Trên cơ sở Nghị quyết 12 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 15 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có chủ trương triển khai thực hiện Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu triển khai thực hiện sẽ mở ra không gian sống tốt đẹp hơn cho khu vực nông thôn Vĩnh Phúc.
Theo đề án, ngay từ năm 2023, mỗi huyện, thành phố sẽ triển khai thí điểm từ 3 đến 4 mô hình các làng, thôn, bản, tổ dân phố, thí điểm mô hình làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được đầu tư xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao với các hạng mục chủ yếu như: nhà văn hóa thôn và sân bãi; khu thể dục thể thao với sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân cầu lông, thể dục thể thao ngoài trời khác; khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh. Ngoài ra còn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết hợp linh hoạt hợp lý các khu trưng bày, quảng bá mua sắm sản phẩm tiêu biểu của địa phương gắn kết các công trình tôn giáo, tín ngưỡng của làng.
Tiếp tục đầu tư phát triển và quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo thông suốt, đồng bộ trên cơ sở huy động nguồn lực trong Nhân dân và các thành phần kinh tế theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm; tạo điều kiện để người dân phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn, tạo thành cầu nối giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về định hướng kiến trúc nhà ở nông thôn, tạo được sức sống ở nông thôn trong hoàn cảnh mới, các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được công nghệ, vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn, hướng tới trong tương lai các mẫu nhà hiện đại, tiệm cận với các tiêu chuẩn sống của đô thị nhưng kế thừa các nét truyền thống, tiêu biểu và đặc biệt bền vững, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Người dân trong làng văn hóa kiểu mẫu còn được nhà nước hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất dịch vụ, thương mại, tạo ra các mô hình đặc trưng của địa phương, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập, phát huy những giá trị truyền thống, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ cho người dân được quan tâm thực hiện ở những nơi làm thí điểm làng văn hóa kiểu mẫu.
Hệ thống chính trị ở thôn làng tổ dân phố được củng cố để đảm bảo trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện nhưng không quá 20 tỷ đồng một mô hình. Đề án khuyến khích sự tham gia đóng góp kinh phí, hiện vật, công lao động của người dân và cộng đồng; vốn bảo trì, vận hành chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí do người dân đóng góp.
Với những nền tảng đang có, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì mục tiêu là một trong những địa phương đi đầu của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Hồng; xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó, một trong những trọng tâm là xây dựng thành công mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu. Đây cũng là tiền đề quan trọng để người dân tại các vùng nông thôn Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kinh tế nông thôn Vĩnh Phúc ngày càng vững mạnh, phát triển với phương châm: mọi người dân Vĩnh Phúc đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, có môi trường sống văn minh, an toàn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, bảo tồn bản sắc nông thôn mang đặc trưng Vĩnh Phúc./.
Văn Hải
Nguồn Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Phúc: http://vinhphuctv.vn/Qu%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%8B/Tin-t%E1%BB%A9c-chung/ID/335951/inh-huong-qui-hoach-kien-truc-Lang-van-hoa-kieu-mau