Gian lận thi cử trong năm 2018 đã để lại dấu ấn khủng khiếp về sự dối trá và khiến cho chính các “thủ khoa cũng phải khóc”.
Trong đội bóng thảm họa năm 2018, nếu nhân vật nào ở vị trí hậu vệ cánh có thể để lại dấu ấn khủng khiếp về sự dối trá và khiến cho chính các “thủ khoa cũng phải khóc” thì đó chỉ có thể là gian lận thi cử.
Gian lận thi cử năm nay phá vỡ nhiều kỷ lục “chưa từng có” của các năm về trước khi: Hàng trăm bài thi THPT Quốc gia của thí sinh Hà Giang từ 0 -2 điểm bỗng chốc được phù phép thành điểm 9, biến học sinh làng nhàng thành “tốp 10 cả nước”.
Trong đó, con gái Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh được nâng đến 5,4 điểm. Sau khi chấm thẩm định lại, một số thí sinh điểm cao (trong top 10 cả nước) bị giảm điểm hoặc trượt tốt nghiệp.
Sự việc chưa kịp “nguội” ở Hà Giang thì việc sửa điểm “nóng” lên ở Sơn La, Hoà Bình… thậm chí, con số không dừng lại ở 3 địa phương.
Hàng chục cán bộ là quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng hoặc Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường phổ thông bỗng vướng vào vòng lao lý, người bị bắt tạm giam, kẻ bị khởi tố cho tại ngoại.
Và oái oăm là dù đã xác định sờ sờ sai phạm nhưng đến nay vẫn chưa có cách nào đưa bài thi trở về điểm gốc.
Dưới sức ép của dư luận sau đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã phải lên tiếng nhận trách nhiệm về cách tổ chức kỳ thi đã để xảy ra những lỗ hổng “chết người”, trong khi nhiều quan chức địa phương có vai trò không kém phần quan trọng vẫn “lảng tránh”.
Đến đầu tháng 12/2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án thi THPT Quốc gia cho năm 2019, với những điều chỉnh kỹ thuật nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực.
Tuy vậy, những câu hỏi về kỳ thi vẫn tiếp tục được đặt ra còn gian lận nào trong bóng tối chưa bị lôi ra ánh sáng; kỳ thi như thế này sẽ duy trì đến bao giờ; làm sao bảo đảm công bằng, không thỏa hiệp với gian dối, bất công, sai phạm…