Độc đáo trò chơi đu quay của người Bố Y

 

LCĐT – Từ xa xưa, mỗi dịp lễ, tết, các bản làng người Bố Y lại vang lời ca, tiếng hát và rộn ràng các trò chơi dân gian độc đáo của cộng đồng mình, trong đó thu hút nhất là trò chơi đu quay. Chiếc đu quay của người Bố Y cũng đặc biệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mà còn là cách thức thực hành tín ngưỡng dân gian.

Chiếc đu của người Bố Y quay tròn, có thể đủ chỗ cho 4 người chơi. Vật liệu làm chiếc đu quay được chọn lựa kỹ với loại gỗ chắc chắn, không bị mối mọt. Người Bố Y thường chọn gỗ chò chỉ làm đu quay, bởi loại này bền chắc theo thời gian. Theo các cao niên trong cộng đồng người Bố Y, trung bình phải mất hơn 1 tuần mới hoàn thành được chiếc đu quay. Riêng công đoạn lên rừng tìm gỗ là mất thời gian nhất. Gỗ được đem về bản, công đoạn cưa, bào bắt đầu. Người làm đu quay cũng phải giỏi tính toán, sao cho độ dài của 4 thanh gỗ bằng nhau, điểm giao nhau giữa 4 thanh gỗ phải đảm bảo khi 4 người ngồi lên có thể quay tròn.

Cấu tạo của chiếc đu quay cũng rất đặc biệt, nhiều người ví nó như tiền thân của những chiếc vòng quay mặt trời tại các khu du lịch lớn sau này. Chiếc đu gồm 2 cột trụ lớn, 4 thanh gỗ đan chéo nhau tạo thành hình chữ X, ở đầu 2 thanh gỗ là ghế ngồi. Người chơi ngồi vào vị trí này, tay bám chắc vào 2 thanh gỗ, chiếc đu sẽ quay tròn.

Thường thì đu quay của người Bố Y được sơn màu đỏ, biểu trưng của sự may mắn, vui tươi. Cũng theo các cao niên, nguồn gốc của chiếc đu quay bắt đầu từ một số gia đình hiếm muộn, sau đó phổ biến thành trò chơi dân gian của người Bố Y. Nghĩa là những gia đình người Bố Y mãi không sinh được con, họ đã làm chiếc đu quay để trước nhà nhằm thu hút thật nhiều trẻ con trong bản đến chơi. Tiếng cười đùa của những đứa trẻ sẽ đem lại vượng khí cho ngôi nhà, giúp họ sớm hoàn thành tâm nguyện sinh được nhiều con.

Sau này, trò đu quay được người Bố Y chơi phổ biến vào các dịp lễ, tết, không chỉ thu hút trẻ con mà cả nam thanh, nữ tú tham gia. Trò chơi đu quay của người Bố Y còn thể hiện rõ quan niệm cổ xưa có âm – dương, trời – đất giao hòa, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, tuổi tác, chỉ cần người chơi có sức khỏe và sự dẻo dai.
Đu quay còn là trò chơi mang tính nghi lễ. Khi dựng cột đu, cộng đồng người Bố Y thường chọn người có uy tín trong làng làm lễ với quan niệm báo cáo với các bậc bề trên để trò chơi đu quay được diễn ra an toàn. Cột đu thường cao 3 m, chôn sâu dưới lòng đất.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa Bố Y còn cho rằng, động tác lên cao, hạ xuống nhịp nhàng và xoay tròn của cầu đu còn mang tính giao hòa với đất trời, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe.

Mỗi trò chơi dân gian, đặc biệt là các trò chơi thể hiện tín ngưỡng đều có môi trường diễn xướng của nó. Với ý nghĩa nhân sinh biểu trưng và với lòng tự hào, quyết tâm bảo vệ bản sắc dân tộc, trò chơi đu quay đến nay vẫn được đồng bào Bố Y đón nhận và gìn giữ.
Vân Thảo

Nguồn Báo Lào Cai điện tử: https://baolaocai.vn/bai-viet/365972-doc-dao-tro-choi-du-quay-cua-nguoi-bo-y