Các công trình phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.
Trả lời Báo Điện tử Trí Thức Trẻ, các học giả quốc tế đều chỉ ra rằng, các yêu sách ở Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra đều không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc muốn thiết lập một “thường thái mới”
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển, Đại học Philippines nhận định, dựa vào vị trí và thời gian diễn ra, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam có tính chất nghiêm trọng và hung hăng hơn cách đây 4 năm, khi Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Sự việc này đang công khai thách thức và coi thường quyền lợi của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế, thể hiện sự không tôn trọng quyền hạn của Việt Nam ở EEZ và thềm lục địa được quy định bởi Tòa trọng tài. Nó là bước đi nguy hiểm mới mà Trung Quốc tiến hành để tiếp tục yêu sách chủ quyền ngang ngược ở Biển Đông, xung quanh Đường 9 đoạn mà nước này tự đưa ra, chuyên gia người Philippines nói thêm.
Ông Batongbacal cũng cho rằng, việc Trung Quốc rút rồi lại điều tàu khảo sát trở lại vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy nước này đang muốn cố gắng áp đặt ý muốn và tuyên bố chủ quyền phi lý của mình lên tất cả các quốc gia duyên hải khác ở Biển Đông.
Cái gọi là “thường thái mới” (new normal) mà nước này muốn đưa ra không phải chỉ là hoạt động tiến hành khai thác dầu khí (vì những hoạt động này diễn ra ở nhiều nơi trên Biển Đông) mà còn là cưỡng ép các nước Đông Nam Á phải chấp nhận việc Trung Quốc có thể đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí ở bất cứ vị trí nào nước này yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 2006 (phải) và hiện trạng sau khi Trung Quốc cải tạo trái phép vào năm 2015 (trái).
Đồng tình với ý kiến này, ông Josh Kurlantzick, nghiên cứu viên cao cấp về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR), Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra “thường thái mới” rằng họ có thể ngang nhiên điều tàu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Hiện tại, Trung Quốc đã tạo ra các “thường thái mới” với việc cải tạo trái phép các đảo và quân sự hóa ở Biển Đông. Vì vậy, có lý do để cho rằng, họ sẽ tiếp tục cách này ở vùng EEZ của nước khác.
“Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ ngừng các hoạt động của mình. Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi chiến lược của họ ở Biển Đông”, chuyên gia người Mỹ nhấn mạnh.
Ngoài việc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, tình trạng tương tự cũng diễn ra ở vùng biển của Malaysia, nơi Bắc Kinh điều các tàu hải cảnh để chặn đường và quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia hồi tháng 7.
Về mức độ nghiêm trọng của sự việc này, ông Batongbacal cho hay, hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 đến giờ nhằm mục đích ép buộc các quốc gia duyên hải nhỏ hơn từ bỏ các dự án phát triển dầu khí nếu không có sự đồng ý hoặc tham gia của Trung Quốc và buộc phải chập nhận các thỏa thuận hợp tác phát triển chung với Trung Quốc. Điều này sẽ làm hạn chế tự do phát triển tài nguyên của các nước tại các khu vực mà các nước có quyền chủ quyền một cách hợp pháp theo luật quốc tế.
Từ Đường 9 đoạn đến Tứ Sa
Tiến sỹ Takashi Hosoda, Đại học Charles, Prague (CH Séc) và nghiên cứu viên của Trung tâm Chính sách đối ngoại Tokyo lưu ý đến thực tế là trong suốt thời gian nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động phi pháp trong vùng EEZ của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép để luân phiên điều các tàu của mình. Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở cảng, đường băng, một số loại radar, phương tiện liên lạc, hải đăng, doanh trại với súng hải quân và các cơ sở cho tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm trên 7 đảo nhân tạo này. Đây là một trong những cơ sở khiến Trung Quốc cư xử ngày càng ngang ngược ở Biển Đông.
Tàu Hải dương địa chấn 8 hoạt động phi pháp trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.
Vào ngày 19/8, hai tháng sau khi vụ việc xảy ra, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố tại cuộc họp báo rằng, Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Sa (thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước liền kề, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa Và Trường Sa theo luật pháp quốc tế.
