Giá trị của hát khặp dân tộc Thái xứ Thanh

Đồng bào dân tộc Thái bao đời nay cư trú ở miền núi tỉnh Thanh Hóa, đời nối đời đã không ngừng sáng tạo nên những sắc thái văn hóa vừa có những nét riêng nhưng vừa hòa vào tổng thể chung, làm nên giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Hát khặp dân tộc Thái xứ Thanh là một loại hình văn hóa như vậy.

Hát khặp “mời trầu” trong Hội xuân của đồng bào Thái.

Trong cuộc đời của các thế hệ người Thái đã qua, hôm nay và mai sau, khặp Thái gắn bó và là hành trang cùng mỗi con người suốt cả cuộc đời, từ lúc bé thơ cho tới lúc khôn lớn trưởng thành và ngay cả khi đến lúc tuổi già, hát khặp – dòng sữa dân ca nuôi lớn tâm hồn, ý chí và nghị lực của họ để vươn lên trong cuộc sống.

Dưới nếp nhà sàn vương khói lam chiều bảng lảng, bên thung lũng lúa vàng nhấp nhô, trên con suối, dòng sông nước trong leo lẻo, cánh rừng đại ngàn thâm u, quanh năm mây phủ, mùa xuân hoa nở trắng rừng hay những đêm đông ánh lửa bập bùng sáng soi những gương mặt hồng ửng đỏ… đến đâu và vào mùa nào cũng đều bắt gặp lời hát khặp dìu dặt, nhẹ êm, lúc thủ thỉ tâm tình, lúc rạo rực tin yêu, khi trách móc, dỗi hờn… diễn tả mọi cung bậc tình cảm, tâm sự của con người với con người, con người với núi sông, cảnh vật, bản mường và chiếm dung lượng nhiều nhất là những lời khặp gửi thương gửi nhớ, là ước mong cuộc sống hạnh phúc, yên bình và no ấm, đủ đầy.

Khặp Thái là một loại hình văn nghệ dân gian, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối hành động, ứng xử trong cuộc sống của mỗi con người đối với môi trường và xã hội. Hát khặp là sự kết hợp giữa lời ca, điệu thức và không gian trữ tình ở chính nơi được diễn xướng. Khặp Thái là sự kết hợp giữa âm nhạc và thi ca. Chủ nhân của những làn điệu khặp chính là các nghệ nhân dân gian và những người trẻ tuổi được ông bà, mẹ cha dạy bảo, trao truyền và đến lượt họ lại đảm nhận phần việc đó mà các nghệ nhân trao lại, cứ thế và cứ thế….

Hát khặp là những lời ca bắt nguồn từ ca dao, các thể thơ, truyện thơ… được dân gian sáng tác, truyền miệng từ đời này qua đời khác. Khặp Thái cơ bản là thống nhất, thế nhưng vẫn mang dấu ấn riêng của mỗi ngành: Thái Trắng vùng Mường Ca Da, Mường Trịnh Vạn…, Thái Đen vùng Mường Yên Khương, Yên Thắng, Yên Nhân, Yên Thái…, nét riêng của địa bàn cư trú, sinh hoạt văn hóa, tập quán, phong tục mỗi vùng miền.

Hát khặp Thái ở Thanh Hóa thường mở đầu bằng “yêu đu năm ne… lá noọng ời…”, có hát khặp truyền thống và khặp mới. Đối với khặp truyền thống có nhiều dạng hát: “khặp xư” có nghĩa là hát thơ; khặp xư – hát kể chuyện thơ; khặp chiêu là điệu hát ứng tác hay hát gọi; khặp xống khươi” và “khắp tỏn pạư – Hát tiễn rể, đón dâu; khặp báo xao – hát trai gái giao duyên; khặp tó pẹ tó xua – hát đố; khặp ú lụ nọi – hát ru con… Do cư trú trên địa bàn miền núi tỉnh Thanh, với đặc điểm tự nhiên, địa bàn cư trú, phương thức sản xuất, tâm lý tính cách con người và âm điệu ngôn ngữ… mà sản sinh ra những làn điệu khặp Thái phong phú và đặc sắc.

