Thay vì khó chịu và tức giận, nhiều người thậm chí cảm thấy biết ơn khi có thể phát sóng trực tiếp đám tang tới những người thân hay bạn bè của người đã khuất đang ở xa.
Natalie Levy, sống ở San Fracisco, Mỹ bị đánh thức bởi một cuộc gọi vào sáng ngày 2/1. Ở đầu dây bên kia, chị gái cô hỏi: “Lần cuối cùng em nói chuyện với mẹ là khi nào?”
Sự lo lắng hiện rõ trong giọng nói ở đầu dây bên kia. Chị gái của Levy đáng lẽ phải gặp mẹ mình vào ngày hôm đó ở Ann Arbor, Michigan, nơi cả hai đang sống, nhưng người mẹ đã biến mất. Levy sau đó đã gọi cảnh sát. Rồi cô nhận một cuộc gọi khác từ chị mình, nói rằng đã tìm thấy một tờ giấy biên nhân cho một khẩu súng trong nhà bếp.
Nửa đêm, anh rể của Levy gọi tới và nói rằng đã tìm thấy xác của mẹ cô ở ngoại vi Ann Arbor, trong một công việc. Dường như người phụ nữ này đã chuẩn bị cho việc tự tử từ bốn tháng trước. Levy nhanh chóng bay tới Michigan để cùng gia đình lên kế hoạch cho tang lễ. Nhưng có một vấn đề, đó là làm sao để những người quen biết và yêu thương của mẹ mình có thể biết với tới gửi lời thương tiếc. Rất nhiều người trong số họ đang ở rất xa và không thể về kịp.
Nhưng nhà nguyện đã có một giải pháp. Họ nói sẽ phát trực tiếp đám tang và tải lên trang web của mình, sau đó gửi một đường link nổi bật trong cáo phó.
“Không có câu hỏi nào về việc có muốn thực hiện điều đó hay không. Mọi người chỉ muốn đảm bảo rằng thứ đó có thể truy cập được, cho những người ở xa hoặc bị bệnh không thể tới được. Tôi nghĩ điều đó thực sự quan trọng”, Levy nói. Cô cho biết một số thành viên trong gia đình, nhiều bạn bè và người quen của mẹ đã nói họ vô cùng biết ơn vì có thể tham dự đám tang từ xa.
“Chỉ cần biết rằng mọi người có thể tham gia … Tôi cảm thấy tốt về điều đó”, Levy nói.
Hình ảnh từ buổi live stream khi Levy ôm một người thân của mình.
Câu chuyện tưởng như kỳ lạ này lại đang dần trở thành một xu hướng quen thuộc tại Mỹ.
“Trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi việc viết Twitter và đăng lên Instagram mọi khoảnh khắc của cuộc sống, thật bất ngờ khi việc phát sóng trực tuyến kéo dài tới cả khi bạn chết”, Bryant Hightower, chủ tịch của Hiệp hội Tang lễ quốc gia chia sẻ. Ông nói rằng dịch vụ phát sóng trực tiếp tang lễ đã xuất hiện được hơn một thập kỷ và gần 20% nhà tang lễ của Mỹ đang cung cấp dịch vụ này. Các doanh nhân am hiểu công nghệ đang phụ trách, cũng như thuyết phục các giám đốc nhà tang lễ sử dụng dịch vụ này.
Đối với Marlene Bass ở Boynton Beach, Florida, việc live stream là điều vô cùng cần thiết. Cô và chồng, Stuart, chuyển đến Florida từ Detroit hơn 25 năm trước. Ở nơi ở cũ, họ đã tham gia các câu lạc bộ và có rất nhiều người bạn. Nhưng khi chồng cô qua đời vào tháng 7 năm ngoái, Bass nói rằng cô biết hầu hết bạn bè của họ và những người thân yêu ở Florida sẽ không thể tới nói lời chia tay. Bởi Stuart muốn chôn cất tại quê Michigan, cạnh ngôi mộ của cha mình.
Do đó, Bass đã chọn sử dụng dịch vụ live stream cho tang lễ. Cô nói rằng mình đã sử dụng công nghệ này trước đây lúc làm đám cưới và nghĩ rằng việc này cũng sẽ thu hẹp khoảng cách cho những người không thể đến dự đám tang.
“Tôi đã rất vui khi có thể làm được điều đó. Rất nhiều người sẽ đi khắp nơi trước khi họ chết. Không chỉ riêng tôi”, cô nói.
Công nghệ đã cho phép buổi live stream tiến hành ở bất cứ đâu, kể cả ngoài nghĩa trang.
Gary Richards là người sáng lập OneRoom, một công ty cung cấp dịch vụ phát sóng trực tiếp tang lễ cho các nhà nguyện ở New Zealand, Australia, Canada và Mỹ. Ông nhận thấy rằng nhiều gia đình sử dụng dịch vụ của ông là những người nhập cư đến từ Philippines, Việt Nam, hoặc Ấn Độ, với mong muốn tìm cách kết nối với gia đình và bạn bè ở quê nhà. Ông cũng đang thấy có một số lượng đáng kể người Mỹ đang tìm cách kết nối với người thân từ hai bờ phía Đông và Tây nước Mỹ.
Chad Techner, đồng sở hữu Nhà nguyện Ira Kaufman ở Southfield, Michigan, nơi xử lý dịch vụ của gia đình Levy, nói rằng nhu cầu về các dịch vụ phát sóng từ xa đã trở nên phát triển từ năm 2010.
