Rất nhiều khán giả đang tự hỏi, 4 nữ ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần đã làm được gì cho nhạc Việt để được gọi là Diva?
Thời gian gần đây, câu chuyện Diva đang nóng trở lại với việc Thu Minh gây xôn xao dư luận khi tung MV I am Diva. Trong đó, cô có hát “Ai là Diva, tôi không biết?“.
Hành động của Thu Minh một lần nữa khiến showbiz dậy sóng và câu chuyện Diva lại được đem ra mổ xẻ, bàn luận, kéo theo sự lên tiếng của hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng.
Không chỉ Thu Minh, 4 nữ ca sĩ được phong là Diva Việt Nam như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần cũng bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận. Trong đó, nhiều khán giả cho rằng, 4 ca sĩ này không xứng đáng là Diva Việt Nam và cần có sự nhìn nhận lại.
Ở thời điểm hiện tại, cả 4 Diva Việt Nam là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần đều đã qua thời đỉnh cao của mình.
Thanh Lam gần 10 năm qua không còn ra album, Mỹ Linh vừa kết thúc tour diễn cuối cùng trong sự nghiệp của mình, còn Hà Trần không gặt hái được thành công nào với album Bản Nguyên, Hồng Nhung cũng chỉ đi diễn một số show lẻ.
So về lượt view trên Youtube, cả 4 Diva đều thua thiệt hơn rất nhiều so với thế hệ ca sĩ trẻ ngày nay, hoặc thế hệ Bolero cùng thời như Như Quỳnh, Phi Nhung… hoặc thế hệ sau như Mỹ Tâm, Hương Tràm…
Đa số khán giả trẻ gần như chỉ biết đến tên tuổi của 4 Diva qua truyền thông mà không được sống cùng âm nhạc của họ ở thời đỉnh cao. Bởi vậy, rất nhiều người thắc mắc không biết 4 người này đã làm được gì cho nhạc Việt để được phong tặng danh hiệu Diva, thay vì Thu Minh, Mỹ Tâm, Uyên Linh…?
Thanh Lam – chất đàn bà và bản năng của Người đàn bà hát
Được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”, “Người đàn bà hát”, Thanh Lam chính là nữ ca sĩ có công lớn nhất trong việc định hình nhạc nhẹ Việt Nam giai đoạn đầu thập niên 90 đến sau này.
Vào thưở ban đầu của nhạc Việt sau khi thống nhất, ở miền Bắc, người ta thường chuộng các giọng nữ cao trữ tình, có khả năng hát đẹp theo thanh nhạc chính thống.
Nhưng Thanh Lam không phải “chim sơn ca” hay “chim họa mi” theo thẩm mỹ truyền thống đó, cô mang đến một giọng hát trần tục và phồn thực hơn.
Đó là tiếng hát của Người đàn bà đam mê tình ái và khát khao cuộc sống. Chính giọng hát này đã đem tới một màu sắc riêng biệt cho nhạc Việt và góp phần thay đổi thẩm mỹ âm nhạc của khán giả.
Bẩm sinh Thanh Lam sở hữu giọng nữ trung trữ tình rất sâu và dày, có độ solid đậm đặc, phát triển mạnh mẽ trên quãng trung và trầm. Không những vậy, âm sắc của Thanh Lam còn rất đẹp, nó tròn trịa, đầy đặc và ấm áp, không thể chê vào đâu được.
Bằng giọng hát đặc biệt này, Thanh Lam đã vượt qua nhiều ca sĩ tài năng như Hồng Nhung, Ngọc Sơn, Thu Phương, Bằng Kiều, Y Moan, Thùy Dung… để trở thành ca sĩ duy nhất đoạt giải Lớn (trên cả giải nhất) trong cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991 với số điểm tuyệt đối.
Sở hữu chất giọng nữ trung dày dặn, trầm ấm và nội lực, cùng trường hơi dài, khỏe khoắn, Thanh Lam chính là người tiên phong cho việc sử dụng và sáng tạo lối hát cộng minh vào nhạc nhẹ Việt Nam, với đặc trưng bẹt chữ, đãi chữ kết hợp một chút bạch thanh Tây phương, tạo nên hẳn một trường phái hát riêng.
Cô mở màn một lối hát mới – lối hát phô diễn giọng hát trên giọng ngực (thông qua cộng minh quãng trung), ở những khoảng âm to, dày, lớn cả về trường độ và cường độ, tràn đầy năng lượng.
Không những vậy, phong cách Thanh Lam còn đặc trưng bởi lối hát khắc khoải, ưu sầu, hát mà như thủ thỉ, tâm tình, đãi chữ dài hơn, hơi “rên rỉ” để bộc lộ nội tâm bùng cháy, bản năng của người phụ nữ, và kèm theo chất liêu trai, ma mị ở những quãng trầm bổng, luyến láy, nhưng vô cùng chắc chữ, rõ lời.