Trong các bài hát khặp thế giới tự nhiên đã được người hát cảm nhận, phản ánh hồn nhiên, trong sáng, giàu cảm xúc và ngân lên thành lời hát:Tôi đi qua nhiều mường thấy trầu cau vàng/ Tôi đi qua nhiều làng thấy nhiều điều lạ/… Thấy mường anh đẹp cong tựa sừng trâu/ Mường anh đẹp bởi lúa, ngô, khoai/ Các ông bà sống lâu bạch lão… Thế giới tự nhiên đẹp tươi rạng rỡ, lung linh sắc màu theo nguồn cảm hứng và niềm vui, rạo rực của người hát khặp: Đầu mường có cây đào/ Sau mường có cây dổi quả ngon/ Hoa chuối đỏ, mận mơ chen nở/ Muôn loài hoa khoe sắc theo mùa/ Đầu mường nếp đưa hương theo gió/ Gái đẹp ngoan mê mải quay tơ…

Khặp Thái dành nhiều lời ngợi ca về bản mường, quê hương thân yêu mà ông cha đã trải bao gian khó, bỏ ra nhiều công sức để bảo vệ, dựng xây: Mường Ca Da có cánh đồng rộng rãi/ Quăng chài Khe Lung nhiều cá/… Tháng mười cá sa xuống chặng/ Cuối tháng tư cá mương lên khe đẻ trứng. Lời khặp ngợi ca một bản, một mường cụ thể mà ngỡ như ngợi ca xen lẫn niềm quý yêu và tự hào với cả nước non tươi đẹp: Ngước mắt phía xa thấy Mường Dùa tươi đẹp/ Trông thấy núi Hoa, núi Dùa trời bắc cầu vồng qua đó/ Dưới cầu vồng dân các mường đi lại/ Mường Dùa đẹp lung linh huyền ảo/ Trông Mường Dùa đẹp tựa sừng trâu.

Quý khách và kính trọng khách là nét đẹp luôn thường trực trong lòng mỗi người con dân tộc Thái. Qua lời hát khặp chứa chan tình cảm ân tình: Ngài đến sáng nay hay đến đầu hôm/ Đến đầu hôm tôi có lời chào/ Đến sáng mai tôi có lời thăm hỏi/ Xin hỏi thăm cha mẹ nhà ngài/ Già mường ngài có còn khỏe không/ Sông suối mường ngài có nhiều cá, ruộng/ Hội xên Mường có tưng bừng, náo nhiệt/ Tiếng luống khua có rộn rã cầu mùa/ Gái bản, trai mường có giỏi đẹp như xưa/ Trên sông Mã có nhiều thuyền chài lưới?

Lòng quý trọng và thân tình với khách còn thể hiện ở tấm lòng nồng ấm, luôn rộng mở và cùng nhau chia sẻ ngọt bùi: Em vào bản Hang buổi sớm mời ăn cơm trưa/ Em vào bản Hang buổi trưa mời uống chén nước/ Em vào bản Hang chiều đến mời uống rượu cần…

Khặp Thái là bài ca lao động. Dẫu công việc còn vất vả, nhọc nhằn, thế nhưng sự siêng năng, cần cù không ngại gì gian khó của con người sẽ được đền đáp, mùa về đem lại hạnh phúc, ấm no: Lúa nếp cẩm quanh rẫy sai bông/ Đồi thấp bằng lúa Lò khằm chín rộ. Mồ hôi và công sức lao động đổ xuống đất rừng và nương rẫy, cây sẽ mọc lên xanh tốt, cây luồng trên đất cằn vươn ngọn, đâm măng, giúp cho cuộc sống của con người đỡ vất vả khó khăn và làm vật dụng: Luồng vươn ngọn nhỏ dài làm mái chèo bè mảng/ Cây ngã đổ ta làm máng ruộng/ Cây già đanh làm đòn gánh, gánh gồng…

