ĐBQH Phạm Văn Hòa. Ảnh: N.T
Theo ĐB Phạm Văn Hòa, việc chỉ lấy một số người để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người bị mất bằng lái xe đều phải thi lại sẽ không hợp lý, dễ dẫn đến tiêu cực, phiền hà.
Những “phân vân, băn khoăn” của ĐBQH về đề xuất của Bộ trưởng Thể
Sáng 6/3, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm.
“Chúng tôi cũng đề xuất theo hướng người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ các môn mới được cấp bằng mới. Việc này để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi nhưng do công tác quản lý còn hạn chế.
Thực tế có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, người vi phạm “lách luật” để có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba nhằm tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh”, ông Thể nói.
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ông cảm thấy “khá bất ngờ và phân vân, băn khoăn” về đề xuất trên của Bộ trưởng Thể.
Theo ông Hòa, có thể trong thực tế, có một số trường hợp, lái xe đã “gian dối, lách luật” để báo mất bằng lái xe rồi làm thêm các bằng thứ 2, thứ 3 và sau khi vi phạm, bị cơ quan chức năng thu giữ bằng này lại có bằng khác sử dụng, điều khiển phương tiện.
Nắm được thực tế và khó khăn, nan giải trong việc xử lý vấn đề này nên Bộ trưởng GTVT đã có đề xuất nêu trên nhằm khắc phục.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
“Tuy nhiên, cần phải nói rõ, với các trường hợp gian dối, lách luật để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 nếu phát hiện được, ngoài tịch thu tất cả các bằng thì việc yêu cầu phải học lại, thi lại mới cho cấp bằng mới hoàn toàn phù hợp.
Còn việc chỉ lấy một số người để đề xuất áp dụng chung cho tất cả mọi người sẽ không hợp lý chút nào.
Chẳng hạn, với những người dân bị mất trộm bằng lái xe hoặc do nguyên nhân chính đáng nào đó và họ vẫn còn hồ sơ gốc nhưng lại bắt phải thi lại mới cấp cho bằng mới sẽ tạo ra thiệt thòi rất lớn.
Chưa kể, việc này dễ dẫn đến những tiêu cực, tốn kém tiền bạc, phiền hà không cần thiết cho người dân và các hệ lụy khác”, ông Hòa nói.
Vị ĐBQH cho rằng, hiện nay, các cơ quan chức năng có đầy đủ năng lực, phương tiện, con người để có thể xác minh, làm rõ được người này mất bằng lái xe thực sự hay khai gian dối để được cấp bằng.
Trong quy định của việc cấp lại bằng lái cũng nêu rõ, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
“Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể rà soát được còn lỗ hổng hay việc không rà soát kỹ là do cơ quan chức năng Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm.
Việc đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật vừa phải đảm bảo sự nghiêm minh, thực thi của pháp luật nhưng cần hợp tình, hợp lý, không được gây phiền hà, tốn kém cho người dân.
Còn khi người dân, xã hội đã có những phản ứng cần đánh giá, nghiên cứu lại một cách khách quan, toàn diện”, ông Hòa nhìn nhận.
Nếu bằng lái xe bị mất phải thi lại, không biết vấn đề này quy định ở đâu?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh (Hà Nội) cho rằng, bản thân ông không đồng tình với đề nghị trên của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Luật sư Truyền cho rằng, nếu những người dân bị mất bằng lái với lý do chính đáng, rõ ràng và vẫn còn hồ sơ gốc mà bị bắt thi lại mới được cấp bằng sẽ dẫn đến những phiền hà, tốn kém tiền bạc, công sức không cần thiết.
Chưa kể, việc này sẽ dễ tạo thêm cơ hội cho các đối tượng xấu vòi vĩnh, “ra giá” để yêu cầu chuộc đối với người dân bị mất bằng.
“Biết việc mất bằng sẽ phải thi lại nên nhiều người dân chắc chắn sẽ tìm mọi cách để tìm kiếm, chuộc lại bằng bị mất của mình.
Khi đó, vô hình chung sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng xấu vòi vĩnh, yêu cầu phải đưa khoản tiền cao mới cho chuộc lại bằng và dẫn tới những hệ lụy, bất ổn trong xã hội”, luật sư Truyền nói.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền.
Ông nêu thêm, việc không quản lý được, tạo lỗ hổng những người vi phạm “lách luật” để có bằng thứ 2, thứ 3 là trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không phải của người dân.
“Tuy nhiên, việc bắt mọi người mất bằng đều phải đi thi lại để được cấp bằng mới chẳng khác nào đổ hết trách nhiệm, việc không quản lý được sang cho người dân.
Điều này, đi ngược lại với những chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính mà chúng ta đang áp dụng”, luật sư Truyền nhìn nhận.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng VPLS Chính Pháp, Hà Nội) cũng cho hay, việc cấp lại bằng lái xe phải theo quy định pháp luật, phải có nguyên tắc chứ không phải ai muốn nói thế nào cũng được.
Ông nói, bằng lái xe chỉ là chứng nhận khả năng điều khiển phương tiện giao thông và khi đã có giấy phép rồi, điều khiển phương tiện giao thông rồi mà mất bằng thì cấp lại là chuyện bình thường.
Còn việc học lại, thi lại chỉ có thể áp dụng với những trường hợp chưa học lái xe hoặc chưa đủ khả năng lái xe.
Bản chất của việc thi lại là phủ nhận kết quả thi trước đây hoặc chưa có gì đảm bảo được trình độ như bằng lái công nhận.
“Đối với tất cả các loại bằng cấp đều quy định cấp lại, cấp đổi, cấp mới. Các trường hợp bị mất bằng cấp đều có quy định cấp lại.
Đến những thứ quan trọng, đắt giá như bằng tốt nghiệp Đại học, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… khi mất, khi hỏng đều có thủ tục cấp đổi, cấp lại.
Nếu riêng bằng lái xe bị mất phải thi lại, không biết vấn đề này quy định ở đâu và căn cứ vào cơ sở lý luận nào để ban hành quy định này?”, luật sư Cường nêu.
Vị luật sư này chia sẻ thêm, bằng lái xe là thứ nhỏ bé, thường xuyên mang theo người bởi vậy việc hư hỏng, mất mát rất dễ xảy ra. Nếu mỗi lần bị mất, bị hỏng phải đi thi lại rất tốn kém, mất thời gian, tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực xảy ra.