ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, trong việc Cocobay Đà Nẵng ‘vỡ trận’, ngoài những người trực tiếp trong cuộc thì không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngày 23/11, công ty Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Emprie) phát đi thông báo chấm dứt chi trả lợi nhuận 12% tại dự án Cocobay Đà Nẵng và chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019, khiến các chủ sở hữu Condotel như ngồi trên đống lửa.
Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, liên quan đến vấn đề Condotel, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ và giờ phải thực hiện.
“Các vấn đề liên quan Condotel đã có cảnh báo từ trước về việc chủ đầu tư sử dụng các vấn đề như nâng cao lãi suất và coi đây là hợp đồng dân sự, nên họ phải chịu trách nhiệm theo các điều khoản để bảo đảm quyền lợi cho người dân”, ông Hà nói và cho rằng, sau sự việc của Cocobay Đà Nẵng, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có những cảnh báo đối với người dân khi đầu tư vào đây.
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của UBTVQH cho hay, cá nhân ông đã theo dõi khá kỹ thông tin về sự việc này.
Theo ông Nhưỡng, việc Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận là kết cục đã được báo trước” và những người trực tiếp trong cuộc, cụ thể là lãnh đạo Công ty, chủ đầu tư phải có giải thích cụ thể đối với những nhà đầu tư đã bỏ tiền vào dự án.
“Nhưng bên cạnh đó, không thể không có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp ở địa phương là UBND TP Đà Nẵng.
Vì dưới Uỷ ban còn có các Sở, ban, ngành nên cần yêu cầu tất cả báo cáo, đánh giá, thậm chí có thể mời chuyên gia, tọa đàm các nhà khoa học, nhà quản lý và ngay cả những người đã về hưu biết về vấn đề này để cho ý kiến…”, ông Nhưỡng nói.
Dự án Cocobay Đà Nẵng.
ĐB Nhưỡng cho rằng, loại hình Condotel đã được dư luận nhắc đến rất nhiều với cả ý kiến đồng tình, ủng hộ cũng như không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối.
Ông nói, xã hội phát triển sẽ kéo theo những cái mới và Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì tham mưu vấn đề này phải có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương để đánh giá loại hình condotel có phù hợp hay không.
Ngoài ra, phải xem xét loại hình này có đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế xã hội; có gây hệ lụy về sở hữu, chiếm hữu và quyền định đoạt theo các Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc… không, rồi sau này liên quan cả vấn đề kinh doanh, cuộc sống gia đình các nhà đầu tư…
“Dù chưa có đầy đủ thông tin về vấn đề condotel này, nhưng quan điểm của tôi là những cái mới đã được nghiên cứu và kiểm nghiệm thì ủng hộ. Tuy nhiên, tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải giải trình được cho người dân và cơ quan có thẩm quyền để xem xét vấn đề này để xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Điều này sẽ tránh được tình trạng bên ngoài kia nói một đằng, bên trong lại án binh bất động hoặc là để tự xã hội vận động, lúc đó có những hệ lụy không thể gỡ được”, ông Nhưỡng nói.
Liên quan đến việc hiện chưa có quy định cụ thể của pháp luật để quản lý các dự án Condotel, ông Nhưỡng cho hay, Bộ Xây dựng có thể trình Thủ tướng cho thí điểm và tổ chức tổng kết. Tuy nhiên, trước khi thí điểm phải tổ chức hội thảo nghiên cứu khoa học và tọa đàm, sau đó cho thí điểm và kiểm tra, thanh tra, nếu có sai phạm phải xử lý rút kinh nghiệm.
“Dĩ nhiên, đã thí điểm phải rủi ro và không nên áp đặt hoàn hảo rồi mới thí điểm, đó là sai. Vì chính thí điểm sẽ bộc lộ hết các vấn đề khúc mắc để xử lý, trong đó có vấn đề thể chế”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Liên quan đến sự việc Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận”, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Empire Group khi trả lời báo chí hôm 26/11 thừa nhận là đã vi phạm hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, vị này cho rằng, công ty đang nỗ lực đưa các phương án hỗ trợ khách hàng tốt nhất và cũng đề xuất thanh lý hợp đồng mua bán và nhận lại tiền mua condotel, liền kề khối boutique.
Hoàng Đan, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/thoi-su/db-luu-binh-nhuong-cocobay-da-nang-vo-tran-la-ket-cuc-da-duoc-bao-truoc-82019281115342224.htm