Các cầu thủ trẻ đã làm nên những điều đặc biệt ấn tượng trong mùa giải 2018/19.
(Các cầu thủ trong đội hình dưới đây sinh sau tháng 9/1997, vẫn chưa bước sang tuổi 21 khi mùa giải 2018/19 khởi tranh)
THỦ MÔN: GIANLUIGI DONNARUMMA – AC MILAN (25/02/1999)
Mới 20 tuổi, Donnarumma đã là sự lựa chọn số 1 cho khung gỗ của đội bóng hàng đầu lịch sử bóng đá AC Milan được vài mùa giải. Sau khi Buffon chia tay ĐTQG, Donna cũng là người kế thừa vị trí trấn giữ khung thành danh giá của đội tuyển Italia.
Phong độ cao cùng những pha phản xạ xuất thần của Gigio là tiền đề cho giai đoạn thăng hoa hồi giữa mùa giải của Rossoneri. Dù vẫn còn phải cải thiện những tình huống ra vào và khả năng làm chủ không gian trong các pha bóng bổng, Donnarumma vẫn còn rất trẻ và tương lai vẫn rất rộng mở đối với chàng trai đến từ Naples.
TRUNG VỆ: MATTHIJS DE LIGT – AJAX AMSTERDAM (12/8/1999)
Một gã trai trẻ măng, đá trung vệ, đeo băng đội trưởng và đẹp trai như một chàng bạch mã hoàng tử. Những miêu tả trên hoàn toàn trùng khớp với huyền thoại Alessandro Nesta hồi mới bắt đầu sự nghiệp tại Lazio. De Ligt hoàn toàn có đủ khả năng để trở nên vĩ đại như Nesta đã từng.
Ở một vị trí đòi hỏi kinh nghiệm thi đấu dạn dày, de Ligt khiến tất cả phải kinh ngạc. 17 tuổi, de Ligt đá chính chung kết Europa League. 19 tuổi anh đã là thủ lĩnh của Ajax Amsterdam vào đến Bán kết Champions League, khiến những sát thủ khét tiếng như Benzema hay Ronaldo phải ôm hận.
Giờ đây, chuẩn bị bước sang tuổi 20, de Ligt sẽ đứng trước quyết định có thể là quan trọng nhất cuộc đời : đưa ra lựa chọn giữa những đội bóng đang xếp hàng muốn có mình.
TRUNG VỆ: IBRAHIMA KONATE – RB LEIPZIG (25/05/1999)
Hãy hỏi Robert Lewandowski để biết Konate khó nhằn ra sao. Trung vệ người Pháp khiến trung phong thuộc hàng hay nhất thế giới trong gần 10 năm trở lại đây hoàn toàn “tắt điện” trong trận đấu gần nhất giữa Bayern và Leipzig.
Trái với de Ligt, Konate là một trung vệ dập điển hình với trung bình 3,6 lần không chiến thành công và 4,3 pha phá bóng mỗi trận.
Konate hiện tại là trung vệ U21 được trang web uy tín về chuyển nhượng transfermarkt định giá cao thứ 2 thế giới (30 triệu Euro), chỉ sau Matthijs de Ligt (75 triệu Euro).
HẬU VỆ TRÁI: ACHRAF HAKIMI – BORUSSIA DORTMUND (4/11/1998)
Hakimi là một cầu thủ đa năng. Mùa này, anh ra sân 8 trận ở vị trí hậu vệ phải và 18 trận xuất phát ở phía hành lang đối diện, và đá ở đâu Hakimi cũng hay cả.
Khác với Trent-Alexander Arnold cực hay ở những pha tạt bóng và những đường chuyền ở cự ly trung bình, Hakimi lại giỏi rê bóng, di chuyển không bóng và phối hợp 1-2. Ảnh hưởng của Hakimi lên khu vực khoảng không giữa trung vệ và hậu vệ cánh của đối phương là một nét đột phá trong cách tấn công của Dortmund mùa giải năm nay.
