Đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện Mường La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân

Cán bộ thị trấn Ít Ong, huyện Mường La tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh khu chuồng trại chăn nuôi.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mường La phát sinh 5 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các xã: Chiềng San, Nặm Păm, Pi Toong, Ngọc Chiến và thị trấn Ít Ong, với 350 con lợn mắc bệnh bị tiêu hủy. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh và nhóm zalo tới các hộ chăn nuôi về thông tin, tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển vật nuôi bị bệnh, bị chết; không giết mổ, tiêu thụ; không vứt ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho vật nuôi ăn).

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng, chống, khoanh vùng dập dịch, tiến hành kiểm tra tiêu hủy lợn mắc bệnh bị ốm, chết trong vùng dịch; hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời theo quy định phòng, chống khi có dịch xảy ra. Phân bổ, cấp 279 lít hóa chất và 1.080 kg vôi bột cho các hộ dân chủ động khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tránh để lây lan diện rộng. Đến nay, 5 xã, thị trấn đã đủ điều kiện và được UBND huyện công bố hết dịch. Cùng với đó, huyện đang tổ chức rà soát, thống kê để hỗ trợ người dân thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc là một trong những biện pháp chủ động, hữu hiệu để phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững. Để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, trên các hội, nhóm trên mạng xã hội của các đoàn thể, bản, tiểu khu để người chăn nuôi nâng cao nhận thức, chủ động đăng ký sớm việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi từng gia đình.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác rà soát tổng đàn, thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc cho 100% gia súc theo Nghị quyết 89/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, gồm: Vắc xin phòng bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng lợn… theo quy định. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tiêm đồng loạt trên phạm vi toàn huyện, trong thời gian 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8. Ngoài các đợt tiêm phòng chính, sẽ thực hiện tiêm vét và bổ sung liên tục cho gia súc chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm phòng chính. Đồng thời, huyện đã vận động nhân dân tham gia xã hội hóa tiêm viêm da nổi cục trâu bò vào tháng 3, 4 trong năm.

Tại các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ thường xuyên xuống kiểm tra, giám sát đội ngũ thú y thực hiện quy trình kỹ thuật tiêm phòng, kịp thời nắm bắt và khắc phục sai sót trong thực hiện tiêm phòng. Đến nay, công tác tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt trên 80%. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi, phun hơn 1.300 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại 15 xã, thị trấn.

Xã Mường Bú có số lượng đàn gia súc lớn với trên 4.700 con, chăn nuôi theo hình thức gia trại, quy mô từ 10-20 con/hộ. Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Mường Bú, thông tin: Xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản hướng dẫn nhân dân làm chuồng trại bảo đảm điều kiện chăn nuôi, chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh khu chuồng trại chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, các hộ chăn nuôi đã triển khai tiêm 920 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò theo hình thức xã hội hóa. Nhờ chủ động các biện pháp phòng bệnh, đàn gia súc luôn phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, với tình trạng chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, phân tán; cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế, người chăn nuôi thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh, còn  có tâm lý giấu dịch nên công tác tiêu hủy theo quy định khó khăn; bên cạnh đó huyện chưa có khu giết mổ tập trung, lợn được nhập từ nhiều nguồn, việc xác định nguồn gốc lợn rất khó khăn.

Ông Cầm Văn Bưởng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Huyện Mường La hiện có hơn 138 nghìn con gia súc. Nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con, các cơ quan chuyên môn đang đẩy mạnh hướng dẫn và vận động các hộ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại; phun khử trùng tiêu độc, vệ sinh thú y; bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải giúp đàn gia súc tăng sức đề kháng, hạn chế phát sinh dịch bệnh, đồng thời báo cáo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Đôn đốc thú y các xã, thị trấn vận động các hộ chăn nuôi đăng ký tiêm vắc xin viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, dịch tả lợn châu Phi theo hình thức xã hội hóa. Đẩy mạnh kiểm soát, không để dịch bệnh tái phát, lây lan, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Thủy Ngân
Nguồn Báo Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/dong-bo-cac-bien-phap-phong-chong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-ro65Wx6SR.html