Trước khi bạn có ý định cầm tấm ảnh trên về dịch thuật, nghiên cứu để tự tạo bùa yêu cho mình, bạn nên biết rằng bùa yêu không nhất thiết là ép người khác phải yêu mình.
Đoạn cổ tự Ai Cập đã 1.300 năm tuổi, được xác định là bùa chú thời cổ đại, đã được các nhà khoa học giải mã: hóa ra nó là bùa yêu của người Ai Cập cổ. Thời nay người ta bỏ bùa nhau bằng mạng xã hội, bằng ứng dụng hẹn hò với những tấm ảnh đẹp ngây ngất, hãy xem người xưa phải khổ sở thế nào khi “thả thính” bất thành.
Cổ tự đề cập tới “công thức ma thuật”, vẽ hình hai sinh vật giống chim đang quay mỏ vào nhau, xung quanh là các kí tự liên quan tới nhân vật trong Kinh thánh và các sự kiện tương tự. Kí tự được xác định là Coptic, ngôn ngữ Ai Cập cổ đại sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp.
Giáo sư Korrshi Dosoo từ Đại học Strasbourg tại Pháp đưa ra một báo cáo phân tích mới, so sánh cổ tự Coptic trên với những cổ vật làm từ giấy cói, được biết tới như công thức tạo ra tình yêu hoặc sự bảo vệ lẫn nhau giữa hai người. Những sự tương đồng đã khiến Dosoo luận ra bản chất của bùa chú 1.300 năm tuổi.
“Hình ảnh cho thấy sự thân mật, kí tự có những nét tương đồng với những cổ tự cùng loại, phân tính hình ảnh và kí tự, ta có thể hiểu cổ tự đang nghiên cứu tượng trưng cho nghi lễ kết nối hai cá nhân đang yêu lại“, giáo sư Dosoo viết trong báo cáo khoa học của mình.
Sự khác biệt giữa hai hình chim rất có thể là tượng trưng cho hai giới nam và nữ. “Cây cầu” nhỏ nối giữa hai hình có thể là dương vật, mà cũng có thể chỉ là tượng trưng cho sự kết nối. Nhưng điều quan trọng là chúng vẫn quay vào nhau, cho thấy mục tiêu cuối cùng của bùa phép này vẫn là tình cảm. Trong những bùa chú có mục đích chia lìa hai chủ thể bị nhắm tới, hai hình tượng trưng sẽ quay mặt vào nhau.
“Khi nhìn từ ngoài vào, ta có thể nói hình ảnh hai con chim sẽ tăng tính tượng trưng cho bùa chú toàn chữ – người muốn có nó sẽ có khả năng tượng tượng ra ấn tượng mà bùa chú sẽ mang lại“, nhà nghiên cứu Dosoo nói với tạp chí Live Science.
Trong bùa yêu cổ còn nhắc tới nhân vật trong Kinh thánh là Ahutophel, một người thông thái nhưng phạm nhiều sai lầm, nhắc tới Ahitophel là để tránh phạm phải những sai lầm ấy. Phải nói thêm rằng Đạo Cơ đốc đang được truyền bá rộng rãi tại Ai Cập thời bấy giờ. Cổ tự có nhắc tới cả nước hoa hươu xạ, thường được dùng để hấp dẫn người khác giới.
Đoạn bùa yêu này khá ngắn, có lẽ đã bị rách ra từ một cuốn sổ tay bùa chú của ai đó. Bùa phép thời đó được mô tả là khá cơ bản: bùa yêu, bùa ghét, chữa bệnh tật hay nhìn trước tương lai. Có thể thấy cơ bản không đi kèm với đơn giản: những bùa chú vừa nêu quá là khó, không rõ là có thực không.
Ông Dosoo nói rằng rất khó để xác định niên đại chính xác của giấy cói, nhưng nội dung của nó cho thấy nó xuất hiện vào cuối thế kỉ thứ bảy, đầu thế kỉ thứ tám. Nhà nghiên cứu công nhận rằng việc giải mã bùa chú cũng không dễ dàng gì: ông nghĩ rằng mình đúng về nhiều mặt, nhưng vẫn còn các khả năng khác nữa. Hai hình chim có thể là hai con quỷ đang ám ai đó chẳng hạn. Một loại bùa chú độc đoán hơn.
Trước khi bạn có ý định cầm tấm ảnh trên về dịch thuật, nghiên cứu để tự tạo bùa yêu cho mình, bạn nên biết rằng bùa yêu không nhất thiết là ép người khác phải yêu mình, có thể chỉ là lèo lái số phận chút đỉnh, dọn đường cho tình yêu nở rộ.
“Những cổ tự từ thời Ai Cập nhắc tới bùa yêu thường không nói về hai người không yêu nhau, mà nói về người con trai không thể tiếp cận cô gái vì gia đình ngăn cấm, vì cách biệt địa vị xã hội hay cô đã bị ép cưới người khác“, giáo sư Dosoo nói. Drama Ai Cập chắc hẳn thú vị lắm.
Nghiên cứu đã được đăng tải trên Journal of Coptic Studies.
Tham khảo Science Alert