Các chiến hạm hải quân Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Báo giới Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc tư duy “bá quyền” khi rút tàu khảo sát khỏi vùng biển Việt Nam rồi ngang ngược đưa nhóm tàu trở lại xâm phạm.
Hành động đơn phương gây bất lợi cho chính Trung Quốc
Chính phủ Ấn Độ ngày 29/8 đã lên tiếng về tình hình ở biển Đông thời gian qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nêu, biển Đông là một phần trong cộng đồng toàn cầu, và nước này quan tâm sâu sắc đến hòa bình, ổn định của khu vực.
Ông cho biết, Ấn Độ “ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các vùng nước quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”. Theo ông, những bất đồng trên biển “cần phải được giải quyết hòa bình bằng cách tôn trọng quy trình pháp lý và ngoại giao, chứ không phải bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực”.
Trước đó, các hãng truyền thông lớn của Ấn Độ như The Print, Times of India, The Tribune,… hồi cuối tháng 8 đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, cũng như điều 2 tàu hải cảnh tiếp cận, neo đậu gần khu vực thăm dò khai thác dầu khí của Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ – ONGC Vindesh. Báo chí Ấn Độ cảnh báo hành động của Bắc Kinh có thể dẫn đến tình hình “nguy hiểm” trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng ngày 16 và 22/8 vừa qua cho biết, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo bà Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu khỏi EEZ của Việt Nam. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam cũng tiếp tục thực thi và bảo vệ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và của Việt Nam.
Tàu khảo sát Hải dương 08 của Trung Quốc cùng các tàu hải cảnh hộ tống được xác định xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam vào tháng 7 và rời khỏi khu vực vào đầu tháng 8, sau khi Việt Nam đấu tranh cứng rắn và cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích hành vi gây hấn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhóm tàu Trung Quốc ngang ngược trở lại xâm phạm EEZ Việt Nam vào ngày 13/8.
Báo Times of India khẳng định, lô dầu khí mà ONGC Vindesh tham gia khai thác nằm hoàn toàn trong EEZ của Việt Nam, do đó Trung Quốc không thể có bất kỳ lập trường nào tại đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên thực hiện các hành vi mà chỉ có thể được mô tả là những chiến thuật bắt nạt.
Nhà báo Ấn Độ Rudroneel Ghosh chỉ ra, thực tế tàu khảo sát Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam rồi ngang ngược trở lại cho thấy Bắc Kinh phớt lờ những phản ứng quốc tế. Theo ông, điều cũng thể hiện tư duy “bá quyền” của Trung Quốc và nước này coi biển Đông như ao nhà.
Ghosh nhận định, người Hoa có góp phần vào quá trình khám phá biển Đông trong lịch sử, nhưng người Việt Nam, Philippines, Malaysia, Ấn Độ,… cũng đóng góp vào tiến trình lịch sử này, vì vậy Bắc Kinh không thể nói rằng nước này có cơ sở lịch sử để áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông.
“Điều cần phải tuân thủ chính là luật pháp quốc tế,” Ghosh viết trên tờ Times of India. “Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trong khu vực.”
Biển Đông là tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực và quốc tế, với khoảng 3.000 tỉ USD giá trị hàng hóa lưu thông mỗi năm. Khoảng 55% giá trị thương mại của Ấn Độ đi qua vùng biển này – theo nhà báo Ghosh.
“Mọi thứ không thể chỉ xoay quanh lợi ích của Trung Quốc. Các nước khác cũng có quyền lợi lịch sử hợp lý và hợp pháp với biển Đông,” ông viết. “Hành động đơn phương [của Trung Quốc] sẽ chỉ dẫn đến các lực lượng đối trọng với họ. Và điều đó chắc chắn bất lợi với sự trỗi dậy của Trung Quốc.”
Tàu khảo sát Hải dương địa chất 08 của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ kiểm soát khu vực về chính trị và quân sự nếu Mỹ phớt lờ
Tại hội thảo của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) về biển Đông tại Washington hồi tháng 7, nhiều ý kiến đã chỉ ra việc cộng đồng quốc tế – đặc biệt là Mỹ – cần lên tiếng trước những hành vi của Bắc Kinh trên biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc dự án China Power của CSIS nói: “Nếu không có phản ứng trước những vi phạm quy định của UNCLOS thì điều đó thể hiện Bắc Kinh có thể vi phạm luật quốc tế mà không bị trừng phạt”.
James Borton, nhà nghiên cứu không thường trực tại Trung tâm khoa học ngoại giao, Đại học Tufts (Mỹ), cho rằng Washington cần đóng vai trò ổn định trong khu vực trong khi Bắc Kinh tìm cách áp đặt sự kiểm soát bá quyền và hơn thế. Một số thành viên Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ nhận ra rằng Trung Quốc sẽ đạt được tham vọng thống trị về chính trị và quân sự ở khu vực nếu Mỹ phớt lờ các hành động của họ.
Mỹ nên sớm phê chuẩn UNCLOS
Ông Anders Corr từ Corr Analytics tin rằng tình hình hiện nay trên biển Đông là cơ hội để Mỹ hành động bảo vệ nguyên tắc liên quan đến toàn vẹn vùng đặc quyền kinh tế.
Washington đã có những động thái cứng rắn hơn nhằm răn đe Trung Quốc vào cuối tháng 8, khi Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng nước này lần lượt ra thông cáo lên án các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc trên biển Đông – bao gồm hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
Theo Borton, các chuyên gia chính sách cho rằng Washington không nên đưa ra các tuyên bố chính sách có thể ảnh hưởng đến uy tín mà không sẵn sàng bảo đảm, như việc có phát ngôn cứng rắn nhưng hành động không tương xứng. Các chuyên gia cho rằng, lúc này là thời điểm thích hợp để Quốc hội Mỹ xúc tiến phê chuẩn UNCLOS.
UNCLOS được thông qua vào năm 1982, với 162 quốc gia thành viên, bao gồm Trung Quốc và Nga. Nội dung Công ước điều chỉnh các hoạt động tại các đại dương trên thế giới, trong đó Mỹ chưa ký tham gia công ước này.
Việc phê chuẩn UNCLOS cho phép Mỹ có có địa vị pháp lý phù hợp để tham gia các hoạt động tố tụng tại các cơ quan tài phán có chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế, nhờ đó tránh được các va chạm nguy hiểm với các tàu chiến hay lực lượng tàu cá bán quân sự của Trung Quốc ở biển Đông.
Phê chuẩn UNCLOS cũng tạo điều kiện cho Mỹ giành vị thế chiến lược tại khu vực Thái Bình Dương, biến lời nói thành hành động nhằm tạo sự tin tưởng đối với đồng minh/đối tác vào lời nói của Mỹ.