“Trong tang lễ của người Do Thái, chúng tôi cố gắng làm mọi việc nhanh nhất có thể và điều đó khiến mọi người gặp khó khăn hơn một chút”, Techner nói. “Trong các phong tục tang lễ khác, sẽ cần một hoặc hai tuần. Nhưng ngay cả khi đó, không phải lúc nào cũng dễ dàng hay khả thi, đặc biệt về mặt chi phí, để mọi người từ khắp nơi bay tới dự một đám tang”.
Nhà nguyện của Techner cung cấp các buổi live stream từ năm 2010. Việc thiết lập rất đơn giản, chỉ với một camera ở bên trong nơi làm lễ, được kết nối với máy tính bằng cáp ethernet. Nhưng nhu cầu nhanh chóng tăng lên, đặc biệt là từ những người muốn live stream buổi lễ ở nơi khác.
Hiện tại, nhà nguyện đã cung cấp thêm các dịch vụ live stream đám tang từ các đền thờ và giáo đường, trong nhà của mọi người, tại các khu dân cư cao cấp hay thậm chí cả ở nghĩa trang. Ông nói rằng khoảng 85% các gia đình đến làm đám tang tại nhà nguyện đều chọn phát sóng trực tuyến.
“Các video không chỉ mang lại lợi ích của người xem từ xa mà cả những người tham dự ở đó”, Levy nói. “Trong buổi lễ, bạn sẽ không nhớ bất cứ điều gì. Mọi người tham dự đều nói những điều tuyệt vời hay kể những câu chuyện quá khứ và bạn không thể nhớ được vì nỗi đau hay quá sốc”.
Sau đám tang của mẹ cô, Levy và các thành viên trong gia đình đã cùng nhau xem lại video phát sóng. Việc đó giúp cô nhớ lại những điều tuyệt vời về người mẹ đã mất, hay những ký ức mà mọi người cùng chia sẻ trong buổi lễ hôm đó.
Nhu cầu live stream đám tang đang ngày càng tăng ở khắp nơi trên thế giới.
Theo Richards, trước đây mọi người thường lưu trữ hình ảnh hay video qua đĩa DVD hay USB, thứ sẽ được tặng cho các thành viên trong gia đình sau tang lễ. Tuy nhiên theo thời gian, chúng dễ bị hỏng hoặc mất. Còn ngày nay, công ty của ông gần như tạo một trang web tưởng niệm hay nghĩa trang kỹ thuật số cho các gia đình.
OneRoom thường sử dụng nhiều camera, một đối diện với khu trung tâm, một hướng về phía người tham dự. Mọi người khi xem có thể tùy chọn camera chính hoặc phụ.
Theo chia sẻ của Richards, hàng chục nghìn khán giả xem các luồng video của OneRoom mỗi tháng, bao gồm hàng nghìn đám tang mà họ đã tham dự hoặc xem trước đó. Trong ba năm qua, công ty này đã tăng gấp đôi số lượng người xem hàng tháng và con số này chưa có dấu hiệu ngừng lại.
“Các đoạn phát sóng trực tiếp và ghi âm là riêng tư. Những người muốn xem phải nhập mã để truy cập luồng, do hệ thống cấp cho các thành viên trong gia đình”, Techner từ nhà nguyện Kaufman ở Ann Arbor nói. “Tuy nhiên, một số gia đình lựa chọn để luồng video ở chế độ công khai, cho phép ai cũng có thể ghé thăm và xem lại chúng”.
Với công nghệ ngày nay, các video, ngay cả khi chúng được quay ở những địa điểm khác thường, cũng có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt để xem trên cả máy tính và điện thoại. Nhưng trước đây, không phải lúc nào tốt cũng vậy. Đôi khi, các sự cố về đường truyền sẽ khiến luồng phát sóng bị tạm dừng, đồng nghĩa với việc người xem phải đợi cho đến khi hết đám tang mới có thể xem lại bản ghi chất lượng cao được tải lên sau đó. May mắn là với công nghệ kết nối mạng di động ngày nay, Internet tốc độ cao có thể truy cập từ nhiều nguồn khác nhau, giúp đảm bảo buổi lễ diễn ra hoàn hảo.
Con người giờ có thể online từ khi lọt lòng, lớn lên cho tới khi chết đi.
Theo ông Hightower, thuộc Hiệp hội Tang lễ Quốc gia, thì khả năng một nhà tang lễ cung cấp việc live stream phụ thuộc vào hai yếu tố chính: quy mô và vị trí. Nhà tang lễ nằm ở khu vực thành thị có nhiều khả năng làm việc với các gia đình có người thân và bạn bè ở xa. Các công ty lớn cũng có tập khách hàng đa dạng và được trang bị tốt hơn để đối phó với nhiều vấn đề nhỏ có thể phát sinh trong quá trình live stream.
Thậm chí, một số nhà tang lễ phải mua giấy phép bản quyền âm nhạc để sử dụng các bản ghi âm tại các buổi lễ. Bởi khi việc live stream trở nên phổ biến, các nhà tang lễ bắt đầu gặp phải vấn đề về bản quyền khi phát sóng.
“Đây là một trong những điều chúng ta phải học làm quen và chấp nhận”, ông nói.
Tham khảo Wired