Hợp đồng cho mượn giữa Hakimi và Die Borussen còn thời hạn đến tháng 6/2020, và đang có nhiều thông tin cho rằng Real Madrid sẽ đưa anh về Bernanbeu trước thời hạn như một phần trong cuộc đại cách mạng mùa Hè này.
HẬU VỆ PHẢI: TRENT-ALEXANDER ARNOLD – LIVERPOOL (7/10/1998)
Không ai xứng đáng hơn cầu thủ của Liverpool ở vị trí này. 20 tuổi, Trent đã chiếm một vị trí thường trực bên hành lang cánh phải của đội bóng thuở ấu thơ.
Do từng đá tiền vệ ở đội trẻ, hậu vệ mang áo số 66 đặc biệt mạnh ở khả năng chuyền bóng. 1,7 đường chuyền mở ra cơ hội, 78% đường chuyền thành công và đặc biệt là 12 kiến tạo – cao nhất lịch sử Premier League dành cho một hậu vệ là những con số không biết nói dối.
Để chiến thắng Tottenham và đem về Anfield chức vô địch Champions League đầu tiên sau 14 năm, Liverpool sẽ rất cần Arnold.
TIỀN VỆ PHÒNG NGỰ: DECLAN RICE – WEST HAM (14/01/1999)
Không phải ngẫu nhiên mà Chelsea thải loại Declan Rice hồi năm 14 tuổi. Rice đơn giản là không đủ ổn định để đá trung vệ.
Tuy nhiên, mùa này, vị trí tiền vệ phòng ngự đã đưa sự nghiệp của Rice cất cánh. Tại CLB, anh thi đấu tổng cộng 3005 phút, chỉ sau tiền vệ Felipe Anderson và thủ môn Lukasz Fabianski. Điểm mạnh của Rice là những tình huống không chiến, nền tảng thể lực vô hạn cùng những pha tắc bóng thông minh.
Rice đã có màn ra mắt Tam Sư hồi đầu năm và có tên trong danh sách sơ bộ của đội tuyển Anh chuẩn bị cho các trận đấu sắp tới tại Nation’s League – những phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho sự tiến bộ trong suốt năm vừa qua của tiền vệ gốc Ireland.
TIỀN VỆ TRUNG TÂM: HOUSSEM AOUAR – LYON (30/06/1998)
Houssem Aouar đã là sự lựa chọn hàng đầu của Lyon ở hàng tiền vệ từ mùa giải trước. Mùa này, tiền vệ gốc Algerie tiếp tục cho thấy tiềm năng to lớn với những màn trình diễn xuất sắc, đặc biệt là ở trận hòa 0-0 trước Barcelona tại Champions League.
Thi đấu ở vị trí đòi hỏi nhiều kỹ năng, Aouar không chỉ hỗ trợ tấn công tốt mà còn đóng góp rất tích cực trên mặt trận phòng ngự. Tài năng của Aouar hoàn toàn xứng đáng với chiếc áo số 8 mà Corentin Tolisso để lại. Bất cứ đội bóng nào muốn có anh sẽ phải chồng ít nhất 40 triệu Euro lên bàn đàm phán để thuyết phục vị chủ tịch khó tính Jean-Michel Aulas.
TIỀN VỆ TRUNG TÂM: KAI HAVERTZ – BAYER LEVERKUSEN (11/06/1999)
Havertz chuẩn bị cán mốc 100 trận trong sự nghiệp, con số đáng mơ ước với bất kỳ một cầu thủ U20 nào. Ở độ tuổi mà các cầu thủ vẫn còn phải ngồi dự bị hoặc cho đi mượn tại những hạng đấu thấp hơn để tích lũy kinh nghiệm, Tiểu Ballack đã là trụ cột của Leverkusen trong 3 mùa gần đây.
