Đoàn kết, sáng tạo xây dựng thị xã Thuận Thành hiện đại, giàu bản sắc văn hóa

Nguyễn Mạnh Hùng
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

Kỷ niệm 110 năm thành lập huyện và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thị xã Thuận Thành là dấu mốc quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương kế thừa truyền thống văn hiến, cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, tăng cường kỷ cương, dân chủ; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng thị xã văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

Thuận Thành là vùng đất cổ, có lịch sử khoảng 3.500 năm.  Dưới thời Văn Lang-Âu Lạc, Thuận Thành là 1 trong 2 vùng chính của Bộ Vũ Ninh với tên gọi Dâu, sau đó được người xưa chuyển thành Luy Lâu. Với vị trí thuận lợi, vùng Dâu (Luy Lâu) trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo lớn nhất cả nước và cũng là đô thị cổ nhất Việt Nam. Luy Lâu đổi tên thành huyện Siêu Loại dưới thời nhà Lý. Năm 1912, huyện Siêu Loại được đổi tên thành huyện Thuận Thành.
Trải qua những thăng trầm của thời gian, Thuận Thành mang trong mình dòng chảy văn hóa, lịch sử với 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp Quốc gia, 2 bảo vật cấp Quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh. Đây là nơi khởi dựng cơ đồ của Thủy Tổ Việt Nam – Kinh Dương Vương; nơi xây dựng ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam (chùa Dâu); là mảnh đất “Nam giao học Tổ”; nơi giao hội của sông Dâu, sông Đuống đỏ nặng phù sa; mảnh đất sinh ra, nuôi dưỡng những hiền tài của đất nước, làm rạng danh đất học Bắc Ninh-Kinh Bắc: Nhà thơ Thái Thuận, Nguyễn Gia Thiều; Trạng nguyên Vũ Kiệt, Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Lượng Thái, Lưu Thúc Kiệm cùng 40 đại khoa các triều Lý, Trần, Lê.

Lịch sử, truyền thống văn hiến đã hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh nội sinh của mảnh đất, con người Thuận Thành từ đời này sang đời khác. Bước sang những năm 30 của thế kỷ XX, ánh sáng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi rọi đến mảnh đất Thuận Thành, thúc đẩy phong trào cách mạng. Ngày 4-2-1938, Chi bộ Văn-Gia-Thuận (Văn Lâm-Gia Lâm-Thuận Thành) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thuận Thành vùng lên tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945; cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954; chống đế quốc Mỹ năm 1954-1975, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ mới hòa bình, thống nhất, tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Các trục đường trung tâm ở thị trấn Hồ rực rỡ cờ, hoa.

Bước vào giai đoạn kiến thiết và khôi phục kinh tế, mỗi một giai đoạn đều có những khó khăn và thách thức. Từ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á (1997-1998),  khủng hoảng tài chính thế giới (2007-2008), đến sự tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Càng trong gian khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thuận Thành càng phát huy tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, xuyên suốt quan điểm “Phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Trong đó, thành quả của công cuộc xây dựng Đảng, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành động lực to lớn, khởi xướng cho mọi thắng lợi trên các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, giáo dục đến quốc phòng, an ninh.
Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Thành lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu thực hiện quy hoạch đô thị Hồ và vùng phụ cận đến năm 2030, đầu tư phát triển huyện Thuận Thành trở thành đô thị loại IV và thành lập thị xã Thuận Thành vào những năm đầu của nhiệm kỳ. Bám sát chủ trương, nghị quyết Đại hội, Huyện ủy Thuận Thành luôn phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, thiết thực, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng theo hướng gần dân, sát cơ sở; triển khai hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo từng chuyên đề hằng năm, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII, XIII); Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Để các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, Huyện ủy Thuận Thành thường xuyên theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng chỉ đạo các Chi, Đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường trách nhiệm của tổ chức Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên; duy trì công tác kiểm tra Đảng nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin xấu, độc, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch; lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức thiết để giải quyết như: giải phóng mặt bằng các dự án, ô nhiễm môi trường, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các kết luận sau thanh tra, kiểm tra; rà soát, sửa đổi, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ phù hợp tình hình thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Thuận Thành thăm cơ sở sản xuất tranh dân gian Đông Hồ của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh ở xã Song Hồ.

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, huyện Thuận Thành vừa tích cực, chủ động phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, huyện Thuận Thành tiếp tục triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư.
Đến nay, huyện có 3 KCN với tổng diện tích đạt 9,9 km2 (KCN Thuận Thành I; KCN Thuận Thành II và KCN Thuận Thành III), 3 CCN với tổng diện tích 1,48 km2 (CCN Xuân Lâm; CCN Thanh Khương và CCN Hà Mãn – Trí Quả) và hơn 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp thương mại đang hoạt động lĩnh vực cơ khí lắp ráp, điện tử, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng,… tạo việc làm ổn định cho gần 60.000 lao động địa phương và các vùng lân cận. Giai đoạn 2020-2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn đạt 10,2%; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 19.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm. Nhiều chỉ tiêu y tế, giáo dục của Thuận Thành có bước phát triển vượt bậc.
Ngoài định hướng phát triển trở thành đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, huyện Thuận Thành còn giữ vai trò là trung tâm tổng hợp (kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch, dịch vụ), đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng phía Nam sông Đuống và khu vực lân cận. Nhiều khu đô thị mới, khu dân cư đã và đang được xây dựng phát triển theo hướng không gian xanh, như: Khu đô thị Dabaco Thuận Thành, khu đô thị mới Thuận Thành III, khu đô thị sinh thái Hồng Hạc, khu đô thị Khai Sơn, khu đô thị Little Saigon,… tạo nên những chuyển biến rõ nét về kiến trúc cảnh quan và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Huyện cũng tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, công viên, cây xanh,… được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, với nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, Thuận Thành đạt chuẩn huyện Nông thôn mới năm 2019. Năm 2021, huyện có 4 xã (Song Hồ, Trí Quả, Xuân Lâm, Đình Tổ) đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, huyện chỉ đạo 2 xã (Mão Điền, Đại Đồng Thành) xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Công tác an sinh xã hội được quan tâm; tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chuyển biến, đổi mới phương thức lãnh đạo bám sát cơ sở, bảo đảm quyền, lợi ích thiết thực của Nhân dân.
Với những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Thành vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000; Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ… Đó là phần thưởng ghi nhận những thành quả tiếp nối, những đóng góp với sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Ngày 10-4-2023, huyện Thuận Thành chính thức trở thành thị xã theo Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Đây là bước ngoặt lịch sử, là niềm tin, tiền đề để địa phương vươn mình trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị. Từ thị xã đến các phường, khu dân cư, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cần ra sức hăng hái thi đua, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá: Triển khai có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; tập trung xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số, tạo môi trường, động lực phát triển mạnh ở từng thành phần kinh tế; chú trọng công tác quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị thông minh bảo đảm liên thông, kết nối vùng bền vững; định hướng các làng nghề thủ công truyền thống phát triển theo hướng có chọn lọc; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái; nâng cao chất lượng công tác giáo dục – đào tạo; chăm lo chính sách an sinh xã hội; củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững cuộc sống bình yên cho Nhân dân.
Trên chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thuận Thành mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh, các công ty, doanh nghiệp và những người con của quê hương ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài để Thuận Thành vững bước hội nhập, phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đất nước, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân.

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/-oan-ket-sang-tao-xay-dung-thi-xa-thuan-thanh-hien-ai-giau-ban-sac-van-hoa