Du lịch tâm linh thu hút du khách

Những ngày đầu xuân, đông đảo du khách đến các điểm du lịch, di tích trên địa bàn thị xã. Đây là tín hiệu đáng mừng với kỳ vọng ngành Du lịch địa phương phấn đấu đón 800.000 lượt du khách trong năm 2023.

Xác định phát triển văn hóa – du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội, thị xã đã dành nguồn ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; phối hợp với các cấp, ngành, tăng cường công tác huy động xã hội hóa đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, kết nối, tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn.

Du khách tham quan Đền An Sinh.

Trên địa bàn thị xã hiện có 121 điểm di tích (1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh…). Đến nay thị xã đã hoàn thiện đầu tư các tuyến đường chính kết nối các di tích và hạng mục công trình khác, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lễ hội xuân Ngọa Vân năm nay diễn ra vào ngày 30/1 (9 tháng Giêng) mang diện mạo mới, được tổ chức trang trọng với các nghi lễ cầu quốc thái dân an, gióng trống – thỉnh chuông khai hội, lễ dâng hương tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân. Phần hội với nhiều hoạt động: Giao lưu biểu diễn chèo cổ, chèo cải biên từ các CLB, các đội văn nghệ, các nghệ nhân hát chèo; đặc biệt là chương trình diễu hành, đua xe đạp của 250 VĐV các CLB xe đạp toàn tỉnh.

Lễ hội Thái Miếu từ ngày 8-10/2 (18-20 tháng Giêng). Đây là di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần, là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà Trần và các vị vua nhà Trần. Lễ hội Thái Miếu được tổ chức công phu với các nghi lễ trang nghiêm: Lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến vua… Đáng chú ý, du khách được hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn được tổ chức tại sân giếng Thái Miếu, như: Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã An Sinh, hội cờ xuân, giao lưu cờ cây, tung còn, kéo co…

Chương trình diễu hành, đua xe đạp của 250 VĐV các CLB xe đạp toàn tỉnh tại Lễ hội xuân Ngọa Vân 2023.

Từ đầu năm 2023 đến nay, thị xã đón trên 160.000 lượt du khách; riêng Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần đón 144.269 lượt người. Bên cạnh các lễ hội trên còn có nhiều hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội chùa Quỳnh (xã Tràng An), Lễ hội đền An Sinh (xã An Sinh)… Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác trải dài cả năm 2023 đã được thị xã xây dựng kế hoạch, nhằm tăng sức hút với du khách.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần, cho biết: Nhằm thúc đẩy, mở rộng liên kết du lịch, thị xã đặc biệt quan tâm phối hợp với các địa phương lân cận, đặc biệt là Hải Dương, Bắc Giang, tạo nên tuyến du lịch Khu di tích nhà Trần – Đền Cao – Côn Sơn – Tây Yên Tử. Thị xã cũng thúc đẩy kết nối, xúc tiến du lịch tâm linh với 2 địa phương trong tỉnh là TP Uông Bí, TX Quảng Yên. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch nông thôn gắn với NTM kiểu mẫu, như trải nghiệm các khu vườn đồi kiểu mẫu ở vùng trồng na, bưởi, hoa, xây dựng các điểm check-in, thúc đẩy du lịch làng quê Yên Đức; chuẩn bị sẵn sàng điều kiện đón khách quốc tế…

Thu Trang
Nguồn Báo Quảng Ninh: https://baoquangninh.vn/du-lich-tam-linh-thu-hut-du-khach-3226949.html