ĐBQH: Công an cho kẻ xâm hại bé gái ở vườn chuối tại ngoại là “xem nhẹ tội danh nguy hiểm”

Camera nhà dân ghi lại tội ác của Nguyễn Trọng Trình.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, “hoàn toàn không đồng tình” việc cơ quan điều tra Công an huyện Chương Mỹ cho bị can xâm hại bé gái ở vườn chuối được tại ngoại.

Hành vi xâm phạm đến thân thể, tính mạng của trẻ em

Nghi phạm Nguyễn Trọng Trình (30 tuổi, trú tại xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) xâm hại tình dục cháu V.N.Q. (SN 2009), đã bị cơ quan Công an huyện Chương Mỹ khởi tố bị can về tội danh “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” nhưng cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, qua theo dõi trên báo chí những ngày qua, cá nhân bà thấy đây là vụ án nghiêm trọng, xâm phạm đến thân thể, tính mạng của trẻ em.

“Hành vi xâm hại tình dục trẻ em dù ở mức độ nào cũng là tội ác khó dung tha. Bởi lẽ, trẻ em được xem là đối tượng yếu thế, còn non nớt về thể chất, tâm sinh lý, không có khả năng ứng phó, chống trả trước những hành vi sử dụng vũ lực của người lớn.

Hậu quả của những hành vi này để lại vô cùng nặng nề, đặc biệt, các tổn thương về tâm lý có thể sẽ theo em nhỏ suốt đời”, bà Hiền nói.

Vị nữ ĐBQH này cho hay, về hành vi xâm hại tình dục trẻ em do pháp luật quy định, nhất là với hành vi dâm ô hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi khác nhau. Tuy nhiên, với vụ án ở Chương Mỹ (Hà Nội) bà không đồng tình với biện pháp tố tụng đã thực hiện của cơ quan điều tra.

Theo bà Hiền, qua theo dõi, bà đồng thuận với ý kiến của nhiều chuyên gia, luật sư khi phân tích tính pháp lý đã đề nghị cơ quan điều tra thay đổi tội danh đối với bị can từ “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” sang ” Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

ĐBQH: Công an cho kẻ xâm hại bé gái ở vườn chuối tại ngoại là xem nhẹ tội danh nguy hiểm - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền.

Bà nói thêm, là người làm ở lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác trẻ em và thực thi pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, bà thấy, cách lý giải của cơ quan điều tra trong việc khởi tố bị can về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, mà chủ yếu dựa vào lời khai của bị can là chưa thỏa đáng.

Nói cách khác, việc làm này chưa đảm bảo nguyên tắc quyền trẻ em trong quá trình điều tra.

“Tại sao lời khai của nạn nhân không được cơ quan điều tra xem xét nghiêm túc trong quá trình điều tra, nhất là lời khai đó khớp với hiện trạng sức khỏe tâm sinh lý của trẻ sau khi bị xâm hại?.

Chúng ta hiểu rằng, dưới góc độ tội phạm học, lời khai của kẻ phạm tội sẽ mang tâm lý chối tội, bao biện cho hành vi sai trái gây ra.

Còn với đứa bé 9 tuổi là nạn nhân, em làm gì còn ý đồ nào khác ngoài những lời mô tả có tính chân thật? Phải chăng, vì nạn nhân chỉ là một đứa trẻ 9 tuổi nên sự lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho mình quá yếu ớt, không đủ trọng lượng?”, bà Hiền đặt vấn đề.

Hoàn toàn không đồng tình với việc cho bị can tại ngoại

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, bà “hoàn toàn không đồng tình” việc cơ quan điều tra Công an huyện Chương Mỹ cho bị can Trình được tại ngoại vì cho rằng đây là tội phạm ít nghiêm trọng.

“Việc cho tại ngoại đối với bị can có hành vi rất rõ khi sử dụng vũ lực để tấn công bé gái 9 tuổi, xâm hại gây tổn thương nghiêm trọng, có dấu tích để lại trên cơ thể, bỏ mặc cháu sau khi giở trò đồi bại… cho thấy cơ quan điều tra có dấu hiệu xem nhẹ tội danh nguy hiểm này.

Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng, Hội, đoàn thể bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em cần xem xét yếu tố này để có sự lên tiếng phù hợp”, bà Hiền bày tỏ.

Nữ ĐBQH cũng đặt vấn đề, việc cho đối tượng tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú “cũng giống như việc bỏ qua các nguy cơ và từ đó, có thể gây ra những vụ tấn công tình dục khác của bị can với lý do hành vi phạm tội ít nghiêm trọng”.

“Tôi đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền cần làm rõ trách nhiệm, quá trình, phương pháp điều tra của Công an huyện Chương Mỹ.

Đặc biệt, với nạn nhân bị xâm hại tình dục là trẻ em có đảm bảo trẻ em đã được đối xử công bằng, bình đẳng tôn trọng, phù hợp với độ tuổi của trẻ theo Luật trẻ em hay không”, bà Hiền nói.

Bà nhắc lại tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, khi trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã có nhận định “những vụ án dâm ô trẻ em không khó trong xét xử nhưng khó trong việc điều tra”.

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm cũng trả lời trước Quốc hội về những khó khăn của cơ quan điều tra về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Đồng thời đưa ra các giải pháp sẽ sớm ban hành các hướng dẫn, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm này.

Trong đó, tập trung hướng dẫn và tổ chức thực hiện nguyên tắc đảm bảo quyền trẻ em trong quá trình tố tụng, đạo tạo bồi dưỡng về quyền trẻ em, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cho điều tra viên đối với các loại tội phạm này…

“Tuy nhiên, gần đây, một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, các kết luận vụ việc của cơ quan đã gây nhiều tranh cãi, cho dù các chứng cứ, tình tiết không hẳn quá phức tạp.

Tôi rất mong, các cơ quan chức năng cần đề cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em hơn nữa. Đặc biệt, các cơ quan tư pháp cần phải sớm thống nhất và nhanh chóng ban hành Quy trình điều tra đặc biệt, quy trình xét xử đặc biệt đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Riêng vụ án ở Chương Mỹ, tôi đề nghị cơ quan điều tra cần thận trọng làm rõ dấu hiệu phạm tội, nếu là hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” cần chuyển cho cơ quan điều tra cấp trên xử lý.

Đồng thời, cần ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến trẻ em để giảm thiểu tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ theo Luật định”, bà Hiền nêu quan điểm.