Vùng cao Tân Sơn, Thanh Sơn lâu nay không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn ghi dấu ấn độc đáo bởi những nét văn hoá ẩm thực núi rừng đậm đà bản sắc dân tộc. Ẩm thực nơi đây thể hiện rõ quan niệm nhân sinh, tập tục sinh hoạt với những nét tinh tế riêng mang lại cho du khách những trải nghiệm mới lại, đáng nhớ.
Xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thanh Sơn.
Ẩm thực từ lâu được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong phát triển thương hiệu du lịch và nét đặc sắc riêng níu chân du khách mỗi khi đến tham quan, khám phá tại các điểm du lịch cộng đồng. Xác định vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch, những năm qua, tại các điểm du lịch cộng đồng vùng cao Thanh Sơn, Tân Sơn luôn chú trọng phát triển ẩm thực mang bản sắc văn hoá địa phương, hướng tới xây dựng ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng miền.
Về Thanh Sơn, Tân Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm “phong cách” ẩm thực gắn với nếp sinh hoạt “Cơm xôi, nước vác, nhà gác, lợn thui” của đồng bào dân tộc Mường, Dao như: Thịt chua ống nứa, gà nhiều cựa, lợn mán thả đồi, vịt – cá suối nướng, xôi ngũ sắc, canh loóng chuối, rêu đá,… Mùa nào, thức đấy, ẩm thực vùng cao Đất Tổ mang đậm màu sắc và phong vị truyền thống được đồng bào dân tộc thiểu số chế biến bằng nguyên liệu tự nhiên kết hợp với các gia vị như hạt dổi, mắc khén, ớt, các loại lá thơm tạo cho món ăn sắc màu, tươi ngon, hấp dẫn và lôi cuốn thực khách. Chị Trần Nhật Thu, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mâm cỗ lá của người Mường huyện Tân Sơn là một trong món ăn độc đáo của ẩm thực Đất Tổ mà tôi đặc biệt ấn tượng. Khi đến điểm du lịch cộng đồng Xuân Sơn, tôi cùng gia đình đã chọn đặt set cỗ này để thưởng thức. Đồng bào Mường nơi đây quan niệm, món ăn đẹp mắt được bày biện trên mặt lá chuối mang ý nghĩa tâm linh – trời đất giao hòa và thể hiện lòng biết ơn của người Mường với đất, trời, rừng núi. Không chỉ được thưởng thức ẩm thực, khi đến thăm thú tại các homestay Xuân Sơn, tôi còn được hiểu thêm về phong tục, tập quán, sinh hoạt, bản sắc và những cách chế biến món ăn rất riêng của đồng bào nơi đây. Với tôi đây là trải nghiệm rất thú vị và ý nghĩa”.
Mâm cỗ lá độc đáo.
Chị Hà Thị Hiển – Chủ Homestay Hà Hiển (xã Long Cốc, huyện Thanh Sơn) chia sẻ: “Những năm gần đây, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực địa phương. Bằng các cách thức chế biến “gia truyền” của người dân bản địa, chúng tôi tin rằng những sản vật quê hương sẽ để lại ấn tượng khó quên cho du khách, từ đó góp phần thu hút khách du lịch đến với những bản xa của tỉnh”.
Văn hóa ẩm thực dân tộc – nét đặc sắc trong phát triển du lịch ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, góp phần giữ gìn và quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách khi đến miền đất Trung du Phú Thọ.