Chúng ta hãy cùng điểm qua danh sách những phát minh quan trọng nhất của lĩnh vực công nghệ đã góp phần làm nên diện mạo của thế giới trong vòng 30 năm trở lại đây của tờ Business Insider.
Mạng Internet (1990)
Sự ra đời của Internet, hay còn được gọi là World wide web thời bấy giờ, đã thay đổi cuộc sống của hàng tỷ con người bằng cách cho phép chúng ta tiếp cận được với nguồn thông tin vô hạn. Chưa hết, nó cũng mang đến một cuộc cách mạng cho phương thức mà chúng ta giao tiếp với nhau. Nhiều phát minh được liệt kê dưới đây cũng được hình thành nhờ có nền tảng của Internet.
Photoshop (1990)
Photoshop là phần mềm chỉnh sửa ảnh “thần kỳ” với khả năng thiên biến vạn hoá, có thể phục vụ cho mọi loại hình kinh doanh. Với việc “giao tiếp hình ảnh” đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, Photoshop đang dần trở thành một công cụ không thể thiếu, nhưng nó cũng khiến chúng ta hoài nghi về độ chân thực của hình ảnh trên mạng.
Hệ thống định vị toàn cầu di động GPS (1990)
Ban đầu, GPS được phát triển để phục vụ cho quân đội Mỹ nhưng sau đó, công nghệ này đã được triển khai cho cả dân sự. Các thiết bị định vị dành cho người tiêu dùng lần đầu được tung ra thị trường từ những năm 90 của thế kỷ trước. Kể từ đó, với sự phát triển như vũ bão của Internet và mạng di động, việc sở hữu GPS trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nhân bản vô tính (1996)
Cừu Dolly là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính từ một tế bào vào năm 1996. Một cuộc tranh cãi về tính nhân đạo của nhân bản đã nảy ra giữa các quốc gia. Dolly đã qua đời vào tháng 2/2003 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh phổi trong thời gian dài. Hiện tại, Dolly đã được chuyển về Bảo tàng Scotland để trưng bày.
Email và tin nhắn (1992)
Các công ty đã có thể gửi tin nhắn điện tử nội bộ từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, thế nhưng sự ra đời của Internet đã biến email thành một hình thức giao tiếp tiêu chuẩn cho mọi người trên thế giới.
Còn SMS (Short Message Services) ban đầu được thiết kế để gửi những đoạn tin nhắn ngắn thông qua đường dây điện thoại. Sau đó, sự bùng nổ của hạ tầng viễn thông di động đã thúc đẩy sự phổ biến của hình thức trao đổi thông tin này.
TV màn hình phẳng (1997)
Loại TV mới này không chỉ có diện mạo đẹp mắt hơn, mà chúng còn tiết kiệm điện hơn rất nhiều so với những khối vuông cồng kềnh của thế hệ thước. Công nghệ hinh ảnh kỹ thuật số cũng đã thay đổi cách chúng ta chia tỷ lệ hình ảnh, cho phép chúng được hiển thị một cách sách nét trên các kích cỡ màn hình khác nhau.
Máy nghe nhạc MP3 (1997)
Những chiếc iPod hay Walkman đã giúp mang cả kho âm nhạc vào túi của ta từ cách đây hơn 20 năm. Người dùng có thể thoải mái “quăng quật” chiếc máy này mà không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của file MP3 như các loại “đồ cổ” như đĩa vinyl, băng cát-sét hay thậm chí là đãi CD.
Chưa hết, máy nghe nhạc MP3 có thể mở rộng dung lượng bằng thẻ nhớ ngoài, giúp chủ nhân tiết kiệm tiền mua máy mới khi hết dung lượng. Và quan trọng nhất, sự ra đời của các máy nghe nhạc MP3 đã tạo nền tảng cho kỷ nguyên nhạc số, nhạc trên Internet, thiết bị di động.
Google (1997)
Khoảng 2/3 số người truy cập Internet sử dụng Google để tìm kiếm thông tin trên mạng, biến nó trở thành nguồn thông tin được tin dùng nhất thế giới. Thậm chí, từ điển danh tiếng Oxford còn xét Google làm động từ chỉ hành động tra cứu thông tin trên Internet.
Đĩa DVD (1998)
DVD – viết tắt của từ Digital Versatile Disc, đã thay thế băng cát sét VHS để trở thành phương tiện giải trí tại gia phổ biến nhất thế giới vào những năm 90. Là một dạng phương tiện kỹ thuật số, DVD ít giảm chất lượng theo thời gian và có thể lưu trữ được nhiều cảnh quay hơn so với băng VHS.
Facebook (2004)
Facebook không phải mạng xã hội đầu tiên, nhưng nó đã trở thành nền tảng thống trị nhất, cũng như là trang thông tin chính dành cho hàng trăm triệu người dùng trên thế giới. Mặc dù ban đầu được thiết kế với mục đích đơn giản là kết nối bạn bè, người thân nhưng dần dần công ty này đã tích hợp nhiều loại hình dịch vụ khác vào Facebook.
YouTube (2005)
Ý tưởng đằng sau YouTube rất đơn giản: Đây là nơi tập hợp mọi loại video, từ hướng dẫn, giáo dục đến giải trí, … và ai cũng có thể là nhà sáng tạo nội dung. Đây cũng là một sản phẩm của kỷ nguyên Internet, và nó cũng dần trở thành công cụ để hàng triệu con người tìm được tiếng nói riêng của mình. Với lượng khán giả mà mọi mạng lưới truyền hình đều mong ước, YouTube đã gây dựng được một văn hoá độc nhất vô nhị.
iPhone (2007)
iPhone là một trong những thiết bị có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong 30 năm qua, không chỉ vì các chức năng, mà vì nó đã tạo ra một nền tảng và các công cụ sáng tạo mới dành riêng cho các thiết bị di động. iPhone chính là tiên phong trong cuộc cách mạng mang tên smartphone, và nó đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta giao tiếp với nhau.
Bitcoin (2009)
Ra mắt hồi năm 2009, Bitcoin đã giới thiệu một khái niệm hoàn toàn mới: đó chính là một loại tiền tệ kỹ thuật số. Bitcoin sử dụng một mã hoá phức để tạo ra một đồng tiền độc đáo, có thể được giao dịch trực tuyến và được sử dụng để mua hàng. Ngày nay, một đồng Bitcoin có giá trị tới gần 8.000 USD.