Mùa này, Havertz đã ghi được tới 16 bàn tại Bundesliga (đứng thứ 4 giải đấu) dù chơi ở 3 vai trò khác nhau là tiền vệ trung tâm, tiền vệ công và tiền đạo cánh phải. Khả năng chọn vị trí thông minh, những đường chọc khe tinh tế và sự thính nhạy trước khung thành của anh khiến người ta liên tưởng tới một tiền vệ trung tâm khác từng ghi đến gần 300 bàn trong sự nghiệp là Frank Lampard.
Đã từng là đội trưởng tất cả các lứa U của Đức, tiền vệ của Leverkusen được HLV Joachim Loew trao cho cơ hội tại ĐTQG mà không cần thử lửa tại đội U21 và U23. Havertz sẽ là hạt nhân cho cuộc cách mạng của bóng đá Đức sau thất bại ê chề tại World Cup 2018.
TIỀN ĐẠO TRÁI: JADON SANCHO – BORUSSIA DORTMUND (25/03/2000)
Phải lâu lắm rồi, kể từ khi Joe Cole còn trên đỉnh cao, nước Anh mới sản sinh ra một cầu thủ chạy cánh với khả năng cầm bóng “mượt” như thế. Tuy nhiên, Sancho không chỉ biết giữ bóng dính như keo mà còn thi đấu cực kì hiệu quả.
Đến nước Đức với không nhiều kì vọng, chàng trai xứ sở sương mù khiến tất cả phải kinh ngạc với 11 bàn thắng và 14 pha kiến tạo tại Bundesliga mùa này. Nhìn rộng ra khắp 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, 14 đường chuyền thành bàn của Sancho chỉ đứng sau Hazard (15).
Giống như Havertz, Sancho cũng đã lên thẳng ĐTQG từ đội U19, trở thành cầu thủ trẻ nhất khoác áo Tam Sư kể từ trường hợp của Wayne Rooney.
TIỀN ĐẠO CẮM: LUKA JOVIC – EINTRACHT FRANKFURT (3/12/1997)
Không tìm được chỗ đứng tại đội bóng chủ quản Benfica, Jovic tìm đến Eintracht Frankfurt theo bản hợp đồng cho mượn kèm điều khoản mua đứt với mức giá rẻ mạt. Thật khó hiểu khi một đội bóng nổi tiếng về đào tạo các tài năng trẻ như Benfica lại không nhìn ra tài năng của Jovic để giờ đây, họ chính là những người phải tiếc nuối.
Tại giải quốc nội, Jovic đã ghi được 17 bàn, chỉ sau Lewandowski và Paco Alcacer. Ở đấu trường Europa League, anh cũng ghi tới 10 bàn, trong đó có 2 bàn vào lưới Chelsea ở loạt trận Bán kết để trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử giải đấu này cán mốc 10 bàn thắng trong một mùa giải.
Phía Frankfurt đã kích hoạt điều khoản mua đứt trong hợp đồng với Jovic và họ bán anh ngay trong mùa Hè với giá 60 triệu Euro cho Real Madrid.
TIỀN ĐẠO PHẢI: KYLIAN MBAPPE – PARIS SAINT-GERMAIN (20/12/1998 )
Những gì Mbappe làm được ở tuổi 20 có thể sánh ngang với Vua bóng đá Pele hay Người ngoài hành tinh Ronaldo. Mbappe có màn ra mắt bóng đá chuyên nghiệp vào tháng 12/2015, ngay trước sinh nhật thứ 17 có vài ngày. Kể từ đó, Mbappe không dừng lại. Một con quái vật đã bước ra ánh sáng.
Mbappe hiện đang nắm giữ vị trí thứ 2 trong danh sách những cầu thủ đắt giá nhất mọi thời đại. Anh là người kế thừa xứng đáng nhất chiếc áo số 10 của đội tuyển Pháp, chiếc áo đã từng thuộc về những Michel Platini hay Zinedine Zidane vĩ đại. Mbappe cũng được kì vọng sẽ là ông vua tiếp theo của giới túc cầu khi ngày mà Ronaldo và Messi rời xa bóng đá đỉnh cao đang đến gần.
Đội hình U21 xuất sắc nhất mùa giải 2018/19