Theo luật sư Cường, trong vụ việc này cơ quan chức năng cần phải công khai danh tính các đối tượng liên quan đến gian lận thi cử ở Sơn La, đồng thời điều tra, làm rõ hành vi nhận và đưa hối lộ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cần công khai danh tính thí sinh gian lận điểm
Liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La, ngày 19/4, trả lời PV luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, cơ quan điều tra cần phải công khai đầy đủ danh tính các thí sinh và phụ huynh liên quan đến gian lận thi cử, đồng thời làm rõ dấu hiệu, hành vi đưa và nhận hối lộ của những người liên quan.
Danh sách các thí sinh gian lận điểm thi ở Sơn La.
Vị luật sư khẳng định việc công khai danh tính những thí sinh gian lận thi cử không có gì là không nhân đạo và cũng không trái với các nguyên tắc của pháp luật vì đó là cơ sở để “minh oan” cho những em học sinh đang có điểm cao mà bị nghi ngờ là tiêu cực.
Đồng thời cũng là cái giá phải trả của những hành vi vi phạm pháp luật của những thí sinh gian lận. Các học sinh chỉ không có lỗi nếu không biết việc cha mẹ, phụ huynh đã tác động tiêu cực để mình được nâng điểm.
Luật sư Cường phân tích về vụ việc.
Tuy nhiên, theo cách ra đề thi, chấm thi và thông báo kết quả thi như hiện nay thì các học sinh hoàn toàn có thể biết được bài làm của mình được mấy điểm sau khi đã công bố đề thi và đáp án sau kỳ thi.
Vậy nếu, không làm được bài, chỉ đáng được 0 điểm, 1 điểm mà lại được thông báo là 9 điểm, 10 điểm thì không thể không nghi ngờ.
“Nâng tổng bài thi đến hàng chục điểm, thậm chí đến 26,54 điểm thì không thể chấp nhận được và không thể không biết được.
Bởi vậy nếu cho rằng những học sinh này hoàn toàn không có lỗi là không có cơ sở, việc công khai danh tính của các học sinh sẽ làm gương cho những người khác cũng như làm cơ sở để công khai, minh bạch kết quả điều tra, xác minh làm căn cứ để xử lý”, ông Cường nói.
Xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa, nhận hối lộ
Phân tích thêm về vụ việc, ông Cường nói, danh sách thân thế của những học sinh được nâng điểm cho thấy họ đều là những người có chức vụ, quyền hạn.
Tình hính các thí sinh gian lận điểm thi ở Sơn La.
Chính vì vậy, khả năng các đối tượng này đã tác động bằng vật chất hoặc bằng những lợi ích phi vật chất để những người có chức vụ, quyền hạn sửa điểm cho con mình đến mức đủ điểm để vào một trường theo yêu cầu, nguyện vọng.
Nội dung này cần được cơ quan điều tra làm rõ, công khai và là căn cứ để xử lý về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ thì mới đúng bản chất của vụ việc.
Với vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đến nay đã có rất nhiều tình tiết quan trọng để xác định những đối tượng được nâng điểm, gia cảnh của những đối tượng được nâng điểm và thể hiện rõ dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ mà trong đó các thí sinh cũng có thể là đồng phạm đối với tội đưa hối lộ
Sở giáo dục đào tạo tỉnh Sơn La.
Theo luật sư Cường, căn cứ những thông tin, diễn biến của vụ án, có đối tượng đã thừa nhận được nhận 550 triệu đồng để nâng điểm cho một số thí sinh.
Nội dung này cho thấy, hành vi của đối tượng nhận tiền để sửa điểm, nâng điểm có dấu hiệu của tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đồng thời, đối tượng đưa số tiền này cho người có chức vụ quyền hạn để được sửa điểm, nâng điểm cho con, cháu mình có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Bởi vậy, không chỉ công khai danh sách những người đã tác động đến nâng điểm, sửa điểm và những học sinh được nâng điểm mà còn phải xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã bàn bạc, xúi giục, giúp sức, chủ mưu.
Ngoài ra còn có những người trực tiếp đã đưa tiền hoặc lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để sửa điểm, chạy trường”, luật sư Cường nói.