Điều kỳ lạ tại Man United: Càng dồn ép đối thủ, lại càng không biết “kết liễu” thế nào

Man United thường không thi đấu tốt khi kiểm soát bóng nhiều hơn dưới thời Solskjaer, trận đấu gặp Crystal Palace chính là một điển hình như thế.

Những mùa gần đây, ngày càng nhiều trận đấu ở Premier League đi theo hướng phòng ngự chống tấn công. Một đội sẽ thiên về tấn công, kiểm soát bóng đến khi đối thủ sơ hở, một đội sẽ dồn về, hạn chế khoảng trống và phản công ngay khi có thể.

Vậy Man United là đội bóng nào trong trận đấu hôm thứ 7? Chính là đội bóng tấn công. Các học trò của Solskjaer có được 71% thời lượng kiểm soát bóng trước Crystal Palace, cùng với đó là 21 cú sút, nhiều hơn 16 cú sút so với con số 5 cú sút của Crystal Palace. Thế nhưng, họ lại là đội thua cuộc.

Đáng lẽ ra mọi thứ sẽ rất khác. Man United bị đánh bại bởi hai lỗi căn bản: Victor Lindelof thất bại trong pha không chiến trước Jefrey Schlupp ở bàn thắng thứ nhất và lỗi khép góc của David De Gea ở bàn thắng thứ 2, khi trận đấu chỉ còn ít giây.

Điều kỳ lạ tại Man United: Càng dồn ép đối thủ, lại càng không biết kết liễu thế nào - Ảnh 1.

Man United “chết” trước Crystal Palace bởi những khoảnh khắc sai lầm

Man United kiểm soát bóng 60% ở 11 trong số 32 trận Solskjaer nắm đội. Trong 11 trận đó, họ đã thắng 5 trận, hòa 3 trận và thua 3 trận. Nếu nhìn vào 5 trận thắng đó, chúng ta sẽ thấy một điều thú vị: 4 trận thắng trong số đó đến ở khoảng thời gian Solskjaer vẫn còn là HLV tạm quyền. Cụ thể là trước chuyến tập huấn ở Dubai.

Kể từ lúc đấy, Man United ít khi kiểm soát thế trận rồi chiến thắng. Thậm chí, mọi sự còn ngược lại. Trước Burnley, Wolverhampton Wanderers, Huddersfield Town, Cardiff City và giờ là Crystal Palace, đoàn quân của Solskjaer thường xuyên đánh rơi 2 điểm hoặc thậm chí 3 điểm.

Có lẽ các đội bóng đó đã rút ra được một kinh nghiệm: cứ để Man Untied cầm bóng, họ sẽ… chẳng làm gì được.

Công bằng mà nói, nếu đôi công với Man United, chắc chắn họ sẽ thua. Chelsea, West Ham hay thậm chí là Reading đã đến Old Trafford với tâm thế đó rồi sau đó phải nhận thất bại thảm hại.

Man United có ít hơn 40% thời lượng kiểm soát bóng trong 8 trận gần đây dưới thời Solskjaer, họ chiến thắng 4 trận và chỉ hòa 1 trận. 

Những trận thắng là trước Tottenham trên sân khách, các chiến thắng ở FA Cup trước Arsenal, Chelsea và trận thắng trước PSG trên sân khách. Thậm chí, trong trận thắng 3-1 trước PSG, họ kiểm soát bóng ít hơn 1/3 thời lượng.

Điều kỳ lạ tại Man United: Càng dồn ép đối thủ, lại càng không biết kết liễu thế nào - Ảnh 2.

Trận thắng PSG là ví dụ điển hình của một Man United cầm bóng ít nhưng vẫn chiến thắng

Nếu bỏ qua 4 trận thắng áp đảo trong số 28 trận trước đó của Solskjaer, chúng ta có thể có được 2 nhóm trận đấu rõ rệt của Man United: 14 trận họ kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương, 14 trận họ kiểm soát ít hơn đối phương. Họ chiến thắng 4 trận trong số 14 trận họ kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương, nhưng trong 14 trận họ kiểm soát bóng ít hơn đối phương, họ thắng tới 9 trận.

Thống kê trên khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Man United của Ole Gunnar Solskjaer thực sự trông như thế nào? Có vẻ như họ có xu hướng để đối thủ cầm bóng để tập trung vào việc phản công nhanh. Điều được thể hiện qua lối chơi của Solskjaer ở những trận đấu gần đây.

Các ông lớn của Premier League thường áp đảo đối phương chứ không nhường lại quyền kiểm soát bóng cho họ. Hãy lấy Manchester City, đội bóng kiểm soát bóng nhiều nhất ở Premier League, làm ví dụ. Lối chơi linh hoạt và tốc độ của họ ở 1/3 cuối sân khiến họ có thể xuyên phá bất cứ hàng phòng ngự lùi sâu nào trên sân.

Đã có những lúc Man United làm được điều thương tự. Tình huống dẫn đến bàn thắng trước Cardiff của Martial trong trận đấu đầu tiên nắm quyền của Solskjaer đã cho thấy điều đó. 

Tuy không thể có được trận thắng trước Wolverhampton, nhưng trận đấu đó cũng có thể là một ví dụ cho điều này. Dù vậy, hàng công của Man United vẫn gặp rất nhiều rắc rối khi gặp các đội bóng có đội hình phòng ngự tổ chức tốt.

Điều kỳ lạ tại Man United: Càng dồn ép đối thủ, lại càng không biết kết liễu thế nào - Ảnh 3.

Quỷ đỏ cần thêm các phương án để xuyên phá hàng thủ đối phương, tận dụng tốt thời gian cầm bóng.

Ở trận đấu hôm thứ 7, Quỷ đỏ hầu hết đều chỉ có những cơ hội nửa vời. Man United trông giống một đội bóng đã quá quen với việc thi đấu ở cửa dưới tới mức họ quên mất cách xuyên thủng đối thủ nếu họ không dâng cao.

Premier League đang ngày càng phân định rõ rệt: nhóm đội kiểm soát bóng nhiều, còn lại là các đội phòng ngự phản công. Man United tuy vậy lại không thuộc về nhóm nào trong số 2 nhóm này. Họ thi đấu áp đảo trước các đội bóng cửa dưới, nhưng lại không biết phải làm thể nào để xuyên thủng hàng phòng ngự của các đội bóng này.