Dòng họ hiếu học thôn Đại Mão

Thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành được biết đến là một làng quê có nhiều di tích lịch sử cổ kính thâm nghiêm, một vùng đất nhiều gia tộc giàu truyền thống hiếu học.

Nhà thờ Tiến sĩ Lê Doãn Thân – Cụ Tổ hệ thứ 9 dòng họ Lê Doãn làng Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành.

 

Đại Mão xưa còn gọi là Trung thôn (làng Giữa) nằm ở phía Đông Bắc xã Hoài Thượng. Làng nằm trên thế đất tay ngai, hình võng, bên bờ sông Đuống. Xưa trong làng có 12 dòng họ, trong đó họ Lê Doãn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và nhiều phong tục đẹp còn lưu giữ đến ngày nay.
Theo gia phả họ và các tài liệu chữ Hán còn lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Doãn cho biết: họ Lê Doãn là một gia tộc lớn làng Đại Mão có phả hệ dài với nhiều đời hiển đạt, nhiều người làm công thần triều đình. Cụ Thuỷ Tổ họ Lê Doãn đến định cư lập nghiệp tại Đại Mão vào thời vua Lê Uy Mục (1505 – 1509) tính đến nay khoảng hơn 500 năm. Trải qua tám đời, vào năm Kiến Phúc 1 (1883), các cụ mới lập bia phả, đến đời thứ 12 lập phả hệ bằng chữ Hán, sau đó phả hệ được lập tiếp đến đời thứ 14. Năm 2005, dòng họ lại tục biên tiếp gia phả đến đời thứ 19, dịch sang chữ Quốc ngữ và cho in ấn. Đến nay, dòng họ Lê Doãn phát triển được 19 đời gồm 4 chi.
Cũng theo tài liệu bia phả thì tổ tiên họ Lê Doãn học hành đỗ đạt và làm quan cho nhà Lê Trung Hưng (từ thời vua Lê Trang Tông cho đến thời vua Lê Chiêu Thống, trong khoảng thời gian 257 năm) kế tiếp nhau 7 thế hệ với 11 cụ làm quan gồm:
– Cụ Tổ thế hệ thứ 2: Cụ có tên hiệu là Đức Xuyên, đỗ hương cống, làm Sử quan biên lục dưới thời vua Lê Trang Tông (đã được ghi danh ở bia cử nhân tại đình làng).
– Cụ Tổ hệ thứ 3: Cụ có tên thuỵ là Khoan Chính, học vị nho sinh Trúng Thức, làm quan thời vua Lê Trung Tông.
– Cụ Tổ hệ thứ 5: Lê Trung Đạo đỗ cử nhân và làm quan triều vua Lê Thế Tông (đã được ghi danh ở bia cử nhân tại đình làng).
– Cụ Tổ hệ thứ 7: Lê Doãn Chất Lượng đỗ cử nhân, được phong tặng Đông Các đại học sĩ, làm quan dưới triều Lê, sau giữ chức Hàn lâm viện thị giảng.
– Cụ Tổ hệ thứ 8: Lê Doãn Nghi là con trai cả cụ Đông Các, sinh năm Canh Ngọ (1690), học vị Hương cống, làm quan giữ chức Hải Dương đẳng sứ Thừa chính sứ thời vua Dụ Tông, Thuần Tông, Y Tông. Được ấm phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ và được phong tặng Lễ bộ Tả thị lang, tước Tiên Lĩnh hầu (cụ được ghi danh ở bia cử nhân tại đình làng).
– Cụ Tổ hệ thứ 8: Lê Doãn Nghiêu, hiệu Pháp Năng, sinh năm Ất Hợi (1695) là con trai thứ hai cụ Đông Các, đỗ Cử nhân, làm quan trong bộ Hộ, giữ chức Điển bạ (cụ được ghi danh ở bia cử nhân tại đình làng)
– Cụ Tổ hệ thứ 8: Lê Doãn Cẩn Tín, sinh năm Canh Thìn (1700) con trai thứ 3 của cụ Đông Các, đỗ Cử nhân, được bổ làm Tri châu.
–  Cụ Tổ hệ thứ 9: Lê Doãn Giản con trai cả cụ Doãn Nghi, tự là Anh Đặc, sinh năm Ất Mùi (1715), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 4) khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 4 (1743) đời Lê Hiển Tông (khoa thi này lấy đỗ 7 người gồm: 1 Thám hoa, 1 Tiến sĩ xuất thân và 5 đồng Tiến sĩ xuất thân), được triều đình khắc bia ghi danh ở Quốc Tử Giám và Văn Miếu Bắc Ninh. Ông làm quan thời vua Lê Hiển Tông giữ chức Công bộ Hữu thị lang, Hoành Sơn Nam Thừa chính sứ. Gia thăng Hình bộ Tả thị lang. Phong tặng Hộ bộ Tả thị lang. Phong tước là Đại Nam hầu, phong hàm là Hiển Cung đại phu.
– Cụ Tổ hệ thứ 9: Lê Doãn Thân con trai thứ 2 cụ Lê Doãn Nghi, em trai Lê Doãn Giản, tên tự là Bất Khuất, sinh năm Canh Tý (1720). Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) thời vua Lê Hiển Tông, ông giữ chức Nghệ An đẳng sứ Tán trị thừa chính sứ. Sau chuyển đi Khâm Sai, Lạng Sơn trấn đốc trấn, phong tặng Công bộ Hữu thị lang. Ấm phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. Phong tước Tứ Xuyên hầu.
