Vũ “nhôm” đang bị đưa ra xét xử trong đại án Ngân hàng Đông Á.
Nhiều cựu tướng, cán bộ công an cấp cao bị khởi tố, đưa ra xét xử do có những sai phạm liên quan trực tiếp đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, cấm rời khỏi nơi cư trú đối với ông Trần Việt Tân (cựu Tổng cục trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng công an) và ông Bùi Văn Thành (cựu Cục trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng công an) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 BLHS 1999.
Động thái này do 2 cựu lãnh đạo công an có liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, 43 tuổi) và đồng phạm thực hiện.
Vũ “nhôm” nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng và nắm nhiều cổ phần tại các công ty khác. Vũ từng là một doanh nhân kinh doanh bất động sản có tiếng.
Tiếp tay Vũ “nhôm” thâu tóm đất “vàng”
Từ đầu năm ngoái, Vũ “nhôm” được nhắc đến nhiều với thông tin liên quan đến các cuộc điều tra của công an về vấn đề bất động sản ở Đà Nẵng. Ông Vũ bị cáo buộc tham gia vào việc thao túng thị trường địa ốc và các khu đất vàng bằng cách chuyên lập ra các dự án và xin đất của Nhà nước rồi bán lại thu lợi khổng lồ.
Đến tháng 10/2017, Vũ rút vốn khỏi các công ty mình quản lý. Khoảng 2 tháng sau, Vũ đột ngột bỏ trốn, bị Bộ Công an phát lệnh truy nã. Cuối năm 2017, ông Vũ bị Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore tạm giam, khi ông định rời khỏi Singapore sang Malaysia vì vi phạm Luật di trú.
Cho đến ngày 4/1, ông Vũ bị trục xuất về Việt Nam và bị công an bắt tại sân bay Nội Bài. Hơn một tháng sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (hàng trước, bìa trái), Phan Hữu Tuấn (giữa) và Nguyễn Hữu Bách tại tòa (Ảnh: TTXVN).
Giữa năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó là một số cơ quan chức năng khác, đã lần lượt hé lộ mối quan hệ mờ ám giữa Vũ “nhôm” và một số quan chức cấp cao Bộ Công an.
Cụ thể, ngày 17/4/2018, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với cựu trung tướng Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo), Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an cùng về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định 2 cán bộ công an cấp cao này đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật Nhà nước, qua đó giúp sức cho Vũ “nhôm” sử dụng Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 thâu tóm nhiều dự án đất đai tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Nhiều tài sản Nhà nước mà công ty của Phan Văn Anh Vũ được tạo điều kiện để mua sau đó đã không được sử dụng đúng mục đích. Các tài sản này được chuyển nhượng lòng vòng, làm lợi cho một số cá nhân.
Ngày 30/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù, bị cáo Phan Hữu Tuấn 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Hữu Bách 6 năm tù cùng về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Khoảng 3 tháng sau, cấp tòa phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phan Văn Anh Vũ, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo này 8 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Cấp hộ chiếu sai quy định cho Vũ “nhôm”
Cụ thể, ngày 28/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ cấp cao, trong đó có ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành.
Sau khi xem xét, Bộ chính trị nhận định ông Bùi VănThành, với cương vị Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật.
Cá nhân ông Thành đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật.
Ông này còn bị xác định vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an; ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công.
Liên quan tới Vũ “nhôm”, ông Thành còn bị cáo buộc tự ý ký quyết định cho Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Vũ sai quy định.
Cựu Trung tướng Bùi Văn Thành và cựu Thượng tướng Trần Việt Tân khi đương chức.
Còn với ông Trần Việt Tân, trong thời gian giữ cương vị thứ trưởng Bộ Công an, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các vi phạm nói trên đã làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành công an, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Vì vậy, cơ quan kiểm tra đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành và Thượng tướng Trần Việt Tân.
Bộ Chính trị sau đó đã kỷ luật ông Bùi Văn Thành bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Với ông Trần Việt Tân, Bộ Chính trị cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã cách chức Thứ trưởng Công an đối với ông Bùi Văn Thành và xóa tư cách Thứ trưởng Công an giai đoạn 2011-2016 với ông Trần Việt Tân. Hồi tháng 8, Chủ tịch nước ký quyết định giáng cấp bậc hàm với ông Trần Việt Tân từ Thượng tướng xuống Trung tướng và ông Bùi Văn Thành từ Trung tướng xuống Đại tá.
Ngày 14/12, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố 2 ông này để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vũ “nhôm” bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng
Trong đại án Ngân hàng Đông Á, Vũ “nhôm” bị cáo buộc thông qua việc mua 12,73% cổ phần của ngân hàng Đông Á, gây thiệt hại cho đơn vị này hơn 200 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, cựu Chủ tịch Công ty CP Bắc Nam 79 đã khắc phục thiệt hại hơn 203 tỷ đồng.
Hồ sơ vụ án thể hiện, hồi năm 2013, Ngân hàng Đông Á hoạt động sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để xử lý khó khăn tài chính.
Do đó, cựu Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á thống nhất bán cho Vũ “nhôm” 60 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á với giá 600 tỷ đồng. Để mua lại số cổ phần nói trên, Vũ “nhôm” thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của chính ngân hàng Đông Á.
Đối với 200 tỷ còn lại, Vũ phải ký chứng từ nộp khống cho ngân hàng Đông Á. Ông Bình sau đó chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi khống, chuyển tiền vào tài khoản của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79.
Sau đó, ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ thất bại đã chuyển trả cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khoản tiền 600 tỷ đồng và lãi phát sinh. Cáo trạng thể hiện ông Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng, như vậy ngân hàng Đông Á bị thiệt hại hơn 200 tỷ.
Bên cạnh đó, Vũ “nhôm” còn bị cáo buộc liên quan tới khoản tiền 13,4 triệu USD mà ông Trần Phương Bình dùng tiền của Ngân hàng Đông Á mua giúp.