Không giống như khoan bê tông hay khoan nền đất, khoan băng cần một hệ thống khoan đặc biệt.
Sau ba ngày liên tiếp dưới cái lạnh -30 độ C, các nhà khoa học khoan được cái hố nhân tạo sâu nhất từng xuất hiện ở miền Tây Nam Cực. Ngày lịch sử đó là mùng 8 tháng Giêng năm 2019, đội ngũ thực hiện là nhóm khảo sát Nam cực của Anh có tên viết tắt là BEAMISH, tập trung nghiên cứu và theo dõi lịch sử lớp băng.
Họ đào được cái hố sâu 2.152 mét.
11 nhà khoa học thuộc BEAMISH sử dụng một vòi nước áp lực lớn, bắn những đường nước nóng 90 độ C vào lớp băng, nhằm khoan xuống càng sâu càng tốt. Kỷ lục chỉ tính riêng trong khu vực phía Tây, vì ở miền Đông có mấy cái hố nhân tạo sâu hơn thế này rồi: như năm 2012, các nhà khoa học Nga đào một cái hố sâu 2.400 mét tại phía Đông của Bắc Cực.
Đội ngũ lấy lên những mẫu băng dưới sâu để phân tích, bên cạnh đó đo đạc sự thay đổi của hình dáng băng, nhiệt độ băng và áp lực nước ở những độ sâu khác nhau. Thành tựu đạt được đầu năm 2019 này là có từ nỗ lực 20 năm ròng. Năm 2004, BEAMISH đã định khoan một lỗ tương tự nhưng bất thành.
“Tôi đã đợi giây phút này từ rất lâu và vui mừng vì chúng tôi đã đạt được mục tiêu“, Andy Smith, trưởng dự án tuyên bố.
Việc dùng nước nóng để khoan băng không dễ như tên gọi của nó
Trong cái lạnh -30 độ C, cái hố liên tục bị đóng băng.
“Trong 24 giờ, cái hố chỉ đủ to trong một khoảng thời gian giới hạn, đủ to để đưa các thiết bị khoan vào“, Keith Makinson, nhà vật lý hải dương học làm việc tại Ban Khảo sát Nam Cực Vương quốc Anh nói. “Sau hai hoặc ba ngày, cái hố đã lại đóng băng hoàn toàn. Điều đó khiến cho việc phải liên tục khoan chịu rất nhiều áp lực“.
Các nhà khoa học phải nhờ đến sự kỳ diệu của cái máy khoan bằng nước nóng để có thể tiến hành nghiên cứu. Bộ phận lớn nhất của cái khoan này phải được lắp ráp lại từ nhiều mảnh, nó nặng tới gần 7 tấn.
Họ khoan lỗ để nhìn vào tương lai Nam Cực
Đội ngũ BEAMISH mong muốn vẽ được bức tranh toàn cảnh lịch sử địa chất Nam Cực, đưa ra phỏng đoán về những ảnh hưởng tương lai, trong trường hợp băng tan khiến mực nước biển dâng cao.
“Trong hiểu biết của ta về miền Tây của Nam Cực có rất nhiều khoảng trống, bằng việc nghiên cứu địa chất khu vực, chúng tôi có thể dự đoán được những thay đổi của khu vực trong tương lai, và ảnh hưởng của nó tới mực nước biển“, nhà nghiên cứu Smith nói.
Lỗ khoan nhóm nghiên cứu thực hiện nằm tại dòng băng Rutford, mang băng chảy từ khu vực Tây Nam Cực ra đại dương. Đó chính là lý do tại sao việc nghiên cứu tại đây lại tối quan trọng: ta sẽ hiểu được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu qua những dòng băng tan.
“Chúng tôi biết rằng dòng biển ấm nóng đang ăn mòn rất nhiều vỉa băng vùng Tây Nam Cực“, giáo sư Makinson nói. “Chúng tôi đang cố hiểu được băng ở lớp dưới đang mỏng manh mức nào, và tốc độ chảy của chúng là bao nhiêu“.
Tốc độ chảy sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mực nước biển. Nếu toàn bộ vỉa băng Nam Cực mà tan hết, nước biển sẽ dâng khoảng 55 mét. Nếu băng tại cả Nam Cực và Greenland tan, nước biển sẽ dâng 60 mét, nhấn chìm toàn bộ bang Florida của Mỹ.
Đội ngũ nghiên cứu dự định tiếp tục làm việc cho tới giữa tháng Hai. Họ vừa khoan thêm một lỗ nữa vào giữa tháng Giêng, và định khoang thêm lỗ thứ ba cách vị trí lỗ thứ hai khoảng vài kilomet. Cảm giác như họ đang khoan lên tường một lỗ để chúng ta ghé mắt vào, nhìn thấy tương lai của Trái Đất vậy.
Tham khảo Business Insider, British Antarctic Survey