Các nhà chuyên môn đề nghị đưa nhiều môn học mới vào chương trình đại học
Nhiều môn học rất cần đưa vào chương trình đại học vì tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đang diễn ra rất nhanh và sinh viên cần được trang bị những kiến thức này.
Ngày 18/5, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) đã phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội và Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Giáo dục Đại học và Cách mạng Công nghiệp 4.0” vào sáng 18/5/2019 nhân ngày khoa học công nghệ Việt Nam 2019.
Tại buổi tọa đàm, anh Nguyễn Đức Hoàng, Phó Tổng thư ký VAYSE, cho biết Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện đang là thách thức rất lớn với giáo dục đại học ở Việt Nam nhưng đây lại là thế mạnh của trí thức trẻ. Vì thế, tọa đàm là dịp để VAYSE chia sẻ những tri thức không chỉ của mình mà của cả các thế hệ đi trước với không chỉ đối tượng sinh viên.
Anh Nguyễn Đức Hoàng cho rằng chương trình đại học của tất cả các trường cần bổ sung thêm 5 môn Khoa học Hành chính, Tối ưu hoá, Phản biện Khoa học, Khoa học Liên ngành và Khoa học Dự báo.
Tiến sĩ Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách khẳng định Khoa học Công nghệ, Khoa học Dự báo hay Tương lai học là những kiến thức rất cần đưa vào chương trình đại học vì tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đang diễn ra rất nhanh và sinh viên cần được trang bị những kiến thức mang tính phương pháp luận để tự cập nhật, bổ sung kiến thức cho mình trước những sự thay đổi đó.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNIX, cho biết mô hình đại học trực tuyến mà FUNIX đang là 1 ví dụ hiện đang là một xu thế của các nước phát triển và các đại học ở Việt Nam nên chủ động tiếp cận.
Tiến sĩ Nam cho hay môi trường đào tạo trực tuyến giúp người học chủ động học ở mức cao nhất. Đại học trực tuyến cũng làm được một việc là khơi dậy tối đa tinh thần tự học đó của sinh viên. Ngoài ra, để giúp sinh viên rút ngắn thời gian đào tạo thì các đại học nên đưa các giáo trình của mình lên mạng để sinh viên tự nghiên cứu thay vì phương thức học dồn trên giảng đường như hiện nay ở một số trường.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Phước Minh, Phó Chủ tịch Phụ trách VAYSE, cho biết tại toạ đàm giáo dục chính là sứ mạng của trí thức trẻ và việc tổ chức các hoạt động phối hợp với các đại học là việc sẽ tiến hành thường xuyên.
Tiến sĩ Minh hy vọng buổi toạ đàm này sẽ đóng góp được nhiều ý kiến quan trọng về đối mới giáo dục đại học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đang có mối quan tâm đến Cách mạng Công nghiệp 4.0.