Các bị can bị khởi tố.
Luật sư phân tích, nếu chỉ dừng lại ở việc có nhận tiền, có giá tiền để sửa điểm, nhưng lại không làm rõ đầy đủ những ai làm việc này thì rất khó để kết luận bản án.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La vừa chuyển hồ sơ vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại địa phương này sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điểm a, khoản 2, điều 356, Bộ luật Hình sự.
Kết thúc điều tra, Cơ quan chức năng đã tạm giữ tổng số tiền 2.440.000.000 đồng (hai tỷ bốn trăm bốn mươi triệu) cùng nhiều tang vật, đồ vật liên quan của các bị can và người giữ vai trò trung gian khác.
Nhiều mâu thuẫn trong lời khai nhờ nâng điểm, xem điểm
Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan an ninh điều tra đã triệu tập, xác minh đối với 18 trường hợp là đối tượng trung gian để làm rõ động cơ, mục đích việc nhận thông tin cá nhân thí sinh từ người thân, trực tiếp từ thí sinh hoặc thông qua đối tượng trung gian khác.
Kết quả, có 3 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để nhờ “nâng điểm thi”, 13 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân nhưng mục đích chỉ “nhờ xem điểm”, 2 trường hợp không thừa nhận liên quan và không cung cấp thông tin thí sinh.
Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga được coi là “con át chủ bài” trong vụ án.
Xác minh đối với 42 trường hợp là cha hoặc mẹ, người thân của thí sinh. Kết quả, có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin “nhờ nâng điểm”, 21 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin chỉ “nhờ xem điểm” và 15 trường hợp không thừa nhận liên quan và không cung cấp thông tin thí sinh.
Đối với 6 trường hợp khai nhận cung cấp thông tin “nhờ nâng điểm” lời khai cơ bản phù hợp với lời khai của bị can, đối tượng trung gian và tài liệu chứng cứ thu thập được. Tuy nhiên, lời khai của một số người thân thí sinh vẫn còn mâu thuẫn về “số tiền” đã đưa cho bị can để giúp nâng điểm.
Cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành đối chất nhưng đến nay chưa làm rõ được, ngoài lời khai của bị can không có tài liệu nào khác nên không đủ căn cứ quy kết.
Đối với 21 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh “nhờ xem điểm” và 15 trường hợp không thừa nhận liên quan và cung cấp thông tin thí sinh. Do còn mâu thuẫn về lời khai, dù đã tiến hành đối chất giữa bị can với thân nhân thí sinh, đối tượng trung gian, triệu tập xác minh đối với các thí sinh nhưng vẫn chưa làm rõ được.
Chỉ truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” có thỏa đáng ?
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nêu quan điểm, gần như ai cũng sẽ phát đoán được phần lớn những người có liên quan đến việc nâng, sửa điểm thi sẽ từ chối bởi đó là tâm lý chung của người phạm tội.
Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: FBNV.
Luật sư phân tích, đối với vụ việc gian lận điểm thi tại Sơn La vẫn đang ở giai đoạn truy tố, tòa án sẽ căn cứ tài liệu điều tra để kết tội.
Bản chất vụ việc liên quan đến nhiều đối tượng, nếu cơ quan tố tụng bỏ lọt nhiều trường hợp, không thể làm rõ được họ có mối liên hệ, có đưa nhận lợi ích vật chất, tiền bạc để chạy điểm hay không ? Câu hỏi này cần phải xem xét “Phải chăng các đối tượng quá tinh vi đến mức qua mặt được các cơ quan tố tụng hay còn vướng mắc ở đâu”.
Nếu chỉ dừng lại ở việc có nhận tiền, có giá tiền để sửa điểm, nhưng lại không làm rõ đầy đủ có những ai làm việc này thì sẽ rất khó để kết luận tội danh.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã giải quyết được những việc rất khó như tìm ra những thí sinh được sửa điểm, số điểm được sửa là bao nhiêu, ai là người sửa điểm và đã làm rõ một phần việc “đưa nhận tiền”.
Tuy nhiên, mấu chốt cần phải làm rõ là nguyên nhân của hành vi phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, ai là người tác động sửa, nâng điểm để xử lý nghiêm chứ không thể giải quyết theo tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Bởi, tội danh này không có “tư lợi” và khung hình phạt không quá 15 năm tù.
“Nếu sửa điểm để kiếm tiền, lợi ích vật chất thì rõ ràng nó là hành vi đưa nhận hối lộ, mà nhận đến hàng tỷ đồng thì khung hình phạt cao nhất là tử hình rồi”, luật sư Cường nói và nêu lý do nếu không truy tố thêm tội đưa nhận hối lộ thì số tiền cơ quan điều tra thu được hàng tỷ đồng là tiền gì ? Số tiền ấy từ đâu ra ? Ai đưa ? Đưa nhằm mục đích gì ?
Diễn biến vụ việc
8 người bị đề nghị truy tố gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng), Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng), Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu), Lò Văn Huynh (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó Trưởng phòng khảo thí Sở GD-&ĐT Sơn La), Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ – Công an tỉnh).
Trước và trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, các bị can Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn đã thông qua các mối quan hệ bạn bè, người thân, đồng nghiệp vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác đã nhận thông tin của 44 trường hợp thí sinh (Họ tên, số báo danh, số phòng thi, mã đề thi, môn thi và số điểm đề nghị đạt được….tập trung chủ yếu ở các môn thi xét tuyển vào Đại học) để tác động, can thiệp vào bài thi nâng điểm cho các thí sinh.
Trong thời gian chấm thi từ ngày 29/6/2018 đến ngày 4/7/2018, các bị can đã câu kết với nhau mở cửa Phòng xử lý bài thi trắc nghiệm ngoài giờ làm việc và thực hiện hành vi tìm, rút các phiếu trả lời trắc nghiệm của 44 thí sinh mang ra ngoài khu vực chấm thi để tẩy xóa, sửa chữa vào các ô trả lời đáp án đúng của Bộ GD&ĐT để nâng điểm cho thí sinh.
Các biệt có các bài thi sau khi tổng hợp, cân đối thấy điểm số chưa đạt theo nguyện vọng còn thực hiện tẩy xóa, sửa chữa phiếu trắc nghiệm ngay tại phòng xử lý bài thi trắc nghiệm.
Đối với môn thi tự luận (Ngữ Văn) một số bị can đã cấu kết lấy khóa phách vòng 1, vòng 2 rồi cung cấp cho thành viên Ban thư ký và Tổ chấm tự luận nâng điểm cho một số thí sinh.