Nếu vì thi đua mà phạt tát học sinh 231 cái, hay đề nghị báo chí đừng lên tiếng do trường sắp đạt trường chuẩn quốc gia, cho thấy cái sai lớn của giáo viên và nhà trường – ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.
Chiều 19/11, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977, chủ nhiệm lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đã “chỉ đạo” học sinh cả lớp tát vào má một nam sinh tổng cộng 230 cái, làm em này phải nhập viện cấp cứu.
Trao đổi với PV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết vài ngày qua, một số cử tri đã gọi điện cho ông bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ vì hành vi của cô giáo này.
“Dạy học sinh nhỏ tuổi mà lại dùng chính các em học sinh khác tát một em đến 230 cái như vậy là không thể chấp nhận được.
Đây không phải là cách giáo dục cổ điển, trong cuộc sống hiện đại càng không thể xử lý như vậy. Hành vi này biểu lộ sự phản giáo dục, rất khó hiểu của người đứng trên bục giảng nhà trường”, đại biểu Nhưỡng nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nêu rõ, việc sử dụng 23 bạn để tát một học sinh như vậy đã gây ra “một nỗi nhục” cho chính các em học sinh.
“Nếu ở đây, cháu bị tát mà oán thù các bạn, hay giả sử nam học sinh đó đau lòng, thấy đây là nỗi nhục, rồi có hành động dại dột thì cô giáo có làm cách nào cũng không thể gỡ lại được.
Do vậy, cá nhân tôi thấy rằng, hành vi của cô giáo này cần phải xem xét hết sức nghiêm túc để xử lý”, ông Nhưỡng nêu.
Ông đánh giá động thái đình chỉ giảng dạy đối với cô giáo này là rất kịp thời, nhưng ông Nhương đề nghị ngành giáo dục địa phương tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đánh giá tính chất, hành vi trên gây hậu quả đến đâu.
Ông Nhưỡng đề nghị nếu hành vi của nữ giáo viên có dấu hiệu làm nhục người khác, xúc phạm danh dự, xâm phạm nhân phẩm người khác, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cô giáo này.
Nhắc đến vai trò của nhà trường, ĐBQH nói nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục lại học sinh sau sự việc này. Dù cô giáo có bắt buộc nhưng các em cần thấy rằng không nên làm theo những yêu cầu sai trái. Nếu cô giáo cố tình, các em hãy báo cho nhà trường để xử lý – ông Nhưỡng nói.
Trước đó, trả lời báo chí cô giáo Thủy cho rằng, việc mình tự ý đặt ra “quy định” là sai nhưng một phần vì áp lực thi đua của trường, mong muốn các học trò được tốt lên nên mới giáo dục một cách nghiêm khắc như vậy.
Còn hiệu trưởng nhà trường xin báo chí đừng lên tiếng bởi trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.
Về các lý giải này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, việc giải thích như vậy càng cho thấy hành vi của cô giáo là phản giáo dục, vì bệnh thành tích.
“Nếu vì thi đua mà đặt ra quy định tát học sinh hay đề nghị báo chí đừng lên tiếng vì sắp công nhận trường chuẩn quốc gia, càng cho thấy cái sai lớn của giáo viên cũng như nhà trường và những việc làm của cô giáo, nhà trường rõ ràng vi phạm nguyên lý giáo dục.
Cái cốt lõi của giáo dục là thi đua nhưng vì bệnh thành tích lại vi phạm đạo lý như cô giáo này thì thi đua không còn giá trị mà chuyển thành ganh đua và bất chấp mọi giá để đạt được”, đại biểu Nhưỡng nhìn nhận.