Đại diện gia đình bị hại cho rằng, mức án 4 năm tù là quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên đã làm đơn kháng cáo.
Theo dự kiến sáng nay (8/11), TAND tỉnh Thái Nguyên sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử Đỗ Văn Đồng (31 tuổi, trú tại xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên) về tội “Vi phạm về quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục, bị cáo Đỗ Văn Đồng có đơn xin vắng mặt vị lý do sức khỏe nên chủ tọa tuyên hoãn xét xử.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 21h05 ngày 23/12/2017, Đồng điều khiển ô tô biển số 20C – 112.36 trên Quốc lộ 3 theo hướng Hà Nội đi Thái Nguyên.
Khi đến km 43 +200 thuộc địa phận tổ 4 (phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên) do không chú ý quan sát và không làm chủ được tốc độ đã đâm vào 4 người đi bộ sang đường gồm: Chị Hoàng Thị Ngọc (31 tuổi), cháu Phạm Trần Việt Anh (9 tuổi, con riêng của chồng chị Ngọc), Phạm Minh Anh (9 tháng tuổi, con đẻ chị Ngọc) và chị Hoàng Thị Thoa (22 tuổi, em gái chị Ngọc).
Hậu quả khiến cả 4 nạn nhân tử vong khi đang cấp cứu tại bệnh viện.
Sau tai nạn, Đồng bỏ lại ô tô rời khỏi hiện trường. Đến khoảng 8h ngày hôm sau (24/12) Đồng đến cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thị xã Phổ Yên đầu thú.
Cơ quan điều tra đưa Đồng đến Bệnh viện C Thái Nguyên để xét nghiệm nồng độ cồn trong máu. Kết quả tại thời điểm kiểm tra xác định, nồng độ cồn trong máu của nam tài xế 31 tuổi là 0,29mmol/lít.
Hiện trường nơi xảy ra tai nạn.
Tại phiên tòa, đại diện VKS giữ quyền công tố nhận định, bị cáo Đồng chưa có tiền án, tiền sự, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý. Do đó, VKS đề nghị tòa xử phạt bị cáo mức án từ 4 – 5 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại về tính mạng, tại sản giữa bị cáo với gia đình các nạn nhân số tiền 600.000.000 đồng.
HĐXX nhận định, xét quá trình điều tra và tại tòa bị cáo Đồng đã khai nhận rõ hành vi phạm tội.
Sau nghị án, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Đồng 4 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, giữa bị cáo và gia đình bị hại đã thỏa thuận xong khoản bồi thường. Đại diện bị hại cũng không có yêu cầu gì thêm nên HĐXX không xem xét.
Tuy nhiên sau bản án, đại diện bị hại lại làm đơn kháng đề nghị xét lại toàn bộ bản án với các lý do.
Thứ nhất, về hành vi, Đồng điều khiển ô tô trong khu vực đông dân cư, có biển cảnh báo có người đi bộ sang đường nhưng Đồng không giảm tốc độ, không chú ý quan sát. Hành vi trên của anh ta là coi thường tính mạng người khác và coi thường pháp luật, hậu quả vụ việc đã làm 4 người thiệt mạng.
Mặt khác, sau khi gây án anh ta rời khỏi hiện trường không giúp các bị hại. Hành vi của Đồng có dấu hiệu “Gây tai nạn xong bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm”, dù hành vi thực hiện với lỗi vô ý nhưng cần phải được nghiêm trị để đảm bảo tính pháp luật.
Về mặt hậu quả, bị cáo Đồng gây tai nạn làm chết 4 người, phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3, Điều 2 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 7 – 15 năm tù.
Mặc dù phía bị cáo đã có bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đại diện bị hại vẫn yêu cầu xử lý nghiêm vì hành vi của Đồng vì gây nguy hiểm cho xã hội. Việc TAND thị xã Phổ Yên áp dụng các quy định của pháp luật xử phạt bị cáo dưới mức án thấp nhất của khung hình xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
Từ phân tích trên, đại diện bị hại đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại hình phạt đối với bị cáo, đảm bảo sự công bằng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông để giảm thiểu số vụ tai nạn cũng như mất mát về người và của cho xã hội.