Gặp nữ Anh hùng Lao động 2 lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ

Trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng xuân, chúng tôi đến thăm anh hùng lao động Phạm Thị Vách. Với nụ cười đôn hậu, ánh mắt thân thiện, bà niềm nở tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng ở thị trấn Lương Bằng ( Kim Động). Những dòng chảy ký ức về một thời “trị thủy” làm nên tên tuổi “bé Vách” gắn với đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải khiến chúng tôi vừa khâm phục, vừa được truyền động lực cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

 

Nữ Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách tại nhà riêng

Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng ở xã Hùng Cường (Kim Động). Với tính tình vui vẻ, sôi nổi, cô thôn nữ Phạm Thị Vách tích cực tham gia hoạt động hội thanh niên, hội phụ nữ, hăng hái lao động sản xuất ở địa phương. Đặc biệt, trong vai trò là Đội phó Đội Thủy lợi của xã Hùng Cường, Phạm Thị Vách đã lập được những thành tích xuất sắc trong phong trào thủy lợi giai đoạn 1958 – 1962. Ngày ấy, tuy đất đai màu mỡ, nguồn nước từ sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đuống, sông Luộc dồi dào nhưng nghịch cảnh “mưa ba ngày đã úng, nắng ba ngày đã hạn” đã khiến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn. Chính phủ  quyết định xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải để đáp ứng nguyện vọng “chống hạn và thoát úng” của Nhân dân địa phương. Vốn là vùng đất thuộc bãi  sông Hồng, quanh năm sống chung với hạn và úng nên người dân xã  Hùng Cường đã hăng hái góp công, góp sức cùng Nhân dân cả nước xây dựng đại công trường Bắc – Hưng – Hải. Bà Vách vui vẻ theo những hồi ức: “Không khí thi đua lao động trên công trường rất sôi động, hăng hái. Riêng đội của tôi luôn dẫn đầu bởi năng suất lao động bao giờ cũng vượt hơn các đội khác, có khi vượt gấp 3 – 4 lần định mức được giao. Đội thủy lợi xã Hùng Cường được mọi người yêu mến gọi là “đội tên lửa”, còn tôi được bầu là Chiến sĩ Thi đua hai năm 1958 và 1959”. Tiếng lành vang xa, năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tin, tặng nữ kiện tướng thủy lợi Huy hiệu của Người. Được nhận Huy hiệu Bác Hồ gửi về, cô Vách thấy thật vinh dự, như được truyền động lực để tiếp tục cống hiến cho phong trào thủy lợi của quê hương, đất nước.

Chỉ hơn một năm sau, năm 1960, Bác Hồ về thăm Hưng Yên và đích thân Người trao huy hiệu lần thứ hai của mình cho cô Vách.

Bà Vách nhớ lại: “Ngày đó Bác về Hưng Yên dự Hội nghị tổng kết công tác thủy lợi toàn miền Bắc. Sau khi nghe báo cáo thành tích làm thủy lợi, Bác hỏi đồng chí Lê Quý Quỳnh (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên) về những điển hình nữ làm thủy lợi. Đồng chí Lê Quý Quỳnh giới thiệu tên tôi. Bác cười tươi lắm, gọi tôi là “bé Vách”. Rồi Bác hỏi hội nghị: “Mọi người thấy thành tích của bé Vách có tốt không? Mọi người có đồng ý để Bác tặng bé Vách huy hiệu lần thứ hai không?”. Cả hội trường đều hô to “đồng ý ạ”. Đồng chí Lê Quý Quỳnh đưa tôi lên gặp Bác. Đây là lần thứ 2 tôi được nhận Huy hiệu của Bác, đặc biệt lần này được trực tiếp tay Bác trao, tôi thấy vinh dự, vui mừng không sao diễn tả hết được. Không chỉ trực tiếp gắn Huy hiệu trước hội nghị, lời căn dặn của Bác khi tặng Huy hiệu làm tôi nhớ mãi: “Cháu đã làm tốt rồi, học tập tốt rồi thì phải tiếp tục làm tốt hơn nữa, học tốt hơn nữa. Phải gần gũi lắng nghe quần chúng, học tập quần chúng để làm tốt hơn”.

 

Nữ Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách (người hàng đầu, thứ hai từ phải sang) được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III (năm 1962) – Ảnh Tư liệu

Nghe theo lời Bác, cô thôn nữ Phạm Thị Vách quyết tâm đi học nâng cao kiến thức. Học xong chương trình Bổ túc cấp III, cô được bầu giữ chức Chủ nhiệm Hợp tác xã, rồi Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã khi tuổi mới chỉ ngoài đôi mươi. Vinh dự nối tiếp vinh dự, tháng 5/1962, cô Vách được bầu đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ III ở Hà Nội. Tại Đại hội, với những thành tích đóng góp trong công tác thủy lợi, nhất là những sáng kiến và liên tục là “kiện tướng”, Phạm Thị Vách đã được phong Anh hùng lao động – khi ấy cô mới tròn 22 tuổi. Hai năm sau, nữ anh hùng trở thành đại biểu Quốc hội khóa III, rồi tái đắc cử đại biểu Quốc hội khóa IV, khóa V. Sau đó, vào các dịp công tác trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, hoặc dự các sự kiện chính trị của đất nước, cô đều được gặp Bác, lần nào Bác cũng hỏi thăm công việc và đời sống của “bé Vách”. Bà Vách cho biết, bà vinh dự là người được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 22 lần.

“Ở cương vị nào, tôi cũng lấy lời dạy của Bác để làm tròn trách nhiệm của mình” – Bà Vách tâm sự. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nữ Anh hùng Lao động Phạm Thị Vách chăm chỉ học tập, tích cực công tác và từng bước trưởng thành, đảm đương tốt nhiều công việc xã hội. Từ năm 1977 đến năm 1989, bà Phạm Thị Vách đã trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ Kim Động; Chủ tịch Hội Nông dân tập thể huyện Kim Thi; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Kim Thi; Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kim Thi…

Một người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy nhiệt huyết cống hiến cho đất nước. Một công dân tiêu biểu vinh dự 2 lần được nhận huy hiệu Bác Hồ đã lấy đó làm động lực tinh thần để tiến bộ, trưởng thành trong cuộc sống. Bà Phạm Thị Vách là người đáng kính như thế. Chào bà ra về, trong mỗi chúng tôi như được tiếp thêm ngọn lửa yêu đời, yêu nghề, cống hiến tâm sức xây dựng quê hương, đất nước.

Minh Nghĩa  

Nguồn Báo Hưng Yên Điện Tử: https://baohungyen.vn/bac-ho-voi-hung-yen-hung-yen-voi-bac-ho/202301/gap-nu-anh-hung-lao-dong-2-lan-duoc-tang-huy-hieu-bac-ho-046312d/