Đột phá trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận 345.490 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 (tăng 60.439 hồ sơ so với năm 2021). Đây là thành quả từ sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của các cấp, ngành trong tỉnh.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến.

Nếu như trước đây, muốn giải quyết TTHC, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để xử lý, nhưng nay các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình. Khi sử dụng DVCTT, các tổ chức, cá nhân sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại, nhất là đối với các huyện miền núi. Tuy nhiên, do tâm lý ngại thay đổi thói quen và do trình độ công nghệ thông tin của người dân vẫn còn hạn chế nên những năm trước, tổ chức, công dân vẫn chưa chọn DVCTT để giải quyết TTHC. Để thúc đẩy và tăng số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại và chuyên nghiệp, ngày 16-9-2019, Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa (https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn) được đưa vào vận hành và kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp đó, ngày 1-4-2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường chỉ đạo thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh, từ đó đã huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, số TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 tăng cao so với trước. Chỉ hơn 1 năm sau khi Cổng dịch công tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động và gần 1 năm Chỉ thị số 12/CT-UBND được ban hành, năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 75.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (tăng 51 lần so với năm 2019). Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, để hạn chế tập trung đông người, DVCTT đã phát huy hiệu quả rõ nét khi toàn tỉnh tiếp nhận tới 285.051 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 của tổ chức, cá nhân (tăng 210.051 hồ sơ so với năm 2020). Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nhưng nhờ những tiện ích mà DVCTT mang lại, toàn tỉnh đã tiếp nhận 345.490 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 (tăng 60.439 hồ sơ so với năm 2021).

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp và sử dụng DVCTT. Để khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng DVCTT, trung tâm đã hướng dẫn, hỗ trợ qua tổng đài 0237.3900900 và mạng xã hội facebook, zalo; in tờ rơi, tờ gấp phát cho tổ chức, công dân khi đến giải quyết TTHC trực tiếp tại trung tâm và gửi cho bộ phận “một cửa” cấp huyện để hỗ trợ hướng dẫn, tuyên truyền. Cùng với đó, trung tâm đặc biệt chú trọng phát triển các phần mềm ứng dụng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác. Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát các DVCTT mức độ 3 và 4 để phát hiện các tồn tại, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, khắc phục trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hồ sơ TTHC nộp trực tuyến để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, công dân. Với nhiều giải pháp đồng bộ được thực hiện, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến của trung tâm luôn đứng đầu cả tỉnh. Năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 69.842 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm 49,35% tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết của năm 2022 (tăng 50,49% so với năm 2021).

TP Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả tỉnh về số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến. Có được kết quả này, từ nhiều năm qua, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng liên quan bám nắm tình hình tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính thông qua phần mềm dịch vụ hành chính công, phần mềm phản ánh, kiến nghị để tổng hợp thông tin hằng ngày, giải quyết kịp thời những yếu tố phát sinh. Thành phố cũng công khai kịp thời các TTHC trên cổng thông tin điện tử thành phố và trang thông tin điện tử các phường, xã; đặt đường link liên kết đến Cổng dịch vụ công của tỉnh để tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu và giao dịch hành chính. Công tác hiện đại hóa nền hành chính được quan tâm đầu tư, UBND thành phố đã triển khai bộ phần mềm “một cửa” điện tử cho 34/34 phường, xã, bảo đảm đồng bộ để cung cấp DVCTT đến người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Với nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả thực hiện DVCTT mức độ 3 và 4 của TP Thanh Hóa đạt cả về số lượng, chất lượng và tương đối đồng bộ trên các lĩnh vực, số TTHC không xuất hiện hồ sơ luôn ở mức thấp. Năm 2022, bộ phận “một cửa” UBND TP Thanh Hóa tiếp nhận 7.837 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4; bộ phận “một cửa” UBND các phường, xã tiếp nhận 21.253 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4, vượt kế hoạch tỉnh giao.

Hiện nay, tổng số TTHC đang cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh Thanh Hóa là 910 thủ tục. Tất cả dịch vụ công đã được nhập đường link trên Cổng dịch vụ công quốc gia, được công khai và kết nối với Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, 591 TTHC đã được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Cổng dịch vụ công tỉnh, hệ thống “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến hỗ trợ thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thể thanh toán phí và lệ phí thông qua tài khoản ngân hàng hoặc các ví điện tử, thẻ điện thoại…

Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC qua cổng dịch vụ công không chỉ giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp mà còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và giảm áp lực cho công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” các cấp. Tổ chức, cá nhân không phải tiếp xúc với bất kỳ ai khi thực hiện và có thể thực hiện vào bất cứ thời gian nào, không giới hạn bởi khung giờ hành chính, địa điểm thực hiện. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành rất cần sự tham gia tích cực hơn nữa từ phía tổ chức, công dân để thúc đẩy và tăng số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng DVCTT trong giải quyết TTHC, hướng tới một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và minh bạch.

Bài và ảnh: Thu Vui

Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/dot-pha-trong-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen/179116.htm