Dùng điện thoại ngoài trời nắng 40 độ có gây hại, thậm chí tai nạn cháy nổ hay không?

Những hậu quả “nóng máy cháy bu-gi” nào còn đang ẩn giấu khi để lộ điện thoại dưới cái nắng gay gắt hiện tại?

Những ngày gần đây, miền Bắc đang phải hứng chịu đợt nóng dữ dội kéo dài ngày, dù đôi lúc có những cơn mưa rải rác nhưng vẫn không đủ để át đi cái nắng đổ lửa. Nhiệt độ ngoài trời giữa trưa có thể lên tới hơn 40 độ, khiến ai nấy đều không khỏi khó chịu và mệt mỏi vì sự oi bức khổ cực.

Nếu nghĩ đó là tất cả những điều đáng lo ngại nhất thì nhầm rồi, vì những chiếc điện thoại bất ly thân sử dụng hàng ngày của bạn cũng “run sợ” không kém chủ nhân khi lộ mặt ra cái nắng ác mộng này!

Dùng điện thoại ngoài trời nắng 40 độ có gây hại, thậm chí tai nạn cháy nổ hay không? - Ảnh 1.

Smartphone quá tải nhiệt: Nỗi sợ tiềm tàng ít người để ý. (Ảnh minh họa)

Nhiệt độ quá tải: Nỗi lo hàng đầu của đồ công nghệ

Nhiệt độ là một trong những yếu tố hàng đầu được tính toán liên quan tới độ bền khi sử dụng các thiết bị công nghệ nói chung. Nếu ngày trước, nỗi lo này chỉ chờ chực hành hạ các game thủ với những dàn máy tính siêu cao cấp chuyên dùng để tải các tác vụ nặng nề thì hiện nay, smartphone nói chung cũng không là ngoại lệ.

Dĩ nhiệt, nhiệt độ tăng trong khi sử dụng là điều bình thường, nhất là khi bật nhiều app hoặc ngốn nhiều sức mạnh của máy khi dùng lâu. Thế nhưng, nhiệt độ quá mức cho phép thì lại là chuyện khác, hoàn toàn có thể để lại thương tổn không đáng có, tiền mất tật mang lúc nào không hay. Những hậu quả dễ thấy khi bị quá tải nhiệt là tốc độ sụt giảm, tuổi thọ pin bị tổn hại.

Bất kể là vì nguyên nhân khách quan (nắng nóng, nhiệt độ không khí cao) hay chủ quan (sử dụng máy trong thời gian dài), chúng luôn để lại hậu quả và những rủi ro tiềm tàng mà người dùng cần hiểu biết rõ để phòng tránh cản thận.

Dùng điện thoại ngoài trời nắng 40 độ có gây hại, thậm chí tai nạn cháy nổ hay không? - Ảnh 2.

Chắc chắn đây không phải một hành động thông minh trong thời tiết miền Bắc những ngày này.

Hiện tượng quá tải nhiệt xảy ra thế nào, xử lý ra sao?

Hầu hết các chip xử lý trong smartphone đều đã được các chuyên gia nhìn nhận sâu xa, thiết kế tối ưu hóa để giảm thiểu tác động nhiệt khi gặp phải. Về lý thuyết, chúng hoàn toàn chịu được mức nhiệt cao nhất mà smartphone tự thân sinh ra trong quá trình sử dụng – đồng nghĩa với việc dù có dùng app nặng và lâu dài đến mấy, tất cả vẫn nằm trong sự tính toán và giới hạn ban đầu. Khi ấy, tốc độ của chip sẽ tự giảm đi một phần như một cơ chế an toàn tự kích hoạt, giúp hạ nhiệt và “hồi sức” để tránh rủi ro hỏng hóc.

Thế nhưng, điều đó không bao gồm nhân tố tác động nhiệt thêm từ bên ngoài, đặc biệt là nắng nóng hoặc các môi trường sinh nhiệt khác. Nếu giới hạn nguy hiểm vẫn bị xâm phạm và không có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều hệ quả sẽ xảy ra: Xuất hiện cảnh báo, máy tự tắt nguồn hoặc đôi khi là cháy nổ pin. Khi ấy, sẽ có 2 thành phần dễ chịu nhiều tổn hại nhất: Pin smartphone và chip xử lý.

Dùng điện thoại ngoài trời nắng 40 độ có gây hại, thậm chí tai nạn cháy nổ hay không? - Ảnh 3.

Cảnh báo mặc định của iPhone hiện lên khi tự phát hiện điện thoại quá nóng.

Kết cấu pin Li-ion phổ biến trong smartphone ngày nay khá bền và dễ dùng, linh hoạt sử dụng. Tuy nhiên, không gì là mãi mãi, nhược điểm đầu tiên của pin Li-ion là nhiệt độ tăng khi tuổi thọ giảm. Nói cách khác, pin càng chai, càng dễ sinh nhiệt quá tải khi dùng lâu.

Ngoài ra, đặc tính có sẵn của pin Li-ion là nhạy cảm với nhiệt độ quá nóng cũng như quá lạnh. Những ngày hè có nhiệt độ cao hơn 30 độ C là quá đủ để phá vỡ mức an toàn lý tưởng cho pin, lại dễ gây hại và giảm tuổi thọ. Tất cả lặp lại và tác động lẫn nhau như một vòng luẩn quẩn, rất dễ gây ra hậu quả lớn nếu duy trì trong thời gian dài. Tương tự như vậy, chip xử lý của smartphone cũng không hề thích thú khi liên tục bị cái nóng tác động, trong khi không hề có quạt mát tản nhiệt như máy tính.

Cách khắc phục và phòng tránh

Bên cạnh việc giữ cho smartphone ở trong môi trường nhiệt độ mát mẻ lý tưởng, hãy thường xuyên để ý đến những dấu hiệu quá nhiệt hoặc chậm chạp bất thường trong quá trình sử dụng.

Hiện tại, nhiều smartphone đã có sẵn chức năng tự động cảnh báo quá tải nhiệt, hoặc iPhone có thể xem tuổi thọ và độ chai pin trong Settings, còn các thương hiệu khác cần tải thêm app bên ngoài về tự theo dõi. Ngoài ra, hãy tránh áp bức smartphoone bên trong một case ốp lưng dày cộp kín bưng, dùng quá nhiều app nặng trong thời gian dài…

Để chắc chắn nhất, hãy tới cửa hàng uy tín làm dịch vụ kiểm tra smartphone tổng thể sau một thời gian sử dụng. Nếu không, nguy cơ một ngày hỏng pin và cháy nổ vẫn sẽ thường trực, ai mà biết khi nào nó bốc hỏa vì quá nóng cơ chứ.