Chất “bản năng” và “cháy bỏng” là điều người ta thấy rõ nhất ở Thanh Lam, mà theo lời nhạc sĩ Dương Thụ là: “Một giọng hát mê hồn, cá tính táo bạo, bản năng nghệ sĩ thật sự…”.
Đi cùng với chất “bản năng”, đặc trưng của trường phái Thanh Lam trong thập niên 90 (quãng thời gian cô tiên phong nhạc nhẹ) là những kĩ thuật rất “da màu”, đậm tính Soul/R&B như vocal runs, riff…lần đầu tiên được đưa vào nhạc Việt, hát bằng tiếng Việt.
Lối hát của Thanh Lam ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ ca sĩ sau này như Hoàng Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh…
Ngày nay, hễ có ca sĩ nào hát theo kiểu phiêu giọng khắc khoải, chất chứa tâm sự trên quãng trung, ta đều thấy bóng dáng của Thanh Lam ở đó. Số lượng những ca sĩ kiểu này rất nhiều, dễ chiếm đến 30% nền nhạc nhẹ Việt Nam, nên có thể thấy được tầm ảnh hưởng rất lớn của cô.
Hồng Nhung – sự khôn khéo của người tình Trịnh Công Sơn
Nổi lên cùng thời điểm với Thanh Lam, Hồng Nhung cũng góp công không nhỏ trong việc định hình nhạc nhẹ Việt Nam, với lối hát tròn vành, rõ tiếng, dứt khoát, tách bạch, nhưng vẫn mềm mại, trữ tình, thoát khỏi âm hưởng cố hữu của Bolero, tân nhạc giai đoạn trước, đem lại không khí nhạc nhẹ mới.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn từng nói về ảnh hưởng của Hồng Nhung với anh: “Nói hơi văn chương thì Hồng Nhung đã đem cả Hà Nội vào trong giọng hát, thể hiện đúng chất Hà Nội gốc, nhẹ nhàng sang trọng, sâu sắc tinh tế. Điều đấy không phải ai cũng làm được. Tôi đã bị chinh phục.
Cũng có thể lý giải, vì quá yêu cách hát của Hồng Nhung nên tôi có chịu ảnh hưởng.
Nhưng không hẳn ảnh hưởng là giống y hệt, mà tôi chỉ học từ chị cách trân trọng tiếng Việt để phát âm tròn vành rõ chữ, và cách trân trọng nâng niu một ca khúc. Nói là ảnh hưởng về tư duy âm nhạc thì đúng hơn“.
Không những vậy, Hồng Nhung còn là một mắt xích lớn trong việc phát triển và thăng hoa nhạc Trịnh.
Ngoài ra, Hồng Nhung cũng chính là người tiên phong trong việc thực hiện MV âm nhạc một cách nghệ thuật và có chiều sâu tại Việt Nam.
Không chỉ tân tiến, nghiêm túc trong việc làm MV âm nhạc, Hồng Nhung còn vượt trội hơn các diva, vocalist khác trong việc đầu tư, dàn dựng phần trình diễn trên sân khấu, kĩ đến mọi chi tiết.
Đa số các diva, vocalist Việt Nam khi lên sân khấu chỉ chú tâm vào việc thể hiện ca khúc bằng giọng hát, họ chỉ cần một chiếc mic là đủ cho một show diễn. Một số vocalist khác dù khá chăm chút phần trang phục, phụ kiện, ăn mặc nổi bật, nhưng vẫn không thoát khỏi việc trình diễn chay bằng giọng hát.
Riêng Hồng Nhung lại thường xuyên đổi mới các màn trình diễn trên sân khấu của mình bằng việc kết hợp giữa hát và diễn.
Điểm nổi bật hơn cả là Hồng Nhung diễn nghiêm túc, có nội dung, bố cục cụ thể, theo chủ đề, chứ không phải đưa một dàn vũ công lên, dựng phông nền lên để diễn cho có.
Về tầm ảnh hưởng của Thanh Lam và Hồng Nhung, có thể tóm gọn trong nhận định của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tương lai nhạc Việt phụ thuộc vào Thanh Lam và Hồng Nhung”.
Mỹ Linh – Ca sĩ Pop đại chúng với giọng hát đẹp
Mỹ Linh ít tuổi hơn và đi hát muộn Thanh Lam, Hồng Nhung, nhưng cũng tạo được một sức ảnh hưởng lớn. Cô nổi bật bởi chất giọng đẹp, trong sáng, trẻ trung, đầy dương tính, sức sống và nội lực.
