Theo TS, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, con chó chỉ là một loài động vật, vật nuôi trong nhà chứ không thể như con người để nói rằng “ăn thịt chó tức là ăn thịt người”.
Chó vẫn chỉ là một loài vật nuôi trong nhà
Liên quan đến việc Hà Nội muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mới đây trong một bài viết của mình đăng trên báo, PGS.TS Ngô Văn Giá có nhắc đến một câu nói của cố Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương (1927-2004), nhà nghiên cứu nổi tiếng về các lĩnh vực vật lý, Trường sinh học và tâm linh cho rằng: “Trong số các loài vật, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất. Ăn thịt chó tức là ăn thịt người”.
Ý kiến mà nhà văn Ngô Văn Giá đưa ra ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Trao đổi với PV, TS, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng, ông không đồng tình với ý kiến trên.
Theo TS Hùng, dù một số bộ phận trong cấu trúc sinh học và hệ thần kinh của con chó phát triển, tương đương với con người nhưng “chó vẫn chỉ là một loài động vật, vật nuôi trong nhà chứ không thể như con người để nói rằng ăn thịt chó tức là ăn thịt người”.
Một chuyên gia nghiên cứu tâm thần ở Hà Nội cho hay, theo các nghiên cứu của thế giới chỉ rõ, các giác quan như thị giác, thính giác và khứu giác của chó phát triển mạnh.
Não chó rất phát triển và trí tuệ của loài chó có thể tương đương với một đứa trẻ 2 tuổi. Não bộ của chó có tiết ra oxytocin khi tương tác với con người và đồng loại, điều này cũng giống như phản ứng của não người khi được ôm hoặc hôn…
“Nói chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất chỉ là nhằm mục đích khuyến nghị người dân nên nhìn vào đó để hạn chế việc giết mổ, ăn thịt chó còn để nói ăn thịt chó cũng như ăn thịt người là suy diễn thiếu căn cứ, hiểu biết.
Bởi thực tế, từ rất lâu rồi, thịt chó đã trở thành món ăn thông thường tại một số nước châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… và nó còn có một giá trị y học nhất định”, vị này chia sẻ.
Ảnh minh họa.
Vị này nhấn mạnh, cá nhân ông ủng hộ việc hạn chế ăn thịt chó, thậm chí từ bỏ thói quen này nhưng các dẫn chứng chứng minh nêu ra cần phải chính xác, tránh nhìn phiến diện, nâng quan điểm, thiếu thực tế.
Chuyên gia huấn luyện chó Hoàng Văn Tuân (Hà Nội) cho hay, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh rất gần với con người được biểu hiện qua sự phản xạ có điều kiện khi huấn luyện chó, hay sự thông minh.
Chó có khả năng ghi nhớ, phân biệt các loại âm thanh gấp nhiều lần tai người. Ngoài ra, tai chó còn nghe được những tần số âm thanh mà tai người không nghe thấy được như siêu âm…
Ông nói, cá nhân ông không đồng tình với việc lạm dụng thịt chó như một món hàng hóa đại trà nhưng từ việc một vài điểm trong cấu trúc sinh học, hệ thần kinh của chó gần với người mà cho rằng, ăn thịt chó tức là ăn thịt người là không nên, thiếu chính xác.
Nói không ăn thịt chó thể hiện trình độ, thái độ văn minh có lẽ đã sai
Theo PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, việc cho rằng,”trong số các loài vật, con chó có cấu trúc sinh học và hệ thần kinh gần với con người nhất nên ăn thịt chó tức là ăn thịt người” chỉ là một cách nói nhằm viện dẫn các lý do cho thuyết phục hơn khi khuyến cáo mọi người không nên ăn thịt chó.
PGS Trịnh Hòa Bình.
Ông nói, nêu quan điểm về việc ăn thịt chó tức là ăn thịt người không chỉ nâng quá cao vấn đề mà còn cho thấy, người nói chưa thực sự hiểu biết.
“Nếu con chó có các chỉ số, điều kiện nhất định giống con người thì đã là con người rồi còn ở đây, chó vẫn chỉ là một loài động vật, vật nuôi trong nhà.
Tôi cũng nghĩ nếu chúng ta cố tình nói không ăn thịt chó là thể hiện trình độ, thái độ văn minh thì có lẽ chúng ta đã sai.
Đã nói tới văn hoá thì không có chuyện thấp – cao, cũng không thể hiện trình độ phát triển.
Thật khó có thể nói ăn thịt chó là dã man, hay cái gì đó xấu xí, đe doạ sự phát triển của cộng đồng, của con người, bởi đây là do cách nhìn chứ có phải cứ ăn loại thực phẩm đó sẽ thấp hèn đâu. Chưa kể, có những nền văn hoá vẫn sừng sững tồn tại, người Hàn Quốc vẫn rất “đam mê” ăn thịt chó”, TS Bình nêu.
Chuyên gia này chia sẻ, bản thân ông không ăn thịt chó, thịt mèo nhưng từ thực tế cho thấy, rất khó để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó nếu chỉ dựa vào “lời khuyên” hay văn bản đề nghị nào đó của chính quyền.
Theo ông, có thể đưa ra những hình ảnh đối xử tàn bạo với chó để tạo ra làn sóng phản đối trong dư luận về việc ăn thịt chó.
Hoặc quan trọng hơn, theo PGS Bình, chừng nào nhận thức xã hội được thông suốt, hay hài hước hơn, thịt chó không còn gì hấp dẫn để mời gọi người dân thì may ra họ mới “ngán” thứ thực phẩm đó.