Hát khặp bên chĩnh rượu cần không chỉ là thưởng thức vị ngọt say của rượu mà hơn thế nữa là đường cảm nhận tình người nồng thắm. Mời khách uống rượu còn là lời dặn dò, nhắn gửi đạo lý sống trên đời phải kính trọng, quý thương nhau như ruột thịt, trong bản ngoài mường lấy nghĩa tình làm trọng:… Khách quý đến nhà tôi mới mở/ Mến khách quý yêu tôi mới mời/ Rượu nhà tôi ngọt hơn mật ngọt/ Rượu nhà tôi nước suối ban mai/ Mời ngài uống vì tình vì nghĩa/ Nếu có say thì cũng vì nhau… Uống rượu, ăn cơm là lẽ thường tình, không chỉ ăn uống để tồn tại, cũng cơm ấy, rượu ấy nhưng đã được lời hát khặp nâng lên thành vật phẩm quý giá nhất trần đời, khiến người được mời suy ngẫm về đạo lý sống ở đời: Cảm ơn chủ cơm, ơn tới già/ Đã sắm cơm rượu mời ta/ Cơm gạo trắng được gái đẹp giã bằng chày/ Ăn vào miệng ngon không gì sánh được.

Khặp Thái không chỉ chứa chan tình thương yêu đất nước, bản mường, tình cảm gắn bó giữa mẹ cha đối với con cái mà lời khặp còn rút ra từ cuộc sống những triết lý nhân sinh trong lao động sản xuất: Nơi rậm rạp chung sức ra tay/ Rồi có ngày lúa trên nương về nhà đầy ắp.

Trong quan hệ, ứng xử ở cuộc đời, nghĩa tình chồng vợ thủy chung: Nồi nước sôi trào, để sau cũng nguội/ Vợ chồng thuận hay hòa dời núi, lấp sông. Hát khặp phản ánh muôn mặt của cuộc sống và lắng đọng những nét tinh tế của tình cảm lứa đôi. Khặp giao duyên, giao tình là mảng màu tươi đậm, chiếm dung lượng nhiều nhất trong khặp Thái. Hát khặp gắn với hạnh phúc lứa đôi và tình yêu lao động: Em phát rừng trồng bông để anh làm với/ Em phát ruộng trồng dâu để anh rào cho… Dẫu cuộc đời còn nhiều trái ngang, trắc trở không nên duyên chồng vợ, nhưng vẫn không cản được tình yêu chân chính và mãnh liệt, rồi họ cùng nhau hẹn ước để mãi mãi thuộc về nhau: Yêu không được đời này thì đời cháu ta yêu/ Khi tóc ngắn không thành thì tóc dài yêu lại/ Tuổi xuân qua thì tuổi già ta hẹn/ Chúng mình sẽ yêu nhau anh nhé, em chờ.

Khặp Thái Thanh Hóa giàu giai điệu êm ái, chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm sâu lắng, thiết tha. Hát khặp không chỉ là tiếng lòng, là lời tâm sự, sẻ chia, trải lòng của người hát và đối tượng mà họ hướng tới, qua đó còn thể hiện nhận thức, các mối quan hệ và ứng xử của đồng bào trong cuộc sống đối với tự nhiên và xã hội, chứa đựng tình cảm yêu thương đằm thắm, giàu nghĩa nhân văn: Về cùng anh cấy con ruộng trên/ Anh đánh trâu cày làm mùa ruộng dưới/ Em cùng anh ăn chung mâm, bát/ Cùng ngủ chung giường/ Hát cùng điệu khặp/ Ê đu năm nem… anh đón em về.

Hát khặp dân tộc Thái nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Thanh. Những giá trị của khặp Thái góp phần xây dựng nhân cách, nghị lực, lòng bao dung và đạo lý làm người của các thế hệ người Thái xưa cũng như nay để chung sức, đồng lòng làm cho bản mường, đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp. Trải qua thời gian, hát khặp có phần đã mai một, song không vì thế mà lời khặp lặng tắt, trái lại khặp Thái vẫn có sức sống mãnh liệt tựa như dòng suối ngầm, ngấm vào mạch đất, thấm vào lòng người dâng cho đời dòng nước tinh khiết, mát lành, dòng sữa dân ca dạt dào tuôn chảy. Hát khặp chính là điệu tâm hồn của đồng bào Thái tỉnh Thanh trải thời gian đã kết tinh thành giá trị. Hãy gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa giá trị của di sản văn hóa nói chung, khặp Thái nói riêng trong cuộc sống, không chỉ hôm qua, mà cho hôm nay và cả mai sau.

Bài và ảnh: TS. Hoàng Minh Tường

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/gia-tri-cua-hat-khap-dan-toc-thai-xu-thanh/180215.htm