– Cụ Tổ hệ thứ 10: Lê Doãn Quýnh thường gọi là Lê Quýnh con trai Tiến sĩ Lê Doãn Giản sinh năm Canh Ngọ (1750), năm 1771, ông làm quan dưới thời vua Lê Cảnh Hưng.
– Cụ Tổ hệ thứ 10: Lê Doãn Trị con trai thứ 5 của Tiến sĩ Lê Doãn Thân, là em con chú ruột của cụ Lê Quýnh, tự là Trung Trực, hiệu là Ôn Nhã cụ sinh năm 1758 cùng với cụ Lê Quýnh là anh thúc bá làm quan dưới triều Lê Mạt, cụ được phong tước là Siêu Lĩnh bá, sau có công sang phủ Nam Ninh đưa cung quyến nhà vua về dự lễ đăng quang tại Thăng Long vào năm Mậu Thân, niên hiệu Chiêu Thống năm thứ 2 (1788) nên cụ được phong là Siêu Lĩnh hầu.
Di sản văn hóa về truyền thống hiếu học khoa bảng họ Lê Doãn để lại cho hậu thế là ngôi nhà thờ họ Lê Doãn, nhà thờ Tiến sĩ Lê Doãn Thân với hệ thống gia phả, hoành phi, câu đối, bia đá… có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn được lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Doãn.
Theo khẩu truyền và dấu tích còn lại cho biết, nhà thờ được xây dựng từ thời cụ Lê Doãn Nghi khoảng năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744) đến năm Canh Ngọ (1750) hoàn thành, trùng tu sửa chữa vào thời Nguyễn. Năm 2019, nhà thờ được tu bổ lớn, kiến trúc hình chữ Nhị, bao gồm: Tiền tế và Hậu đường. Tiền tế 5 gian, xây bít đốc hai hồi, phía sau không xây tường để thông với tòa Hậu đường. Phía trước là hai cột đồng trụ, cửa mở 3 gian giữa, hai gian bên trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn. Bộ khung được làm bằng chất liệu gỗ, vì kiểu kẻ truyền, hạ bẩy bào trơn đóng bén đơn giản. Tại đây còn lưu giữ bức Đại tự cổ “Gia thanh cửu” (nhà có tiếng từ lâu),“Tinh trung tráng liệt” (sáng tỏ lòng trung thành ý chí bất khuất). Hậu đường 5 gian, kiến trúc bình đầu bít đốc, hai gian bên trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn. Bộ khung bằng gỗ kết cấu tương tự tòa Tiền tế. Tại gian giữa treo bức hoành phi “Trung hiếu truyền gia” (truyền thống gia đình là trung hiếu), niên đại thời vua Duy Tân (1916); “Quang tiền thùy hậu” (sáng đời trước, rạng đời sau), niên đại năm Ất Mão (1915); “Thế trạch trường” (ơn tiên tổ dài lâu) và nhiều câu đối khác… Đặc biệt là bức “Gia giáo ngâm” (bài ca dạy con cháu trong nhà) được viết vào khoảng thế kỷ XIX, là một bản tộc ước ra đời rất sớm, quy định lẽ sống cho con cháu phải biết tránh những tệ nạn như mê tín, cờ bạc, rượu chè… phải biết làm những điều hay, lẽ phải, sống giản dị.
Tại nhà thờ họ, hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng, tổ chức ngày Xuân tế tổ để những người con của dòng họ đang làm ăn sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc về tụ hội để tưởng nhớ tổ tiên và tổng kết một năm hoạt động. Và vào ngày 2-9 hàng năm, dòng họ tổ chức trao thưởng cho các cháu đỗ đạt trong kỳ thi Đại học, Cao đẳng và ngày 1-6 tổ chức trao thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập của dòng họ tại nhà thờ.
Di tích nhà thờ họ Lê Doãn đến nay vẫn giữ vai trò là nơi thờ các bậc tiên tổ, nơi giáo dục truyền thống khoa bảng của một dòng họ tiêu biểu và là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của gia tộc họ Lê Doãn nói riêng và quê hương Hoài Thượng nói chung. Đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp để người dân Đại Mão tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

An Ngọc
 Bảo tàng Bắc Ninh

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-bac-ninh-xua-va-nay/-/details/20182/dong-ho-hieu-hoc-thon-ai-mao