ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Thông cảm với Hoàng Công Lương, nhưng thái độ của tôi trước sau không thay đổi!

“Án tù này không chỉ là một sự bất công với cá nhân bác sĩ Hoàng Công Lương, mà còn là tiền lệ nguy hiểm đe doạ các bác sĩ khác trên khắp đất nước này” – ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói.

PV: Phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án chạy thận ở Hoà Bình đã khép lại, với diễn biến đáng lưu ý nhất là bị cáo Hoàng Công Lương bất ngờ thừa nhận tội danh của mình và xin được giảm án, HĐXX kết án Hoàng Công Lương 30 tháng tù giam. Là người luôn theo sát và ủng hộ Hoàng Công Lương từ những ngày đầu, quan điểm của ông về vụ án này bây giờ có thay đổi?

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cá nhân tôi không ủng hộ lựa chọn này của BS Hoàng Công Lương. Nhưng tôi nghĩ mình hiểu lý do và có thể thông cảm cho điều đấy.

BS Lương đã không chịu nổi sức ép mà cậu ấy phải đối mặt trong suốt hai năm qua, khi vụ án càng xét xử nhiều lần thì tội danh và mức án dành cho cậu ấy càng nặng, phải đối diện với tương lai tù tội và xa vợ con, cậu ấy đã nhận tội với tia hy vọng duy nhất là nhờ đó sẽ được xin giảm từ án tù giam xuống án treo.

Nhưng như chúng ta đều biết, cuối cùng mức án dành cho Lương vẫn là 30 tháng tù. Tôi rất buồn và rất tiếc…

Tuy nhiên tôi nhấn mạnh là việc Lương có nhận tội hay không không thay đổi thái độ của tôi về vụ án này.

Thứ nhất, tôi trước sau bảo lưu quan điểm BS Hoàng Công Lương chỉ có lỗi hành chính chứ không có tội hình sự. Án tù này không chỉ là một sự bất công với cá nhân bác sĩ Lương, mà còn là tiền lệ nguy hiểm đe doạ các bác sĩ khác trên khắp đất nước này.

Thứ hai, tôi rất không đồng tình với cả ba khâu của vụ án này, từ điều tra đến công tố và xét xử.

lanhieu

Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, đồng thời là Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Theo dõi vụ án này, tôi thấy có quá nhiều sự bất cẩn và bất thường đã bị HĐXX gần như bỏ qua:

– Là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng vật chứng trong vụ án chỉ có 14 can nhựa đựng hoá chất. Mà căn cứ diễn biến vụ án và Điều 89, 90 Bộ luật Tố tụng hình sự thì toàn bộ hệ thống lọc nước RO, máy chạy thận, các trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao trong đơn nguyên thận nhân tạo đều phải được coi là các vật chứng của vụ án.

Trong khi kết luận của Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an đã khẳng định: Hệ thống lọc nước RO2 có hai màng lọc không đảm bảo chất lượng để sử dụng lọc nước chạy thận nhân tạo, đồng hồ hiển thị độ dẫn điện trên hệ thống lọc RO2 có sai số quá lớn không đảm bảo để sử dụng. Hệ thống lọc nước RO1 có hai van chất lượng kém (bị rò nước khi đóng kín) là các van nối tắt lọc làm mềm nước RO1, van tẩy màng lọc RO1. Ngoài ra van tiệt trùng cũng không còn đảm bảo kỹ thuật sử dụng để nước vẫn chảy qua dù đang đóng kín…

Đây là những vật chứng cực kỳ quan trọng nếu cơ quan tố tụng xem xét một cách khách quan, khoa học sẽ mang lại những giá trị nhằm xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Vừa qua ở phiên toà, đại diện Bộ Y tế cũng đã nêu những luận cứ khoa học nhằm chứng minh nguyên nhân dẫn đến sự cố và các nguyên nhân này đều liên quan đến các trang thiết bị được lắp đặt và sử dụng tại đơn nguyên thận khi xẩy ra vụ án.

– HĐXX đã hoàn toàn bỏ qua ý kiến của Hội đồng chuyên môn. Mà đây là một vụ án mang nặng yếu tố chuyên môn đặc thù. Trong khi việc tham khảo và căn cứ vụ án dựa trên những ý kiến của Hội đồng chuyên môn đã là hiến định được quy rất rõ trong Luật Khám chữa bệnh. Đó là điều khiến tôi thất vọng hơn cả về phiên toà này.

Tôi lo lắng, với cách làm việc như này của các cơ quan tư pháp, rồi đây nhiều người trong số các bác sĩ chúng tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ tù tội trong các tai biến y khoa rất dễ xảy ra với công việc này.

PV: Ông có nghĩ đây cũng là thất bại của ngành Y tế, khi mà, dù đã có Luật Khám chữa bệnh, có Quy chế Bệnh viện rất rõ ràng, và ngay tại tòa Bộ Y tế cũng nêu quan điểm chuyên môn và theo hướng có lợi cho Hoàng Công Lương, nhưng cuối cùng bản án 30 tháng tù vẫn được tuyên?

BS Hoàng Công Lương đi tù trong một vụ án y tế chưa từng có tiền lệ, phơi bày những lỗ hổng quy trình của ngành Y. Sẽ là vô cùng oan ức và thiếu công bằng cho các bác sĩ khác, nếu sau vụ án này mà ngành Y vẫn không sửa chữa được điều đó.

Đặc biệt, đã đến lúc ngành Y chúng tôi phải thực sự quan tâm đến bảo hiểm Y nghiệp.

Ở Việt Nam, bảo hiểm Y nghiệp vẫn chỉ là hình thức. Các công ty Bảo hiểm chỉ chi trả trong trường hợp Bệnh viện và bác sĩ nhận sai. Mà ranh giới sai – đúng trong nghề Y là rất nhỏ và đôi khi rất khó đoán định. Nhất là khi các bệnh viện đều không muốn thừa nhận sai lầm (nếu có), bởi việc đó sẽ huỷ hoại thanh danh và uy tín của bệnh viện.

Ở nước ngoài, bảo hiểm y nghiệp sẽ chi trả cho cả các trường hợp rõ ràng hoặc chưa rõ ràng về chuyên môn. Như vậy, cả bác sĩ và bệnh nhân đều được bảo vệ khi tai biến y khoa xảy ra, dù hậu quả có thế nào chăng nữa.

PV: Anh vừa trở thành Giám đốc Bệnh viện Đại học Y. Vậy trong lúc chờ Bộ Y tế hoàn thiện quy trình, anh sẽ làm gì để bảo vệ các nhân viên trong bệnh viện của mình?

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Tôi sẽ đi tìm đối tác bảo hiểm Y nghiệp theo đúng nghĩa để bảo vệ cho các nhân viên y tế trong bệnh viện mình.

Việc rà soát lại toàn bộ các quy trình trong bệnh viện cũng là điều tôi đặc biệt quan tâm. Nếu quy trình nào của Bộ Y tế còn có những vấn đề bất cập mà không được cập nhật kịp thời, chúng tôi sẽ tự xây dựng quy trình cho BV mình.

Cuối cùng, là ĐBQH, tôi sẽ cố gắng dùng vai trò của mình để sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, đảm bảo việc nhân viên y tế sẽ được bảo vệ trong những trường hợp tương tự như đối với bác sĩ Hoàng Công Lương.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!