(Tổ Quốc) – Những cuộc họp khẩn liên tục được tổ chức bất kể đêm tối, hàng hoá được cung ứng kịp thời đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, những người tiếp xúc trực tiếp/ gián tiếp với ca nhiễm COVID-19 đã được tìm ra và cách ly,… Việt Nam đã triển khai rất nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả nhiều biện pháp sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 17.
Tối 6/3, dư luận không khỏi lo lắng trước thông tin Việt Nam phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 17, là 1 công dân Hà Nội về nước sau chuyến du lịch tại châu Âu.
Không thể phủ nhận sự hoang mang của người dân trước thông tin này. Thế nhưng một điều rõ ràng mà ai cũng có thể nhìn thấy đó chính là: Sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt và toàn diện của các cơ quan quản lý.
Khoanh vùng, lập tức rà soát được ngay những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19
Vào đêm qua khi người dân xôn xao lo lắng, một cuộc họp khẩn đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội triệu tập lúc 22h đêm, yêu cầu rà soát, đưa ra biện pháp và phương hướng xử lý để khống chế lây lan dịch bệnh.
Cũng ngay trong đêm, những người có tiếp xúc gần, tiếp xúc xa với bệnh nhân số 17 đã được đơn vị chức năng tìm ra và có biện pháp cách ly khẩn cấp. Đó là toàn bộ cư dân từ số nhà 125-139 phố Trúc Bạch, là các nhân viên y tế Bệnh viện Hồng Ngọc – nơi khám ban đầu cho bệnh nhân, đó còn là phi hành đoàn, những người liên quan đến chuyến bay và những hành khách ngồi cùng chuyến bay VN0054, hạng C với bệnh nhân từ châu Âu về Việt Nam từ nhiều ngày trước.
Không những thế, những người tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân (tiếp xúc qua người có khả năng lây nhiễm F2) cũng nhanh chóng được rà soát và đưa vào diện theo dõi y tế.
Cuộc họp khẩn của UBND thành phố Hà Nội đêm 6/3.
Tuyến phố Trúc Bạch được cách ly vào đêm 6/3…
… và được phun thuốc khử trùng vào sáng 7/3.
Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị tăng cường nguồn cung cấp hàng hóa cho Hà Nội
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương thành phố Hà Nội, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Chưa đầy 24 giờ, Hà Nội tổ chức 3 cuộc họp để ứng phó COVID-19
Từ 15h ngày 6/3 đến 9h30 ngày 7/3, chưa đầy 24h, Hà Nội đã có liên tục 3 cuộc họp để thảo luận các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể vào lúc 15h ngày 6/3, UBND Hà Nội đã mở cuộc họp về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Ngay sau đó đến 22h, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội triệu tập họp khẩn, xác nhận có ca bệnh đầu tiên nhiễm COVID-19 trên địa bàn (và là ca thứ 17 ở Việt Nam).
Tiếp tục đến 9h30 hôm nay (7/3), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội lại nhóm họp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Đây là phiên họp đột xuất thứ 2 để nghe lại kết quả vào cuộc của các đơn vị phân công nhiệm vụ từ cuộc họp đêm 6/3.
Bí thư Vương Đình Huệ trong cuộc họp sáng 7/3.
Lập tức cho học sinh nghỉ học
Bên cạnh các biện pháp y tế đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân, những biện pháp khác nhằm phòng chống lây lan trong cộng đồng cũng đã được các đơn vị chức năng tính toán kỹ càng và nhanh chóng.
Đáng chú ý, giữa tình hình dịch bệnh, UBND TP Hà Nội đã quyết định cho học sinh toàn thành phố từ Mầm non đến THPT tiếp tục nghỉ học.
Đồng thời để đảm bảo tiến độ học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức dạy trên truyền hình.
“Trong hôm nay và ngày mai, việc ghi hình, biên tập nội dung bài học sẽ được thực hiện, đặc biệt chuẩn bị cho các lớp cuối cấp 9 và 12 học kiến thức mới. Chúng tôi sẽ phát sóng từ ngày 9/3“, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.
Học sinh Hà Nội tiếp tục nghỉ học giữa tình hình dịch bệnh.
