|
Xã Tả Thàng, huyện Mường Khương có 16 ha chè cổ thụ mọc tự nhiên trên các sườn núi cao. Trong đó, có những cây chè hàng trăm năm tuổi. Từ tháng 3 trở đi, đồng bào Mông nơi đây vào vụ hái chè xuân.
|
|
Cuối mùa xuân là thời điểm những cây chè cổ thụ ra lứa búp non đầu tiên. Những búp chè hấp thụ sương núi, khí trời qua một mùa đông lạnh giá gặp nắng xuân lên non mơn mởn. Đây vụ thu hái cho ra loại chè thơm ngon nhất trong năm.
|
|
Do nhiều diện tích chè cổ thụ mọc tự nhiên trên núi cao nên bà con phải lên rừng thu hái. Với những cây chè cổ thụ cao từ 5 -7m bắt buộc phải trèo lên cao mới hái được búp non.
|
|
Hái chè cổ thụ không chỉ vất vả mà còn nhiều nguy hiểm vì đứng chênh vênh trên thân chè cao, bên dưới là vực sâu nhiều đá. Mỗi đợt gió to cây chè đung đưa chỉ nhìn đã không khỏi “thót tim”.
|
|
Để hái được những búp chè ở cành xa, em nhỏ này vừa phải đứng thật vững trên cành chè, vừa phải giữ thăng bằng, một tay bám chắc vào cành cây, một tay hái búp chè nhỏ cho vào túi vải.
|
|
Với những cây chè nhỏ và thấp, việc hái búp chè đơn giản và bớt nguy hiểm hơn. Mỗi ngày một em nhỏ có thể hái được 5 -7kg búp chè tươi. Người hái nhanh, hái giỏi có thể hái được 10 -13kg búp chè mỗi ngày.
|
|
Giữa đợt nắng nóng đầu mùa hè khá gay gắt, hai mẹ con chị Hàng Dê, thôn Tả Thàng vẫn chăm chỉ hái chè để bán cho nhà máy chế biến chè gần nhà.
|
|
Hầu hết các gia đình người Mông ở thôn Tả Thàng, Sú Dí Phìn đều trồng chè cổ thụ trên nương hoặc trong vườn nhà. Từ cuối xuân trở đi bà con tranh thủ hái chè bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
|
|
Hai năm trở lại đây việc bán chè cho thương lái gặp khó khăn nhưng nhờ có nhà máy của Công ty TNHH sản xuất trà Tiên Thiên đặt tại xã Tả Thàng nên giá chè cổ thụ vẫn ổn định, bà con rất phấn khởi. Hiện nay, mỗi kg búp chè tươi loại 1 tôm 2 lá có giá trung bình 30 nghìn đồng, còn loại 1 tôm có giá 250 – 300 nghìn đồng.
|
|
Niềm vui của cháu Sùng Thị Thu và bà trên đồi chè cổ thụ trong buổi trưa nắng gắt khi đã hái đầy túi chè tươi. Mặc dù đã 12 giờ trưa nhưng hai bà cháu vẫn chưa về nhà.
|
|
Sau khi thu hái búp chè tươi được cho vào bao mang về bán cho nhà máy chè tại xã Tả Thàng hoặc một số tiểu thương đến thu mua. Đây chính là nguyên liệu quý để chế biến ra những loại trà đặc sản cao cấp như hồng trà, bạch trà,…
|
|
Ngay từ đầu mùa thu hoạch chè cổ thụ năm nay, cán bộ khuyến nông tại xã Tả Thàng đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè đảm bảo chất lượng.
|
|
Đối với những cây chè có độ cao trung bình được bà con đốn tỉa tán thấp để việc thu hái búp chè dễ dàng hơn, không phải trèo lên cây cao nguy hiểm. Hiện nay, người dân xã Tả Thàng vừa khai thác tốt diện tích chè cổ thụ hiện có, vừa tích cực mở rộng diện tích chè Shan tuyết ươm giống từ những cây chè cổ thụ để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
|
|
Công việc thu hái chè cổ thụ trên núi cao Tả Thàng tuy gian nan, vất vả nhưng đã và đang đem lại nguồn thu cho bà con nơi đây. Từ rừng chè cổ thụ của gia đình, có những hộ dân thu được 20 – 30 triệu đồng từ bán búp chè tươi mỗi năm.
|