… thầy dần hướng việc phát triển của học sinh phải đến từ những năng lực sâu trong bản thân. Thầy chia sẻ: “Học tập chỉ là một trong những năng lực của con người. Các em chưa giỏi trong việc học nhưng còn nhiều năng lực khác. Giáo viên cần phát hiện, mài giũa và khuyến khích học trò phát huy những năng lực đó“.

Vậy là sự thay đổi của hiệu trưởng đã mang lại những bước đầu vững chắc cho việc hình thành trường học hạnh phúc. Bên cạnh chăm lo tinh thần học sinh, thầy Hòa cũng không chuốc áp lực lên đầu giáo viên khi cam kết không lấy tỷ lệ học sinh khá, giỏi để đánh giá thầy cô, không lấy chỉ tiêu thành tích để xếp hạng thi đua lớp. Một trường học hạnh phúc khi tất cả thành viên trong trường đó phải thật hạnh phúc và dù xuất phát điểm của học sinh như thế nào thì các em vẫn tự tin vững bước để thành công. “Sau khi chứng kiến hàng nghìn học sinh ra trường, bây giờ có người là tiến sĩ, trung tá công an quay lại trường cảm ơn, tôi tin rằng mình đã thay đổi kịp thời và đi đúng hướng“, thầy hiệu trưởng xúc động chia sẻ.

Đứng giữa rất nhiều thách thức của nền giáo dục, thầy Hòa dần hướng việc phát triển của học sinh phải đến từ những năng lực sâu trong bản thân.

Một trường học hạnh phúc khi tất cả thành viên trong trường đó phải thật hạnh phúc và dù xuất phát điểm của học sinh như thế nào thì các em vẫn tự tin vững bước để thành công.

Bên cạnh đó, người nghe còn có dịp lắng nghe lời chia sẻ của diễn giả chính là Giáo sư Peck Cho, chuyên gia Giáo dục đến từ trường Đại học Hàn Quốc và cũng là người thiết kế nên chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Ông cho biết nhiều trường học ở Việt Nam đang khiến học sinh ngày càng áp lực và dần mất đi sự sáng tạo khi học nhồi nhét kiến thức. Giáo sư Peck Cho gọi đó là “Trường học giận dữ” khi chơi chữ từ MAD (Giận dữ) được tạo từ ba yếu tố Memorizing (Ghi nhớ), Anlyzing (Phân tích) và Data Processing (Xử lý dữ liệu).

Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng trong việc xây dựng môi trường học thân thiện và trường học hạnh phúc. Bằng việc dẫn giải cách giải thích khoa học về sự cấu tạo của não bộ, ông Peck Cho cho rằng sự giận dữ, áp lực cũng như cách dạy truyền thống hoàn toàn có thể giết đi tính sáng tạo của đứa trẻ và khiến chúng mất đi khả năng tự phát triển bản thân.

Giáo sư người Hàn Quốc Peck Cho mang đến góc nhìn khoa học để trả lời cho câu hỏi tại sao cần tạo nên trường học hạnh phúc.

Giáo sư Hàn Quốc từng gây sốt với chia sẻ nếu học sinh ngủ gật, đó là lỗi của giáo viên tiếp tục chỉ ra những điểm hạn chế ở trường học hiện nay - Ảnh 7.

Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng trong việc xây dựng môi trường học thân thiện và trường học hạnh phúc.

Đến với buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Trong gần 30 phút chia sẻ, ngài Bộ trưởng đã chỉ ra hiệu ứng lan tỏa của sự thay đổi của hiệu trưởng đến với việc hình thành trường học hạnh phúc. “Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội“.

Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, có 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc, đó là: Xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân; tạo điều kiện cho giáo viên được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học cũng như được dân chủ đóng góp ý kiến trong nhà trường và cuối cùng là, cần tạo dựng được mối quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh và học sinh đang theo học trong nhà trường.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Không phải ngày một ngày hai, không phải một người có thể xây dựng được trường học hạnh phúc nhưng hiệu trưởng nếu biết dẫn dắt, truyền lửa sẽ tạo được môi trường hạnh phúc, ở đó giáo viên muốn đến trường, học sinh muốn đi học. Hạnh phúc là một quá trình, chúng ta cứ xây đắp, dần dần sẽ lan tỏa. Khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc chứ không phải chạy theo trí tuệ nhân tạo, chạy theo công nghệ. Công nghệ là rất cần trong thời đại hiện nay, nhưng nếu chúng ta quá coi trọng sẽ không đảm bảo mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện“.

Giáo sư Hàn Quốc từng gây sốt với chia sẻ nếu học sinh ngủ gật, đó là lỗi của giáo viên tiếp tục chỉ ra những điểm hạn chế ở trường học hiện nay - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ góc nhìn về cách xây dựng trường học hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc không phải ngày một ngày hai là có thể tạo dựng được nhưng nếu hiệu trưởng biết cách dẫn dắt thì hoàn toàn có thể khiến cả giáo viên và học sinh đều hứng thú đến trường.

Một số hình ảnh khác của buổi tọa đàm.

Vân Trang – Ảnh: Đức Thắng, theo Trí Thức Trẻ

http://ttvn.vn/hoc-duong/giao-su-han-quoc-tung-gay-sot-voi-chia-se-neu-hoc-sinh-ngu-gat-do-la-loi-cua-giao-vien-tiep-tuc-chi-ra-nhung-diem-han-che-o-truong-hoc-hien-nay-220192311221923223.htm