Dừng tất cả đoàn công tác nước ngoài, hội họp không cần thiết
Trong cuộc họp sáng 7/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: Thành phố tạm dừng tất cả các đoàn công tác nước ngoài; các hoạt động, hội họp không cần thiết thì hoãn không triển khai để tập trung cho công tác phòng chống dịch và hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Bí thư Thành ủy đặc biệt nhắc nhở tránh việc chỉ tập trung giải quyết trường hợp này mà để sót những trường hợp không khai báo khác bởi những trường hợp tương tự như bệnh nhân N. có thể không ít…
Lưu ý việc cần tích cực tập trung phòng chống dịch đồng hành cùng với phát triển kinh tế xã hội, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Hoạt động của toàn TP vẫn diễn ra bình thường. Hà Nội vẫn là điểm đến an toàn. Du khách hoàn toàn có thể yên tâm khi đến thăm“…
Trấn an tinh thần người dân: Bình tĩnh nhưng không lơ là!
Trong những cuộc họp thảo luận phương án đối phó với dịch bệnh, một trong những điều luôn được các lãnh đạo nhấn mạnh đó là kêu gọi người dân Thủ Đô phải bình tĩnh, không được có tâm lý hoang mang, đồng thời cảnh giác trước những thông tin thất thiệt gây hiểu sai về tình hình dịch bệnh.
Trong cuộc họp đêm 6/3, ngay sau khi công bố ca COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã kêu gọi người dân phải bình tĩnh.
Chủ tịch Chung nói: “Thông qua việc này, tôi kêu gọi người dân Thủ Đô bình tĩnh, nhưng vẫn không lơ là. Chúng tôi mong mọi người nhận thức được nguy cơ lây nhiễm, hiểu đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Nếu có ai ở nước ngoài về thì phải tự cách ly, thông báo cho cơ quan y tế, tránh kéo dài mất thời gian vàng cách ly kiểm soát dịch.
Mọi thông tin liên quan đến Covid-19 sẽ được công khai, minh bạch để toàn bộ người dân Thủ đô nắm được, trên cơ sở đó bình tĩnh xử lý các vấn đề“.
Đồng thời, cũng trong cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã động viên, nhắn nhủ thêm: “Chúng ta tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh, không quá hoang mang, lo lắng“.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: VNExpress
Bên cạnh các biện pháp y tế, tâm lý bình tĩnh, ổn định và sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc của người dân chính là điều quan trọng nhất để các đơn vị chức năng khống chế nhanh chóng, toàn diện dịch bệnh.
Mọi giải pháp đã được các Bộ, Ban, ngành đưa ra hành động quyết liệt và công khai, việc cần thiết nhất mà mọi người dân cần làm ở thời điểm hiện tại chính là đừng hoang mang, hãy sinh hoạt bình thường và phòng dịch đúng cách, đó chính là cách để góp phần dập dịch một cách hiệu quả.
Vụ trưởng truyền thông Bộ Y tế đã chia sẻ đến cộng đồng bộ 6 quy tắc vàng để chiến thắng COVID – 19:
1. ĐỪNG CỐ GẮNG TÍCH TRỮ ĐỒ ĂN, đừng khiến mọi siêu thị đều trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và lây lan bệnh cho nhau… nhanh nhất. Nếu tất cả bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua thực phẩm gần nhà và mua đủ dùng, thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu, gọi online cũng được, và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát.
Những nhà bị cách ly sẽ được hỗ trợ. Vì thế, xin đừng cố tìm cách thoát cách ly!
2. HẠN CHẾ TỚI NƠI ĐÔNG NGƯỜI, RỬA TAY RỬA TAY VÀ RỬA TAY!
3. TỰ CHĂM SÓC NÂNG CAO SỨC ĐỀ KHÁNG CỦA BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH!
4. THEO DÕI LUỒNG TIN CHÍNH THỐNG, TRÁNH HOANG MANG!
5. TIN Ở Y TẾ VÀ CƠ QUAN CHỨC NĂNG, TẠO NIỀM TIN VÀ ĐỘNG LỰC CHO NGÀNH Y TẾ, BỘ ĐỘI,…. CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ.
6. VẮC XIN HIỆU QUẢ NHẤT LÚC NÀY LÀ Ý THỨC, TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH.
Thục Hạnh, theo Trí Thức Trẻ