Do bận rộn, cha mẹ của bé 7 tuổi đã không phát hiện ra bé có vấn đề về phát triển trí tuệ. Sau một đêm ngủ dậy bé đi lệch người sang một bên, gia đình mới hốt hoảng đưa đi khám.
Chỉ nghĩ con bị thiếu canxi
Đang điều trị tại khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) bé V.Đ.K.Ng (7 tuổi, Hải Dương) là một trường hợp khá đặc biệt.
Theo chia sẻ của chị Đ.T.Th (mẹ bé Ng) bé Ng từ bé đến lớn rất ít khi ốm. Nhưng sau một đêm ngủ dậy bé bị đi lệch người (nghiêng hẳn sang bên phải).
“Vợ chồng tôi đi làm cả ngày bé ở nhà với bà nội, chiều tôi đi làm về mẹ chồng nói con tôi đi có dấu hiệu khác thường. Khi tôi quan sát thấy cháu đi nghiêng hẳn sang bên trái. Tôi đưa cháu tới bệnh viện huyện khám bác sĩ kết luận cháu bị thiếu canxi”, chị Th nói.
Sau khi, uống canxi không thấy con đỡ gia đình chị Th đã đưa bé tới bệnh viện Bạch Mai khám chụp sọ não cháu có dấu hiệu bại não, dây thần kinh trung ương bị ảnh hưởng. Sau điều trị tại Bạch Mai được một thời gian thì bé đi bớt lệch người.
Để giúp con hồi phục chức năng chị Th đã cho con vào Bệnh viện châm cứu Trung ương điều trị.
Bé Ng đang điều trị tại Bệnh viện châm cứu Trung ương.
Chị Th cho biết khi bé Ng (6 tuổi) vẫn đi học bình thường như các bạn. Nhưng đến kỳ 2 của lớp 1 bé bắt đầu viết yếu dần. Chị Ng nghĩ con nhận thức kém vì bố mẹ không có thời gian kèm cặp. Chị không nghĩ bé Ng lại mắc bệnh nặng như vậy.
Phát hiện sớm điều trị hiệu quả
Bác sĩ Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) bại não là tình trạng tổn thương lan tỏa không tiến triển của hệ thần kinh trung ương. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới bại não như do trẻ bị ngạt, chấn thương sọ não, mắc bệnh nhiễm trùng tổn thương não, động kinh, nhiễm trùng thần kinh trung ương…
Bại não có rất nhiều thể khác nhau, từ nhẹ, trung bình, nặng và thể rất nặng. Với trường hợp của bệnh nhi Ng bị bại não thể nhẹ nhưng do bố mẹ không để ý tới các triệu chứng, khi trẻ có triệu chứng rõ ràng mới đưa trẻ đi khám.
Trẻ bị bại não là một loại bệnh và được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu được điều trị phần lớn tình trạng của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.
Theo BSCK I Vũ Thị Vui, Trưởng Khoa Điều trị và chăm sóc Đặc biệt cho trẻ bại não dấu hiệu để nhận ra trẻ bị bại não như rối loạn tâm trí, vận động, ngôn ngữ, hành vi, giác quan. Trẻ có thể đi yếu hoặc không đi được, liệt nửa người, liệt tứ chi, liệt tay… và nhận biết kém hơn so với lứa tuổi.
Trẻ bị bại não không thể khỏi nhưng nếu can thiệp sớm có thể phục hồi đỡ là gánh nặng cho gia đình. Một số trẻ điều trị tại khoa khi đến chưa ngồi được sau một thời gian đã có thể ngồi và đi thậm chí là nói được. Khả năng phục hồi của trẻ phụ thuộc vào việc kiên trì điều trị của gia đình.
Điều trị bại não sẽ tuân thủ theo phác đồ điện châm, thủy châm, bấm huyệt, tập vận động. Nếu các cháu chưa ngồi được sẽ tập ngồi thăng bằng tĩnh và động, tập đứng thăng bằng tĩnh và động. Trẻ sẽ được học nói giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Bác sĩ Vui khuyến cáo: “Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về vận động, trí tuệ, ngôn ngữ… nên đưa trẻ đi khám sớm. Việc điều trị sớm sẽ giúp cho trẻ có cơ hội phục hồi phục và chăm sóc cho bản thân trẻ sau này“.