Gia tăng tội phạm vị thành niên: Bé không vin, chưa lớn đã gãy cành

Vài năm trở lại đây, số lượng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng tăng. Nếu thiếu sự quan tâm, dạy dỗ đúng cách của người thân thì các em sẽ không được trang bị kiến thức phân biệt phải trái, đúng sai mà cứ lớn lên với hành động bản năng, bộc phát.

Khi hả giận thì sự đã rồi

Kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ của Đào Công Anh (Sinh ngày 8/6/2005) ở thôn Hoàng Long, xã Tân Hiệp (Yên Thế) phải nay đây mai đó làm ăn kiếm sống. Có lẽ vì ít thời gian quan tâm, sát sao đến con cái nên việc học hành của Công Anh cũng lỡ dở. Học đến lớp 11 thì em bỏ học theo đám bạn rủ rê đánh nhau, gây rối. Lưu Văn Hợp (Sinh ngày 23/1/2006) ở tổ dân phố Đồng Nhâm, thị trấn Phồn Xương (cùng huyện) cũng chẳng khác mấy. Nghỉ học từ năm lớp 9, Hợp chẳng thiếu trò nghịch ngợm nào, thường xuyên gặp gỡ, đua đòi theo nhóm bạn xấu.

Các đối tượng thanh, thiếu niên mang theo hung khí khi tham gia giao thông bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Bắc Giang phát hiện, bắt giữ ngày 20/5. Ảnh tư liệu.

Vì một lời thách thức trên mạng xã hội, ngày 19 và 20/11/2022, cả Công Anh và Hợp rủ theo một số người bạn khác (đều chưa đủ 18 tuổi, sinh từ năm 2004 – 2007) ở xã Ngọc Thiện (Tân Yên) kéo xuống đánh nhau với một nhóm thanh, thiếu niên khác ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). Hợp và Công Anh đã sử dụng súng quân dụng để bắn vào nhóm đối diện. May mắn không có ai bị thương nhưng Công an tỉnh đã khởi tố cả hai vì hành vi giết người.

Tháng 5/2023, Công an tỉnh vừa quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thức (Sinh ngày 25/8/2005) ở thôn Từ Xuyên, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) về tội “Giết người” và Nguyễn Thanh Danh (Sinh ngày 1/1/2006) ở thôn Cầu Từ, xã Phượng Sơn là đồng phạm. Phạm Văn Thức đã dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng, ngực khiến anh Phạm Văn Trường (SN 2006) thôn Trại Quan, xã Đông Hưng (Lục Nam) bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước đó, Phạm Văn Trường có mâu thuẫn với Nguyễn Thanh Danh ở thôn Cầu Từ từ trước.

Thiếu tá Trần Quốc Việt điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) rất trăn trở khi gặp gỡ, tiếp xúc, biết được hoàn cảnh của những bị can trẻ tuổi này. Khi bị tạm giam, điều tra xét hỏi, các em đều rất thành khẩn, không lường trước được hậu quả với những hành động mà mình gây ra. Với một số em, bố mẹ đều là những người chấp hành tốt pháp luật, không có tiền án, tiền sự song lại không dạy bảo, quan tâm đúng cách, thường phó mặc cho nhà trường.

Đừng để án tích mang theo

Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có gần 150 trẻ vị thành niên phạm tội, trong đó nhiều nhất là: Gây rối trật tự nơi công cộng, trộm cắp tài sản, an toàn giao thông, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giết người… Số lượng trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) bị khởi tố có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Trong đó có nhiều vụ, trẻ vị thành niên tụ tập theo nhóm từ 5 đến hàng chục người để đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, thậm chí có em còn mang theo hung khí, công cụ hỗ trợ hủy hoại tài sản, gây thương tích.

Trao đổi với bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Song có thể khẳng định, ở lứa tuổi này các em chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, tâm lý và sinh lý cũng chưa ổn định nên dễ bộc phát, chỉ cần có mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội Facebook, Zalo là sẵn sàng tụ tập, đánh nhau. Thêm nữa, nhiều em được bố mẹ cho cơ hội tiếp cận sớm với mạng xã hội mà lại không có sự quản lý, giám sát, chắt lọc thông tin. Vì thế, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh bạo lực có tính chất giang hồ rồi bắt chước làm theo. Cá biệt ở một số gia đình, phụ huynh bận việc làm ăn còn buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục hoặc có quan tâm, giáo dục nhưng chưa đúng cách, chưa phù hợp với cá tính của từng trẻ.

Trung tá Nguyễn Văn Sự, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thông tin, trước tình hình phức tạp nói trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, công an các huyện, TP tập trung áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động ngăn chặn từ trước. Lực lượng công an và chính quyền địa phương gồm đội cảnh sát hình sự của công an các huyện, TP; công an các xã, thị trấn phối hợp với các hội đoàn thể thường xuyên giáo dục, răn đe, gọi hỏi đối tượng trong diện quản lý, theo dõi.

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, TP đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động học sinh ký cam kết không tham gia tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn. Yêu cầu khi có vụ việc xảy ra thì báo ngay đến nhà trường để xử lý, không đăng tải thông tin, hình ảnh bạo lực lên mạng xã hội. Đề nghị gia đình, nhà trường có biện pháp quản lý, giáo dục học sinh cá biệt; phối hợp với cơ quan công an cơ sở để quản lý, định hướng.

Thực tế cho thấy, nhìn chung để tạo nên tính cách của con người, những yếu tố chính sẽ tác động đó là môi trường sống của gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, môi trường gia đình rất quan trọng và có ảnh hưởng nhiều nhất đến con trẻ, tương lai một con người. Vì thế, không chỉ nhà trường, cộng đồng xã hội mà trước hết mỗi gia đình cần quan tâm, yêu thương, chia sẻ đúng cách với từng con trẻ để chúng lớn lên hiểu biết, tôn trọng pháp luật.

Tuyết Mai

Nguồn Báo Bắc Giang: http://m.baobacgiang.vn/bg/phap-luat/405422/gia-tang-toi-pham-vi-thanh-nien-be-khong-vin-chua-lon-da-gay-canh.html