Ảnh minh họa.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng, qua thực tế các nước đã thực hiện cho thấy, nếu áp dụng được chứng chỉ tiền hôn nhân ở Việt Nam sẽ rất tốt.
Đề xuất bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong Luật Hôn nhân gia đình của TS Nguyễn Xuân Thủy (Học viện Cảnh sát nhân dân) nêu ra tại Hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, thực tế chứng chỉ tiền hôn nhân đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu.
Ông Hòa cho biết, tại Thụy Điển, khi hai người đến đăng ký kết hôn thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu xuất trình chứng chỉ tiền hôn nhân. Trường hợp chưa có giấy tờ này sẽ phải về học lại.
Thực tế các nước đã thực hiện cho thấy, nếu áp dụng được đề xuất của TS Nguyễn Xuân Thủy về chứng chỉ tiền hôn nhân vào Việt Nam sẽ rất tốt.
“Tại sao không thử? Việc đi học lớp tiền hôn nhân và có chứng chỉ này giúp cho những người sắp lập gia đình thấy được việc làm vợ, làm chồng sẽ như thế nào, ứng xử với nhau, xử lý các tình huống ra sao cho hạnh phúc, thuận hòa, tránh lụi tàn trong hôn nhân, tránh ly hôn.
Tiếp đó là làm cha, làm mẹ, dạy dỗ con cái… ra sao? Những thứ đó gắn rất sát với cuộc sống gia đình và nên học”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa nêu.
Tuy nhiên, từ thực tế nghiên cứu, công tác của mình ông Hòa cho rằng, phần đông người Việt Nam hiện nay chưa nhận thấy rõ được sự cần thiết phải học lớp tiền hôn nhân.
Trước đây, đã có một số trung tâm tư vấn ở Hà Nội như trung tâm tư vấn tâm lý nơi ông Hòa làm, từng tổ chức các lớp học tiền hôn nhân nhưng không có người học.
Ông Trịnh Trung Hòa.
“Có những người cho rằng, làm vợ, làm chồng ai chả làm được, ông bà từ xưa vẫn cưới nhau, sinh sống với nhau, làm vợ chồng, cha mẹ, ông bà tốt… mà có cần học hành gì đâu.
Bên cạnh đó, họ cho rằng, khi học như vậy lại mất một khoản tiền học phí, tốn thời gian… Bởi đa phần mọi người đều nhận thức như vậy nên rất khó thực hiện”, chuyên gia Trịnh Trung Hòa dẫn giải.
Về một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể trong luật để buộc người trước khi kết hôn phải học lớp này, chuyên gia Hòa không đồng tình và cho hay vấn đề được kết hôn là quyền của mỗi con người.
“Nếu chúng ta quy định cứng nhắc trong luật thì sẽ không hay mà thay vào đó cần tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự nguyện học. Khi nhiều người thấy rõ ích lợi của việc học, chứng chỉ này ắt sẽ có số đông ủng hộ”, ông Hòa nhận định.
TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đề xuất chứng chỉ tiền hôn nhân rất hợp lý, bởi thực tế, giới trẻ Việt Nam hiện đang kết hôn nhưng không có kiến thức nhiều lĩnh vực khiến tỷ lệ ly hôn khá lớn.
Nguyên nhân do kiến thức về hôn nhân còn mơ hồ, họ đơn giản nghĩ yêu là cưới mà không lường hết những thách thức sau tuần trăng mật là cơm áo, gạo tiền, là bao mối quan hệ đan xen… Cuộc sống vợ chồng sau hôn nhân không phải như thiên đường mà đôi trẻ vẫn tưởng tượng.
Theo TS Hương, đề xuất chứng chỉ tiền hôn nhân hoàn toàn khả thi nếu vấn đề này được quy định trong luật. Các cơ quan chức năng có thể thiết kế bài thi cũng như kiến thức được đẩy lên mạng. Các cặp đôi có thể tận dụng mọi thời gian, không gian để tìm hiểu.
Trước đó, TS Nguyễn Xuân Thủy đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội.
“Cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn”, ông Thủy nói và đề xuất để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải “trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…”.
Hoàng Đan, theo Trí Thức Trẻ