Thời gian đầu, Mỹ Linh gây ấn tượng bởi những ca khúc dân gian đương đại đầy ma mị và một số khúc nhạc phim sâu lắng. Sau đó, cô kết hợp cùng Ban nhạc Anh Em để phát triển phong cách R&B/Ballad tươi mới, hấp dẫn.
Có thể nói, Mỹ Linh là một trong những ca sĩ tiên phong trong việc du nhập R&B về Việt Nam và pha trộn, phổ biến rộng rãi vào nhạc nhẹ Việt, tạo nên chất Pop đại chúng trẻ trung.
Đa số những ca khúc Pop vào tay Mỹ Linh trong giai đoạn 1996 – 2002 đều như đóng đinh cho giọng hát của cô, khiến ít ai vượt qua được. Nhạc sĩ Bảo Chấn đã dùng từ “kẻ đặt dấu chấm hết” để nói về khả năng này của Mỹ Linh:
“Mỹ Linh với giọng hát của mình giống như một kẻ có võ công rất thâm hậu nhưng lại ra chiêu rất bình thường, nhưng lại có công lực rất cao…
Với những bài xã hội, hoặc rất xì tin chẳng hạn như “Trái tim không ngủ yên”, Mỹ Linh như kẻ đặt dấu chấm hết. Không ai có thể hát vượt qua nổi hoặc chấp nhận chỉ là cái bóng của Linh mà thôi”.
Nổi lên cùng Làn Sóng Xanh trong thập niên 90, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh đã tạo nên thế chân kiềng phổ biến nhạc nhẹ phía Bắc vào miền Nam. Trước đó, khán giả miền Nam chủ yếu nghe Bolero, tân nhạc hoặc Rock và những ca khúc cover nhạc ngoại qua tiếng hát của những ca sĩ như Ngọc Sơn, Bảo Yến, Nhã Phương…
Sự thành công rực rỡ của bộ ba này đã chiếm được cảm tình của khán giả miền Nam, tạo nên cả một bầu không khí nhạc đại chúng đầy sôi động, tươi mới.
Hà Trần – nghệ sĩ ma quái với nhiều sáng tạo lập dị
Hà Trần là người ít tuổi nhất và nổi tiếng muộn hơn Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Khác với ba đàn chị, cô không sở hữu giọng hát đẹp và nội lực, khỏe khoắn, cũng không “đại chúng”, phổ biến bằng.
Chính vì thế, Hà Trần từng bị cho là cái tên “vớt” trong việc phong tặng danh hiệu Diva. Nhưng thực tế, Hà Trần lại ở một đẳng cấp hoàn toàn khác với ba đàn chị của mình.
Hà Trần xuất thân là một ca sĩ Pop giống ba Diva còn lại. Cô từng hát những bản nhạc phim rất ngọt ngào, trữ tình. Nhờ Quốc Bảo, Trần Tiến…, Hà Trần cũng tạo được sự phổ biến nhẹ với công chúng trong giai đoạn đầu đi hát.
Nhưng càng về sau, Hà Trần càng phát triển mạnh theo hướng Indie Artist, lấy chất nghệ và sáng tạo làm cốt yếu, đẩy giọng hát xuống thứ yếu. Cô biến giọng hát thành một thứ nhạc cụ đặc biệt, biến hóa hư ảo, để hòa cùng nhạc và tôn nhạc sĩ lên.
Nhật thực là một trong những album nhạc thể nghiệm tiên phong của Việt Nam, với việc chú trọng concept, hòa âm, phối khí.
Sau thành công của Nhật thực, Hà Trần vẫn tiếp tục đào sâu tìm tòi và thể nghiệm rất nhiều thể loại, chất liệu âm nhạc khác nhau, mà ở Việt Nam còn khá mới mẻ.
Tạo nên các album đỉnh cao như Vi Sinh, Đối thoại 06, Cánh cung 3… Hà Trần đã gần như trở thành “tắc kè hoa” độc nhất vô nhị của làng nhạc Việt, với các cách kết hợp thể nghiệm World music, Electronic, Trip hop, Blues… vào.
Đặc biệt, với phần âm thanh điện tử phối hợp cùng Rock hay World music trong kết cấu hòa âm, nhạc cụ mới, Hà Trần đã nâng Electronic lên một tầm cao mới trong nhạc Việt.
Có thể nói, ít có ca sĩ nào ở Việt Nam có biên độ thể loại trải dài như Hà Trần. Cô có thể hát đầy ngọt ngào với pop ballad, đầy bác học với nhạc thính phòng/bán cổ điển, đầy ngẫu hứng với Jazz, lại có thể “điên”, “quái” đầy ma mị với các loại nhạc thể nghiệm khác.