Tính đến hôm qua 28/3, toàn tỉnh Bắc Giang chỉ có 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đủ điều kiện hoạt động.
Số còn lại, 456 cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn phải đóng cửa để cải tạo, sửa chữa; thậm chí có điểm phải đóng cửa vĩnh viễn. Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giờ phải tiếp tục đóng cửa khiến nhiều chủ cơ sở đứng trên bờ phá sản.
Trong số danh sách 7 cơ sở được phép kinh doanh karaoke, gồm: Huyện Việt Yên 5 (karaoke Bảo Ngọc III, thôn Đanh, xã Minh Đức; karaoke Hồng Anh, xã Thượng Lan; karaoke G8 Group và V10, V11 Group, cùng ở tổ dân phố Ninh Khánh, thị trấn Nếnh; huyện Yên Dũng 1 (karaoke Sky KTV, xã Nội Hoàng); huyện Hiệp Hòa 1 (karaoke Góc phố, thị trấn Bắc Lý); đáng chú ý, thành phố Bắc Giang không có cơ sở nào.
Việc thông báo công khai tên các điểm được phép và không được phép kinh doanh karaoke là động thái cần thiết của các cơ quan chức năng. Và theo đó, đồng nghĩa với việc, người dân tới hát hay các cơ sở buộc phải đóng cửa vẫn mở cửa cho khách vào hát là vi phạm, phải xử lý hành chính.
Thực tế, thời gian qua, công an các huyện, thành phố liên tục lập biên bản và kiến nghị xử phạt các cơ sở kinh doanh karaoke có khách hát trong khi phải tạm dừng, số tiền nơi lỗi nhẹ vài triệu, lỗi nặng lên tới hàng chục triệu đồng.
Việc cả tỉnh chỉ có 7 cơ sở đủ điều kiện mở phòng hát kéo theo hàng loạt hệ lụy. Nhu cầu hát của người dân luôn có, hát “chui” thì bị xử phạt; hát thoải mái thì ảnh hưởng tới người xung quanh. Đương nhiên, nhà dân, quán cafe, đám cưới… đều thành nơi mở cửa tự do, không cách âm, hát thoải mái, bất kể thời gian. Đặc biệt, với việc đình chỉ hàng trăm cơ sở kinh doanh karaoke khiến các chủ quán kiệt quệ kinh tế, hàng nghìn lao động phổ thông bị ảnh hưởng.
Được biết, để đầu tư một phòng hát karaoke, các chủ cơ sở kinh doanh phải bỏ ra vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Nếu là cơ sở lớn với hơn chục phòng hát thì số vốn có thể lên tới hàng chục tỷ đồng; chưa kể tiền thuê mặt bằng, phải vay lãi để kinh doanh… Trong khi, dù không hoạt động, các chủ cơ sở vẫn phải duy tu, bảo dưỡng với số tiền không nhỏ, nếu không muốn sau này máy móc, thiết bị điện tử đắp chiếu bỏ đấy, thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Vẫn biết, việc tạm dừng các cơ sở kinh doanh karaoke là cần thiết khi chưa đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy song dư luận cũng băn khoăn bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, khi được cấp phép hoạt động đều có sự quản lý, giám sát và cho phép của các cơ quan chức năng. Vậy sau đợt tổng kiểm tra, rà soát, cả tỉnh chỉ mới có 7/463 cơ sở đủ điều kiện, rất khó cho chủ cơ sở. Có nơi có thể cải tạo lại được song cũng có cơ sở không thể cải tạo được, tiền của xem như “đắp chiếu” bỏ đấy.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan chức năng đã rõ, vấn đề cần thực hiện rốt ráo để vừa gỡ khó cho các cơ sở kinh doanh loại hình này lành mạnh, đúng luật, vừa bảo đảm an toàn cháy nổ, phục vụ nhu cầu giải trí chính đáng của người dân.
Bảo Châu
Nguồn Báo Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bg/theo-dong-su-kien/401923/dong-hay-mo-cac-co-so-kinh-doanh-karaoke-.html