Việt Nam luôn coi trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi người dân; đồng thời, luôn nỗ lực bảo đảm các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Tuy vậy, việc các tà đạo khoác áo tôn giáo du nhập và hoạt động “chui”, biến tướng thời gian qua đã và đang vi phạm cả về pháp lý và đạo lý, là tác nhân gây bất ổn an ninh trật tự, môi trường văn hóa của Nhân dân.
Người dân đề cao cảnh giác trước các tà đạo đang hoạt động “chui” hiện nay. (Ảnh chụp internet).
“Đạo Dương Văn Mình” đã từng là cái tên không xa lạ với đồng bào Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bởi đây là tổ chức đã gieo rắc bao nỗi khổ đau và được ví như cơn gió độc của đồng bào Mông khu vực này.
Khởi điểm của “Đạo Dương Văn Mình” là vào năm 1989 sau khi Dương Văn Mình nghe được các bản tin đài nước ngoài tuyên truyền về đạo Tin lành vào đồng bào dân tộc Mông khu vực miền núi phía Bắc, y đã tin một cách mù quáng và “ảo tưởng” tự nhận mình là “con của chúa trời, là vua của người Mông”, thừa mệnh của chúa xuống giao thoa với người trần, với người Mông.
Dương Văn Mình đã dùng các thủ đoạn mị dân để lôi kéo người đồng bào Mông và chiếm lòng tin của họ bằng cách rêu rao rằng: Muốn đi theo “Đạo Dương Văn Mình”, muốn sung sướng thì trước hết phải vứt bỏ ngay bàn thờ tổ tiên… Và muốn lên được “đất trời” thì phải thôi lao động sản xuất, học hành, đi xa; thôi tất cả mọi việc thường nhật của đời trần gian; có gia súc, gia cầm thì phải giết mổ ăn hết, có váy áo đẹp không vứt thì phải xé bỏ, kể cả đồ trang sức là kim hoàn, kim loại quý cũng phải vứt bỏ…
“Đạo Dương Văn Mình” đã trở thành một hiện tượng nhức nhối gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống, tinh thần của một bộ phận người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nghiêm trọng hơn, thứ tà đạo do Dương Văn Mình lập ra đã từng bước lộ rõ ý đồ xây dựng nên một “tổ chức bất hợp pháp khoác áo tôn giáo”.
Cũng giống như “Đạo Dương Văn Mình”, sự xuất hiện trở lại của Hội thánh của Đức chúa trời thời gian gần đây đã và đang gây nhiều tác động xấu đến an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng, không gian mạng nói chung.
Trên nền tảng zalo không ít người dân đã nhận được chia sẻ và lời mời kích vào link với nội dung “Giới thiệu Hội thánh của Đức chúa trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành thế giới” của trang zalo Celina Quỳnh Hoa. Nội dung giới thiệu mang tính kích thích và tò mò đối với người dùng. Cụ thể như: “Bạn đã nghe về Hội thánh của Đức chúa trời chưa? Có thể bạn đã nghe qua một lần rồi hoặc đã nghe nhiều lần nhưng thông tin một chiều nên không biết chính xác về hội thánh. Hãy dành 5 phút để loại bỏ hoàn toàn định kiến tư duy về Hội thánh của Đức chúa trời, bạn sẽ hiểu biết rõ ràng và trọn vẹn khác biệt với hơn 10.000 hội thánh trên thế giới”.
Hội thánh của Đức chúa trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành thế giới (World mission society Church of God – WMSCOG) còn các tên gọi khác là “Hội thánh của Đức chúa trời”, “Đức chúa Trời Mẹ”, “Hội thánh Đức chúa trời làm chứng cho Chúa Giêsu”, “Hội thánh Đức chúa trời Mẹ”. Hội thánh này có nguồn gốc từ Hàn Quốc với giáo lý cơ bản lấy từ kinh thánh (66 quyển) của Tin lành giáo. Tuy nhiên, chính tổ chức này bị những người Tin lành giáo tẩy chay, không công nhận, thậm chí còn coi là “tà đạo” vì những thay đổi giải thích giáo lý và thực hành của nó.
Tại nước ta, Hội thánh của Đức chúa trời du nhập vào khoảng năm 2001. Lực lượng đi truyền giáo đa phần là số trẻ, hoạt ngôn sắc xảo, có trình độ học vấn được huấn luyện kỹ năng thuyết giảng và được tổ chức thành một mạng lưới có sự hỗ trợ trên dưới khá chặt chẽ, gồm người dẫn dắt, nhóm trưởng, khu vực trưởng. Cách thức tiếp cận của các đối tượng rất tinh vi, không dùng hình ảnh tâm linh phản cảm, cúng bái cực đoan, mà dùng những thuật ngữ khoa học, triết lý nhân sinh, những câu chuyện hay, có logic để dụ dỗ, mê hoặc… Với các thủ đoạn, hoạt động vừa lén lút vừa công khai bằng các hình thức khác nhau, Hội thánh của Đức chúa trời đã gây những tác động xấu đến an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Việc bị lôi kéo và tham gia sinh hoạt các tà đạo dù bất cứ hình thức nào cũng để lại nhiều hệ lụy không đáng có cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, để tự bảo vệ mình và người thân, mọi người dân phải luôn đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lôi kéo của các tà đạo, đặc biệt là trên không gian mạng hiện nay.
Cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo, để phòng ngừa các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo tham gia hoạt động tà đạo trên địa bàn tỉnh, người dân cần nhận thức đúng bản chất phản khoa học, phản văn hóa, phản xã hội của các tà đạo; nêu cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng các tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch. Không tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan hoặc tiếp tay, cổ vũ, tuyên truyền các tà đạo. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Luật An ninh mạng, không truy cập vào các trang thông tin phản động.
Bài và ảnh: Lê Phượng
Nguồn Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/phap-luat/de-cao-canh-giac-truoc-nhung-nbsp-ta-dao-khoac-ao-ton-giao/194931.htm