ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu hiện tượng “có người bằng cấp cao nhưng nói ngọng, viết sai chính tả”, vì thế phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi học sinh hết tiểu học.
Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại tổ vào chiều 8/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đã góp ý kiến về việc, trong việc xây dựng luật này, mọi người không nên quan điểm học sinh đi học phải vui, phải được chơi.
“Học hành cũng là nghĩa vụ, cần tạo lập cho học sinh kỷ luật học hành xong thì được chơi. Dĩ nhiên, trường công phải điều chỉnh chỗ này, tạo hứng thú học hành cho học sinh”, ông Nghĩa nói.
Về dạy và học ngoại ngữ, ông Trương Trọng Nghĩa nói, ngoại ngữ vô vùng quan trọng. Nếu từ cấp 1, cấp 2 được tiếp xúc ngoại ngữ sớm thì càng quý giá.
Nhưng sau mấy chục năm đổi mới, phát triển trình độ ngoại ngữ của Việt Nam vẫn rất hạn chế. Phải để học sinh tiếp cận ngoại ngữ càng sớm càng tốt, cần tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.
Ông cũng cho rằng, lâu nay chúng ta bỏ bê học nói, đặc biệt, “nói ngọng sẽ ảnh hưởng tới viết, thuyết trình và ảnh hưởng cả uy tín một nền giáo dục”.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến tại tổ.
Ông nêu hiện tượng “có người bằng cấp cao nhưng nói ngọng, viết sai chính tả”, vì thế, phải giải quyết xong vấn đề nói ngọng khi học sinh hết tiểu học.
“Hồi tôi đi học, bạn nào ngọng bị cô giáo yêu cầu tập đọc trước cả lớp. Cháu tôi nói ngọng bèn cho đi học lớp chữa nói ngọng để nói chuẩn trở lại”, ông nêu rõ.
Đại biểu TP HCM lưu ý, phải tăng cường dạy đạo đức cho học sinh. “Đạo đức mà xuống cấp thì giáo dục thất bại. Dù giáo dục tiên tiến đến đâu mà đạo đức có vấn đề thì giáo dục không ổn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Vì thế, theo ông Nghĩa, Luật Giáo dục dứt khoát phải giải quyết được câu chuyện đạo đức. Ngoài ra, phải làm sao giáo dục học sinh “thích làm người tử tế, thay vì thích làm người giàu”. Luật Giáo dục cần đưa điều này vào, đề cao lòng yêu thương con người, yêu mến sự tử tế.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ lo ngại về vấn đề biên soạn sách giáo khoa. Ông Sinh phân tích, nếu thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì quy trình lựa chọn sách giáo khoa “phải là quy trình chuẩn”.
“Trong dự thảo luật, vai trò quản lý Nhà nước chưa thể hiện. Việc ổn định trong công tác giảng dạy rất khó đảm bảo vì không được quy định rõ trong luật. Nếu có chuyện vụ lợi sẽ không kiểm soát được”, ông Sinh băn khoăn.
Đại biểu này mổ xẻ từ chuyện cụ thể liên quan sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Ông nêu thực tế, phương pháp của GS Đại đang trong cảnh “tỉnh này áp dụng, tỉnh kia bỏ, rất phức tạp”.
Chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi dự giờ dạy theo Công nghệ giáo dục tại Hoà Bình, ông nhận xét, kết quả tiết học rất tốt.
Nhận xét việc đưa phương pháp dạy tiếng Việt này vào giáo dục đại trà có nhiều ưu điểm tích cực nên vị ĐBQH muốn phải có quyết định rõ ràng về việc có đi theo hướng này không. Sau đó phải có quy trình chuẩn, xác định ai được quyền quyết định triển khai việc giảng dạy theo sách Công nghệ giáo dục chứ không thể để cho hiệu trưởng mỗi trường tự quyết.
“Qua vụ sách vuông vuông, tròn tròn này cho thấy chỉ chuyện sử dụng sách giáo khoa đã tranh cãi phức tạp như vậy rồi.
Ngành giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, không phải là thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội như thế”, đại biểu khái quát lại.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng kiến nghị cần có quy định cụ thể về việc thực nghiệm, thí điểm những mô hình mới, tránh tình trạng như vừa qua chương trình Công nghệ giáo dục thí điểm 40 năm vẫn chưa kết luận thí điểm nữa hay không.