Về hành vi vi phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, chúng tôi đã nói rõ nhiều lần: Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
Tuy nhiên, không thể tìm thấy bất kỳ lý lẽ hay cơ sở nào biện minh cho các hành động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc trắng trợn tuyên bố 90% khu vực Biển Đông là lãnh thổ của mình, đưa ra cái gọi là “Đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, mặc dù họ chưa từng cung cấp được cho cộng đồng quốc tế một định nghĩa và chi tiết chính xác về vị trí của đường này.
Trên thực tế, khu vực mà tàu Trung Quốc xâm phạm nằm trọn vẹn trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, tức là hoàn toàn thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà chính Trung Quốc cũng đã ký kết.
Sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách Đường 9 đoạn, Trung Quốc bắt đầu đưa ra yêu sách Tứ Sa. Yêu sách này biến 4 đảo ở Biển Đông gồm Đông Sa (Pratas, hiện đang do Đài Loan quản lý), Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và Trung Sa (Macclesfield hiện cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền); đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng biển rộng lớn (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này.
Trong khi đó, theo chuyên gia Philippines Batonbacal, bất chấp việc nước này có sử dụng yêu sách Đường 9 đoạn hay Tứ Sa, các yêu sách của Trung Quốc đều là phi lý và quá tham lam. Yêu sách này không có cơ sở pháp lý trong luật pháp quốc tế, ông Batongbacal nhấn mạnh.
Chuyên gia đánh giá cao cách xử lý của Việt Nam
Sự thể hiện sự ủng hộ của các cường quốc như Mỹ, Anh, Đức Pháp… đối với Việt Nam và Malaysia được hoan nghênh và nên được tất cả các quốc gia khác cùng lên tiếng, nhưng quan trọng nhất là các quốc gia Đông Nam Á, những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ tình hình này, ông Batongbacal bình luận.
Việt Nam cần tiếp tục xây dựng một liên minh ngoại giao chống lại các hành động cưỡng ép của Trung Quốc. Cần thuyết phục Malaysia cởi mở hơn trong việc cung cấp thêm thông tin về các sự kiện diễn ra trong EEZ và thềm lục địa của họ, đặc biệt là các hoạt động đơn phương của Trung Quốc. Sau đó, phải thuyết phục ASEAN nhất trí đứng lên chống lại các hành động cưỡng ép đơn phương của Trung Quốc, đặc biệt là khi ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và thuyết phục ASEAN rằng trừ khi họ có lập trường kiên quyết chống lại sự ép buộc này, nếu không, họ sẽ phải chịu những hành động đơn phương tương tự trong tương lai.
“Tôi đánh giá cao những việc làm của Bộ ngoại giao Việt Nam trong việc duy trì các biện pháp đối thoại hòa bình”, Nhà nghiên cứu Hosoda nói.
“Cao ủy đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Federica Mogherini bày tỏ mối quan ngại của EU về ‘căng thẳng gia tăng’ ở Biển Đông ngày 5/8, các nước E3 (Pháp, Đức và Vương quốc Anh) đã cùng nhau công bố một tuyên bố về vấn đề Biển Đông ngày 30/8. Mặc dù không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, những hành động này khá quan trọng trong việc thể hiện rằng, thế giới đứng về phía Việt Nam. Trung Quốc cố gắng làm cho vấn đề này trở thành vấn đề song phương. Vì vậy, chúng ta cần làm cho vấn đề trở nên đa phương và thuyết phục cộng đồng quốc tế chia sẻ những giá trị và chuẩn mực chung như tính thượng tôn pháp luật”, ông Hosoda nói.
Chuyên gia người Nhật Bản cũng cho rằng, trong trường hợp này, rõ ràng là trước khi các bên đạt được các giải pháp hòa bình để giải quyết cho tranh chấp, việc duy trì các cuộc đàm phán ngoại giao là cần thiết để giữ ổn định khu vực.
Chuyên gia người Nhật lưu ý, vừa qua, chính quyền Phúc Kiến và Chiết Giang đã cấm ngư dân địa phương đi câu cá quanh đảo Senkaku sau khi thời hạn cấm đánh bắt cá kết thúc. Điều này cho thấy chính quyền địa phương và chính quyền trung ương rất muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản để chuẩn bị cho khả năng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Tokyo sẽ diễn ra vào mùa xuân năm sau, với mục đích nhằm tránh bị cô lập trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Từ đó, ông cho rằng các nước nên suy nghĩ về cả “củ cà rốt” và “cây gậy” trong mối quan hệ với Trung Quốc cũng như duy trì ổn định khu vực.