Chiều 12/6, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hiệp hội có liên quan.
Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, coi đây là thế mạnh trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đã chỉ đạo xây dựng và ban hành các đề án, kế hoạch qua đó không chỉ góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa mà còn huy động các nguồn lực cho công tác này.
Từ năm 2005-2023, toàn tỉnh đã có hơn 40 di tích được lập dự án sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện tu bổ, tôn tạo với tổng số vốn đầu tư đạt 1.154 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã dành nguồn vốn đáng kể cho công tác tu bổ chống xuống cấp, từ năm 2007-2022 đã có 290 lượt di tích được thực hiện tu bổ chống xuống cấp từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có hàng trăm tỷ đồng do nhân dân đóng góp tu bổ, sửa chữa di tích. Toàn tỉnh có 395 di tích đã được xếp hạng và đều được khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo quy định.
Tỉnh đã chỉ đạo nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa. Cùng với đó, tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hiện toàn tỉnh có 1821 di tích được kiểm kê, thuộc nhiều loại hình khác nhau. Trong đó có 395 di tích đã được xếp hạng. Hầu hết các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được bảo quản nguyên vẹn, cẩn mật, không để thất lạc, hư hỏng.
Đối với lĩnh vực du lịch, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn để điều hướng, dẫn dắt các ngành kinh tế khác cùng phát triển, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, đề án, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó có Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, đã xác định bước chuyển chiến lược phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng chất lượng phát triển.
Giai đoạn 2021 đến nay, Ninh Bình là một trong những địa phương có ngành du lịch phục hồi nhanh nhất sau đại dịch COVID- 19. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư nâng cấp. Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; 3 năm liền được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực.
Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao những kết quả của tỉnh Ninh Bình trong thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch; chia sẻ những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương liên quan đến công tác này.
Các đại biểu cũng trao đổi một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan đến việc sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến di sản văn hóa và du lịch, phục vụ công tác xây dựng luật trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dành thời gian về khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tiễn, các mô hình trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch của tỉnh, qua đó đóng góp cho việc hoàn thiện các chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực.
Các nội dung chia sẻ, trao đổi tại buổi làm việc cũng gợi mở những giải pháp, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý di sản, văn hóa của tỉnh được tốt hơn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ninh Bình đã sớm phát hiện tiềm năng, thế mạnh riêng có để xây dựng chiến lược, các chính sách dài hạn, với quan điểm xuyên suốt là lấy nền tảng văn hóa của vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và phát huy giá trị di sản thiên nhiên làm động lực cho sự phát triển xanh, bền vững, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Và việc thực hiện chiến lược bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch thời gian qua đã mang lại lợi ích cho người dân để không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn nâng tầm hưởng thụ đời sống văn hóa, người dân được sống hạnh phúc và bình yên.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm thu hút các dự án phát triển công nghệ sạch làm động lực cho tăng trưởng. Trong huy động các nguồn lực, thực hiện phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, “lấy bảo tồn làm nguồn lực phát triển” qua đó góp phần phát huy giá trị di sản.
Trao đổi làm rõ thêm các đề xuất, kiến nghị của Ninh Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong xây dựng quy định pháp luật cần có tiêu chí “đô thị đặc thù” cho những địa phương có yếu tố đặc thù về di sản. Đối với lĩnh vực đầu tư công theo hình thức đối tác công-tư, đề nghị cần nghiên cứu và sớm có đánh giá, có quy định cụ thể triển khai trong thực tiễn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trưởng đoàn khảo sát Phan Viết Lượng cảm ơn tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị báo cáo và tạo các điều kiện thuận lợi để Đoàn có nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ninh Bình, đồng chí khẳng định: Ninh Bình là tỉnh có nhiều di sản văn hóa độc đáo và giá trị. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã rất chủ động trong khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng có này để đề ra các cơ chế, chính sách mang tầm nhìn chiến lược, tạo nên sự phát triển đột phá, nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế- xã hội. Đây là một trong những mô hình điển hình về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, du lịch để các địa phương khác trong cả nước học tập, nhất là trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị quần thể danh thắng Tràng An.
Đặc biệt, Ninh Bình đã có nhìn nhận đúng và thực hiện nhất quán quan điểm “lấy bảo tồn làm nguồn lực phát triển”, ưu tiên cho bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, du lịch.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh quan tâm huy động các nguồn kinh phí, xã hội hóa nhằm bảo tồn các di tích; tiếp tục có nhiều chính sách để thực hiện tốt hơn mục tiêu bảo tồn gắn với phát triển bền vững.
Quan tâm việc kiểm kê, phân loại, ghi danh di tích. Tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân và các hoạt động tác nghiệp liên quan đến di sản văn hóa…
Trao đổi về một số kiến nghị, đề xuất của Ninh Bình, đồng chí cho biết, trên cơ sở khảo sát tại Ninh Bình và một số tỉnh, thành khác, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp, tham gia góp ý cùng các cơ quan có thẩm quyền giúp Quốc hội xây dựng, hoàn thành các dự án luật, nhất là dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến trình tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Minh Ngọc – Đức Lam- Anh Tú
Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-khao-sat-uy-ban-van-hoa-giao-duc-cua-quoc-hoi-lam-viec/d20230612180526129.htm