Đọc sách kiểu xòe quạt gây chấn động cộng đồng mạng TQ: Siêu năng lực hay siêu lừa đảo?

Đọc sách kiểu xòe quạt gây chấn động cộng đồng mạng TQ: Siêu năng lực hay siêu lừa đảo?

Một khóa học đầy đủ gồm 72 buổi và có giá lên tới gần 900 triệu VNĐ.

Theo SCMP, mới đây một đoạn clip về cuộc thi đọc sách siêu tốc tại Trung Quốc đã khiến cộng đồng mạng nước này xôn xao. Đây được cho là cuộc thi nhằm quảng bá khóa học giúp các em nhỏ đọc được 100.000 từ chỉ trong vài phút.

Theo poster trong đoạn video, cuộc thi được tổ chức bởi trung tâm Xinzhitong. Tuy nhiên, trung tâm giáo dục có trụ sở ở Bắc Kinh lại phủ nhận liên quan đối với sự kiện này và cho rằng một công ty khác đã lợi dụng tên tuổi trung tâm mà không xin phép.

Tuy nhiên, một số trung tâm giáo dục khác tại Trung Quốc thừa nhận rằng họ có dạy kĩ năng đọc sách kiểu này. Nhiều chuyên gia cho rằng phương pháp đọc sách nhanh như vậy không có cơ sở khoa học.

Trong khi đó, những người quảng bá khóa học nói chỉ cần lướt qua các trang giấy, những hình ảnh sẽ bắt đầu xuất hiện trong đầu người đọc và giúp họ hiểu nội dung cả quyển sách. Ngoài ra, chỉ cần học hết 72 buổi học, học sinh có thể đọc 1 cuốn sách 100.000 từ trong vòng 5 phút. Giá của một khóa học đầy đủ là 269.000 NDT (gần 900 triệu VNĐ).

Cuộc thi đọc sách siêu tốc gây tranh cãi ở Trung Quốc.

Được biết, phương pháp có tên gọi “đọc sách tốc độ lượng tử” và được dựa trên quyển sách do nhà giáo dục Nhật Bản Yumiko Tobitani xuất bản năm 2006.

Một số cơ sở giáo dục ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang; Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên và Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc thừa nhận rằng họ có các khóa học đọc sách tốc độ lượng tử.

Đại diện các cơ sở này nói kĩ năng đọc sẽ được tăng cường nhờ vào việc phát triển não phải, nhưng không ai đưa ra chi tiết cụ thể.

“Sau khi tập luyện – từ 5 tới 12 ngày – với nhạc và phiếu từ, cùng với sự trợ giúp từ giáo viên, học sinh có thể cảm nhận hình ảnh của sách mà không cần giở qua từng trang. Các em có thể cảm nhận thông qua tay hoặc dùng trán,” Liu Yazhao, giám đốc một cơ sở ở Ninh Ba, quảng cáo.

Tuy vậy, nhiều nhà khoa học nói phương pháp này hoàn toàn không có căn cứ, và cơ quan chức năng tỉnh Tứ Xuyên đã bắt đầu để mắt tới loại hình này. Cơ quan cảnh sát ở Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên đang đoạn video nói trên lên Weibo và để dòng chú thích: “Lừa đảo kiểu mới?”. Nhiều người xem cũng nhận xét rằng các em học sinh trông như đang tập xòe quạt chứ không phải đọc sách.

Yuan Lanfeng, một nhà hóa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nói khóa học đọc sách “hoàn toàn nhảm nhí” và chỉ là một trong những sản phẩm, dịch vụ sử dụng thuật ngữ khoa học nhằm che mắt người dân thường.

“Đầu thế kỉ 21, rất nhiều sản phẩm được gắn mác ‘nano’ và ‘lượng tử’. Thật là những ý tưởng sáng tạo,” ông Yuan nói.

Xiong Bingqi, phó giám đốc của Viện nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 tại Bắc Kinh, cho biết phụ huynh sẵn sàng tin vào những khóa học như vậy vì lo lắng cho tương lai của các con.

“Nhiều phụ huynh có học vấn và cũng có tài chính, nhưng họ không lí trí lắm khi nghĩ về tình hình học tập của con cái – họ nghĩ rằng con họ có thể học được siêu năng lực sau vài đêm.”

“Họ nghĩ rằng nếu con họ học những khóa học mà người khác không học, thì con họ sẽ có những cơ hội mà các bạn khác không có. Điều này đã giúp những khóa học như vậy tồn tại và phát triển, mặc dù chẳng có chút cơ sở khoa học nào ở đây cả,” ông Xiong nói.